Chuyên gia: Để nghĩa trang lớn nhất Tp.HCM thành công viên, khu đô thị cần thời gian rất dài
Theo các chuyên gia bất động sản, chủ trương di dời nghĩa trang khỏi trung tâm khi tốc độ đô thị hoá ngày càng phát triển là hoàn toàn đúng đắn. Để "hoá kiếp" vùng đất chết này thành khu đô thị sầm uất chắc phải tốn thời gian khá dài.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân xác nhận thông tin địa phương này đang từng bước thực hiện việc "chuyển đổi công năng" của một phần nghĩa trang Bình Hưng Hoà thành khu đô thị.
Theo quy hoạch phân khu 1/2000, khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được chỉnh trang, quy hoạch với 7 khu dân cư của quận Bình Tân. Năm 2008, do lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND TPHCM đã có chủ trương kêu gọi đầu tư bỏ kinh phí ra bốc mộ, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Do không tìm được nhà đầu tư nên UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa thành dự án riêng và sử dụng nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách thành phố để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ chưa có người thân đến nhận nên việc di dời, giải toả vẫn chưa hoàn tất.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, cơ quan chức năng sẽ tiến hành di dời hơn 16.479 ngôi mộ có diện tích 18 ha đất trong tổng 44ha của toàn khu nghĩa trang. Tính đến thời điểm này, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1 còn khoảng 4.000 ngôi mộ chưa được bốc. Kể từ ngày 31/10/2017, cơ quan hữu trách sẽ bốc mộ vắng chủ theo quy định của pháp luật và tro cốt được lưu trữ tại chùa Di Lặc. Khi đó, thân nhân đến nhận thì chỉ được nhận hũ cốt chứ không được hưởng các chính sách bồi thường có liên quan.
Qua tìm hiểu, một số chủ đầu tư cho rằng quỹ đất TP.HCM đang hạn hẹp, nghĩa trang lại lọt giữa nhiều khu dân cư rộng lớn, việc di dời để tái sử dụng đất đầu tư dự án là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để khu này có thể trở thành khu đô thị như quy hoạch cần một khoảng thời gian khá dài cho công việc tái tạo đất và quá khứ lùi xa. Trước mắt, thành phố cần phải biến nơi đây thành một "lá phổi xanh" sau khi di dời toàn bộ mộ phần, qua thời gian khoảng 5-10 năm mới triển khai dự án bởi vì lúc đó đất đã được cải tạo sạch hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng chủ trương này của TP.HCM là hợp tình hợp lý từ hàng chục năm qua nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình chỉnh trang đô thị. "Nếu nhìn lại lịch sử, nhiều khu đô thị lớn hiện nay trên địa bàn TP.HCM cũng đã từng được xây dựng trên một số khu nghĩa địa lớn. Ngay sau khi Thành phố thực hiện cải tạo hiệu quả đất nghĩa trang, lập tức nơi đây chắc chắn sẽ biến thành "đất vàng" và thu hút được nhiều nhà đầu tư", ông Châu nói.
Tuy nhiên, ông Châu cho biết để đạt được mục tiêu đề ra, TP.HCM cần phải giải quyết thật tốt 3 vấn đề quan trọng. Theo đó, hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành công tác di dời toàn bộ số mộ phần hiện còn lại ở nghĩa trang. Nhưng, phần lớn trong số đó đều chưa có thân nhân đến nhận, do vậy thành phố cần phải làm sao để số mộ này sau khi di dời đến chỗ mới sau nhiều năm vẫn được người thân đến nhận nếu có.
Vấn đề thứ hai, theo ông Châu, trước đây một số khu nghĩa trang lớn trên địa bàn được chuyển đổi quy hoạch đều phải được thực hiện từng bước, chứ không đột ngột chuyển đổi công năng thành khu dân cư hay khu đô thì bởi vì dù gì đây là đất của "người chết" nên mọi người đều mang tâm lý rất nặng nề, nhất là vấn đề ô nhiểm môi trường.
