Chuyên gia công nghệ: "Nếu không học tiếng Anh thì các bạn trẻ đã bỏ lỡ 50% cơ hội việc làm"
Anh Lê Văn Giáp, Cố vấn Công nghệ tại Google Developer Group Hanoi - GDG Hanoi, cho biết: "CV đẹp không phải là vấn đề, quan trọng là phải "chất". Chất ở đây không phải là cách phô bày trên CV, mà là thể hiện chất ở con người bạn."
Hiện nay, toàn cầu đều đang đi theo xu hướng thời đại 4.0. Chính vì thế, các ngành nghề cũng đi theo hướng đó, công việc liên quan đến công nghệ thông tin cũng nhiều hơn nhưng bù lại, áp lực cũng nhiều hơn.
Trong buổi nói chuyện “Hello world! Hack your dream job” do JUNCTIONxHanoi tổ chức vừa mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đã chia sẻ thẳng thắn về thế giới phẳng hiện nay, những cơ hội cũng như thách thức, những điểm cần cải thiện của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên sắp và mới ra trường.
Khi được hỏi về tiềm năng của ngành công nghệ thông tin hiện nay ở Việt Nam, anh Lưu Trọng Hiếu, Founder & CTO - Shippo.vn, Founder & CTO - VelaCorp, chia sẻ: "Nguồn nhân lực hiện nay có trình độ tốt, có cơ hội mà các thế hệ trước không có, được tiếp xúc nhiều với công nghệ thế giới thông qua Internet, tạo lực đẩy tương lai.
Tuy nhiên, đứng ở bình diện chung, ngành công nghệ luôn thiếu hụt nhân lực, các trường đào tạo không đáp ứng đủ với thị trường. Song song với đó, con đường phải học và rèn luyện khá dài bất kể vị trí chuyên gia hay nhân viên vì công nghệ thay đổi khá nhanh. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để cập nhật đối mặt với những thay đổi đó.
Đối với bạn trẻ, cơ hội tiếp cận lớn thì áp lực cũng rất lớn vì khoảng cách công nghệ của Việt Nam đối với thế giới vẫn còn rất xa, mức cạnh tranh cũng mạnh hơn, không chỉ làm sản phẩm trong nước mà còn ở khu vực, ở thế giới."
Anh Lê Văn Giáp, Cố vấn Công nghệ tại Google Developer Group Hanoi - GDG Hanoi, cho biết: "Là 1 người làm cộng đồng 10 năm, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ nhưng quan trọng là các bạn có đam mê, có thích không, tầm nhìn về công nghệ xa đến đâu… Tôi khuyên một lời khuyên rất chân thành là nếu ngày hôm nay các bạn không bắt tay với điều mình muốn làm thì các bạn sẽ hối hận.
Nếu ngay ngày hôm nay, các bạn không định hướng được khi ra trường mình làm gì, không thể trả lời câu hỏi đó thì các bạn sẽ thất bại trên con đường sự nghiệp. Các bạn có rất nhiều thời gian nhưng tôi nhìn thấy được nhiều bạn không thật sự chủ động cho tương lai của chính mình, trong khi đó lại có nhiều cơ hội về IT xung quanh các bạn.
Tôi bước chân vào cộng đồng Google được 5 năm và tôi thấy có rất nhiều cơ hội tiếp cận, thậm chí có cả những cơ hội tốt tiếp cận với các "gã khổng lồ". Các bạn cần đặt ra mục tiêu cho mình, sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai."
Anh Nguyễn Chí Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel: "Tôi cũng có tham gia những buổi phỏng vấn ứng viên của các bạn sinh viên mới ra trường. Tôi cũng nhận thấy các sinh viên chia làm 2 lớp: một lớp là những bạn rất năng động, chủ động bồi bổ kiến thức, định hình sớm kĩ năng cho bản thân còn lớp thứ 2 không được chủ động cho lắm.
