Chuyên gia ngành giao thông: Vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng làm đường cao tốc thu hút phát triển kinh tế nhưng phải thật cẩn trọng
Nếu dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mở ra mà thu hút được khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế như mong muốn của lãnh đạo Quảng Ninh thì hoàn toàn có thể xây dựng. Tuy nhiên, khi vay vốn ODA từ Trung Quốc phải thật cẩn trọng.
Việc đề xuất vay 7. 000 tỷ đồng của Ngân hàng TW Trung Quốc triển khai dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã nhận được sự phản hồi trái chiều của dư luận.
Nguyên nhân là bởi, trước đó, nhiều dự án hạ tầng sử dụng vốn vay Trung Quốc chậm tiến độ, đội vốn và kém hiệu quả đang diễn ra. Đây đều là những bài học đắt giá trong vay và sử dụng vốn ODA.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ts Nguyễn Xuân Thuỷ - Chuyên gia về giao thông, đường bộ về vấn đề này.
Thưa ông, với nhiều dự án vay vốn Trung Quốc đang đặt ra những quan ngại thì mới đây Bộ Giao thông Vận tải vừa trình xin ý kiến vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Qua tin tức, báo chí, rõ ràng chúng ta thấy Vân Đồn - Quảng Ninh đang được xây dựng thành một đặc khu kinh tế. Nhưng không phải là khu chế xuất, mà thu hút đầu tư, du lịch. Đặc biệt, nhà nước cho phép riêng khu Vân Đồn có một casino đánh bạc với mục đích thu hút khách du lịch Trung Quốc qua Vân Đồn nhiều hơn. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Trong tương lai, sẽ phát triển theo các công nghiệp, dịch vụ khác nếu xây dựng đường cao tốc.
Tuy nhiên, hiện nay các dự án có nguồn vốn vay từ Trung Quốc luôn đặt ra yêu cầu ràng buộc về nhà thầu, nhập khẩu thiết bị song việc triển khai, thực hiện luôn chậm tiến độ, đội vốn, điển hình như dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh? Ông có lo ngại tình trạng này có thể tiếp diễn với những dự án tới?
Không chỉ dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh của tổng thầu Trung Quốc mà nhiều dự án khác đứt gánh giữa đường lắm, khi làm mà tầm nhìn không tốt sẽ xảy ra dở dang ngay.
Tôi lấy ví dụ như dự án Tổ hợp lọc hóa dầu trị giá 20 tỷ USD ở Khu Kinh tế Nhơn Hội. Dự án này do tập đoàn dầu khí PTT Thái Lan và Aramco Ả Rập Saudi hợp tác đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã thông báo quyết định chấm dứt là vì kéo dài quá lâu và các nhà đầu tư nước ngoài đòi quá nhiều điều kiện mà Việt Nam không thể đáp ứng.
Thứ hai, cũng cần phải xem xét, cân nhắc tính toán xem việc người Trung Quốc sang nước mình quá nhiều có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, văn hóa hay không? Nếu không cẩn thận thì sẽ lợi bất cập hại, Trung Quốc không phải dễ chơi như chúng ta biết.
Nếu không, mở ra mà thu hút được khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế như mong muốn của lãnh đạo Quảng Ninh thì hoàn toàn có thể xây dựng được cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Vậy vì sao lại phải cẩn trọng với các tổng thầu Trung Quốc, ông có thể nói rõ hơn?
Có rất nhiều lý do. Thứ nhất, nhà thầu Trung Quốc dễ rơi vào trường hợp trong quá trình họ làm chủ động lái theo chiều hướng của họ. Ví như giá cả có thể tìm mọi nguyên nhân này hay nguyên nhân khác để tăng giá vốn lên, đội gấp 70-200% vốn.
Thứ hai, về công nghệ mình cũng không yếu kém gì nhưng họ lợi dụng mình sao nhãng, lôi kéo ham muốn vật chất để tranh thủ hướng dẫn tư vấn kỹ thuật theo ý họ. Từ đó, đội vốn lên, hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích.
Thứ ba, ý thức trách nhiệm của họ làm không hết sức ví dụ như sơ xuất về kỹ thuật, mất an toàn lao động, không thực hiện theo đúng thời gian mình quy định, không thực hiện cung cấp tài chính theo đúng lộ trình kỹ thuật.
Chẳng nhạn như chúng ta thấy, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ là một ví dụ điển hình. Kể cả như một số nhà máy ở Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Ninh cũng dùng công nghệ cũ, chỉ sau một thời gian là hỏng.
Có nghĩa là tất cả các dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện đều xấu?
Cái đó thì mình không khẳng định vậy nhưng cũng có một số dự án xấu, xảy ra sự cố và phải chú ý.
Theo ông, số vốn vay ODA từ Trung Quốc làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái 7.000 tỷ có nhiều không?
7.000 tỷ đồng nó chỉ khoảng hơn 300 đô la Mỹ thôi, tương ứng với số tiền mình vay làm đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh nên theo tôi không quá lớn.
Nhưng lãi suất vay bao nhiêu, họ nắm quyền gì và mình được làm chủ số tiền đó hay không phải chú ý trong hợp đồng với họ.
Chúng ta vay nhưng phải có lợi cho mình, hiệu quả, khả thi thì nên vay chứ vay vốn mà mình cầm cán, họ cầm lưỡi là không được. Tóm lại, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc phải thật chú ý.
Ngoài vay ODA từ Trung Quốc, theo ông, còn nguồn vay ODA nào khác khi thực hiện dự án này không?
Từ trước đến nay, chúng ta vay vốn ODA từ khá nhiều nước, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cả kể từ các nước thành viên EU... Tuy nhiên, theo tôi được biết đối với Nhật Bản họ cấp ODA tương đối nghiêm túc, nguồn cung tiền lớn hơn nhiều so với các nước khác. Chẳng hạn vốn ODA của Trung Quốc không bao giờ vượt quá 1 tỷ đô la Mỹ.
Cái quan trọng ở đây, theo tôi là nên chẳng ta phải chú ý, sử dụng ODA Nhật Bản hay từ các quốc gia khác nên tiết kiệm và đúng trọng tâm. Vốn ODA từ Nhật chủ yếu đầu tư vào giao thông nhưng các công trình giao thông chúng ta làm giá cao quá mà hiệu quả lại không được cao.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần phải tìm ra giải pháp như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, hoạt động kinh tế ngoài tạo ra công trình cần thiết phải tiết kiệm, đảm bảo sử dụng đồng tiền phù hợp khả thi, hiệu quả.
Nếu họ buộc ta phải dùng nhà thầu Trung Quốc để thi công, thì bằng mọi giá Việt Nam có vay vốn ODA không?
Mục tiêu cuối cùng của mình là phải vay vốn hiệu quả thì theo tôi, nếu muốn vay ODA làm đường cao tốc này thì những người làm tư vấn của Việt Nam, của Bộ Kế hoạch Đầu tư phải soạn thảo ra bộ hợp đồng hợp lý, chặt chẽ, khôn khéo.
Mình phải đưa ra phương án ràng buộc va sẵn sàng phương án dự trữ để khi có vấn đề gì thì mình thay ngay tổng thầu, thậm chí, cho dừng lại ngay nếu họ kéo dài dây dưa, bất hợp lý như đường sắt Hà Đông - Cát Linh.
Xin cảm ơn ông!