Chẳng hạn như hai khu nghĩa trang từ thời chiến tranh đã được "hóa kiếp" thành công viên xanh quy mô lớn hiện nay tại TP.HCM là công viên Lê Văn Tám (quận 1) và Lê Thị Riêng (quận 10). Thành phố biến nơi đây thành hoạt động vui chơi giải trí đã hàng chục năm, dần dần người dân cũng đã quên đi lịch sử của những khu đất này và 1-2 năm qua chính quyền bắt đầu kêu gọi đầu tư phát triển thêm một vài dự án dân cư phù hợp với quy hoạch chung.
Cuối cùng, ông Châu cho rằng với trường hợp của nghĩa trang Bình Hưng Hòa thì thành phố cũng nên thực hiện lộ trình từng bước như đã từng làm. Điều quan trọng nhất là cần có một bản quy hoạch đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chỉnh trang đô thị và nhà đầu tư bất động sản. Theo đó, TP.HCM nói chung và quận Bình Tân nói riêng chưa nên vội vàng trong việc kêu gọi đầu tư các dự án khu dân cư ở đây mà cần có thời gian chuyển đổi toàn bộ diện tích đất này thành mảng xanh để tạo một điểm đến mới cho người dân.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển cũng cho biết nếu thành phố thực hiện quá trình chuyển đổi công năng từ khu nghĩa địa thành khu đô thi cao cấp quá nhanh sẽ tạo tâm lý không tốt cho cả người dân và nhà đầu tư. Mục tiêu chính ở đây phải được nhìn nhận đúng là TP.HCM đang thực hiện chỉnh trang đô thị, tạo cân bằng trong việc phát triển quỹ đất.
"Để thành công, trước hết TP.HCM cần tổ chức thi tuyển thiết kế quy hoạch khu Bình Hưng Hòa theo tiêu chí biến nơi này thành dự án công viên xanh, tạo sân chơi cho người dân thành phố, khu vui chơi cho thiếu nhi rồi mới nghĩ đến tạo quỹ đất mới để phát triển khu đô thị. Trong đó, bản thiết kế này phải chú trọng đến phương án di dời số lượng một phần hiện tại và các khu dân cư hiện hữu bao quanh nghĩa địa sao cho hài hòa, chứ không nên tạo tâm lý hoang mang cho thân nhân người đã khuất. TP.HCM có thể xem đây là "vốn mồi" để thu hút các nhà đầu tư", TS. Hiển nói thêm
Theo TS. Hiển, nếu thành phố đem đất nghĩa trang này ra đấu giá sẽ tạo tiền lệ không tốt, có khả năng một số nhà đầu tư địa ốc nhảy vào ôm đất rồi để đấy hoặc chuyển nhượng kiếm lời, tạo ra tình trạng da beo, nhếch nhát hoặc phát triển dự án mất cân bằng cho toàn khu.
Còn theo ý kiến cá nhân ông Ngô Đình Hãn, Giám đốc kinh doanh công ty địa ốc Nam Long, quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian bởi phụ thuộc lớn vào ý chí của chính quyền địa phương và cả các nhà đầu tư. Khu đất này không giống như những vị trí được đem ra kêu gọi đầu tư phát triển bất động sản, để đạt được mục tiêu đề ra thì TP.HCM phải tiến hành nhanh chóng kế hoạch di dời giải phóng mặt bằng và cải tạo môi trường xung quanh.
"Đất nghĩa trang thì yếu tố phong thủy là rất quan trọng, nhà đầu tư sẽ không vào nếu như vấn đề này không được giải quyết một cách tốt nhất. Chúng ta cần có một nhà đầu tư lớn tiên phong bỏ vốn ra chuyển đổi công năng khu nghĩa trang sau khi đã được di dời hết mộ, dựa vào bản thiết kế chung đã được phê duyệt, từ đó kéo theo các nhà đầu tư thứ cấp thì lộ trình đưa nơi đây thành khu đô thị mới diễn ra nhanh chóng được, chứ dùng ngân sách nhà nước thì vẫn còn mất nhiều thời gian", ông Hãn nói thêm.