Tôi nghĩ như thế này, xã hội ngày xưa giống như mình đi đường làng, giữa người đi xe đạp và đi bộ thì người đi xe đạp có đạp nhanh đến mấy thì khoảng cách giữa 2 người cũng không xa lắm. Còn xã hội bây giờ giống như khi mình đi trên xa lộ, một người đi ô tô với tốc độ khoảng 200-300km/h sẽ bỏ xa người đi bộ rất nhanh. Và người đi bộ không còn cơ hội để đuổi theo được. Tôi muốn đưa lời khuyên cho các bạn trẻ là hãy nên bắt tay ngay bây giờ."
Một câu hỏi khác dành cho các khách mời: "Sinh viên nên cố gắng thế nào để có một hồ sơ nổi bật đối với các nhà tuyển dụng?"
Anh Bùi Thành Đô, Chief Product Officer - Five9 Vietnam cho biết: "Chúng tôi không chỉ cần một CV đẹp. Những kinh nghiệm thực tế được đánh giá cao hơn. Mỗi công ty có một định hình riêng, xây dựng kiến trúc riêng, có năng lực cốt lõi riêng. Tôi chú trọng việc các bạn có chủ động hay không."
Đồng tình với ý kiến trên, anh Giáp cho biết: "Đứng ở phía nhà tuyển dụng, trong thế giới phẳng, thế giới công nghệ như hôm nay, CV đẹp không phải là vấn đề, quan trọng là phải "chất". Chất ở đây không phải là cách phô bày trên CV, mà là thể hiện chất ở con người bạn. Tham gia vào các hoạt động cộng đồng cũng là một điểm cộng lớn trong CV của các bạn. Tôi thì đánh giá cao những trải nghiệm của các bạn hơn. Có một điều các bạn cần lưu ý là nếu không học tiếng Anh thì các bạn đã bỏ lỡ 50% cơ hội việc làm."
Anh Thanh lại có suy nghĩ khác: "Đối với những người tuyển dụng, chúng tôi cần những người nhiệt tình và năng động, chứ tôi không quan tâm bạn đã từng làm gì. Vì có thể ngày hôm nay bạn làm lĩnh vực này, mai lại chuyển sang lĩnh vực khác, điều quan trọng nhất vẫn là bạn có nhiệt tình và năng động hay không."
Còn anh Hiếu cho rằng: "Khi phỏng vấn và đánh giá con người thì tôi dựa vào kĩ năng và thái độ. Tôi có một chia sẻ thẳng thắn là kĩ năng xin việc của các bạn sinh viên khá là yếu nên tôi thường thiên về thái độ, tất nhiên rồi vì các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được trui rèn. Và một trong những điểm mà tôi đánh giá cao đó là quan điểm về nghề nghiệp.
Đó là một câu hỏi rất phổ biến: "Tại sao bạn chọn nghề này?". Nếu đã trả lời được câu này rồi thì hãy hỏi mình tiếp là cái nghề mình chọn có đóng góp gì cho xã hội? Các bạn cần phải hỏi bản thân mình 2 câu trên vì thái độ với nghề nghiệp sẽ quyết định tất cả mọi thứ, sẽ giúp bạn hiểu ra mình còn cần kĩ năng gì, mục tiêu hướng tới là gì..."
Thời đại 4.0, cơ hội việc làm nhiều hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn nhưng áp lực và cạnh tranh cũng nhiều hơn. Trong nguồn nhân lực trẻ, cũng đã có không ít các bạn vì nản chí, lười biếng, ỷ lại mà chịu cảnh thất nghiệp hay làm một công việc mình chán ghét. Vì thế, ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu đầu tư cho tương lai bằng kiến thức và kĩ năng, có như thế, các bạn mới dễ dàng đối mặt với sự thay đổi chóng mặt của thế giới, mới dễ dàng nắm bắt được những cơ hội để làm những công việc mình yêu thích.