Chuyện đón Tết xứ người của cô dâu Việt lấy chồng Anh Quốc: Rể “Tây” luôn canh me để lì xì cho vợ, xin nghỉ làm để dẫn vợ đi chùa cho vơi bớt nỗi nhớ Tết quê hương!
"Năm nào mình thức dậy cũng được ông xã tặng lì xì rồi dù thẻ của anh thì mình giữ. Mình cũng cho bé mặc áo dài, nhận lì xì của ba mẹ", cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại quốc tâm sự.
Trong cuộc sống, tìm được một người chồng ngoại quốc thấu hiểu cho mình đã khó, hiểu luôn phong tục tập quán ở quê hương của vợ càng không dễ kiếm. Nhưng câu chuyện của cô dâu Vi Nguyễn - người Việt lấy chồng và sinh sống ở Anh Quốc lại thật sự khác biệt.
Quen biết qua ứng dụng hẹn hò và đám cưới sau khi sinh con
Vi Nguyễn đã có 9 cái Tết xa quê hương. Hiện tại, cô lập gia đình và sinh sống ở Anh. Cô sang Anh để học đại học nhưng sau đó lại có duyên gắn bó lâu dài với mảnh đất này khi cưới một người gốc Anh làm chồng.
Vi kể: “Chúng mình quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò. Trước khi quen mình, anh chẳng biết gì về Việt Nam hết cả. Tuy nhiên, thời gian sau thì thấy hòa hợp, tình yêu đến lúc nào chẳng hay”.
Sau khi quen và chuyển đến sống chung. Họ đã có con gái đầu lòng. Khi con được 1 tuổi, cặp đôi mới tiến hành đăng ký kết hôn . Vi mặc áo dài đỏ truyền thống, sánh vai bên cạnh ông xã. Ngày hạnh phúc nhất cuộc đời đó, cô càng thêm vui vẻ vì có con gái góp mặt, chúc phúc cho ba mẹ.
“Khi con khá cứng cáp gia đình mình có về Việt Nam chơi. Ông xã rất thích vịnh Hạ Long và tỏ ý rằng kiểu gì cũng sẽ quay lại một lần nữa vì thích thú quá mà”, Vi tâm sự.
Yêu vợ, chồng của Vi cũng muốn tìm hiểu thêm về những phong tục của người Việt Nam. Vi rất kiên nhẫn trong chuyện này và sẵn sàng đứng ra giải thích cho anh mọi thứ. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, cô càng bồi hồi nhớ đến các câu chuyện kể với anh chồng Tây về Tết, ngày lễ lớn nhất trong năm.
Vi tâm sự: “Hồi đó quen và yêu anh thì mình cũng đã có vài cái Tết xa xứ rồi. Lúc đó, đêm Giao Thừa mình dẫn ông xã đi chùa tại London, xin xăm và hái lộc. Mình có giải thích cho anh nhiều tục lệ của người Việt, món ăn của người Việt Nam trong dịp Tết.
Trước Tết vài tuần, cộng đồng người Việt bên này cũng tổ chức hội chợ văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mình cũng đưa anh đi luôn và chỉ dẫn về các món ăn tỉ mỉ vô cùng”.
Qua nhiều năm như vậy, những kiến thức về Tết của chồng Vi cũng ngày càng nhiều thêm.
Vợ chồng Vi và con gái.
Chồng luôn nhớ để lì xì cho vợ và ước ao về Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán
Những ngày đầu sang Anh, Vi là sinh viên thôi. Cô không có nhiều tiền để mua sắm bánh mứt, những thứ đặc trưng của Tết Việt Nam. Ở Anh, các mặt hàng đó đều nhập khẩu và không hề vừa túi tiền của sinh viên chút nào. Bởi vậy, cô cùng các bạn hùn tiền để cùng nhau làm món ăn cho có không khí Tết.
Vi người miền Nam, Tết thời tiết vẫn nóng. Cô sang Anh, thời tiết lạnh căm căm lại không có ai thân thiết. Cô chỉ còn biết gọi điện thoại về chúc Tết bố mẹ rồi quay sang khóc vì tủi thân.
Bây giờ, Vi đã có gia đình và luôn cố gắng hưởng chút Tết trọn vẹn hơn, đủ đầy hơn nơi đất khách.
Vi kể: “Chồng mình cũng có lên Internet tìm thông tin về cỗ ngày Tết. Người miền Nam thì có hoa mai, miền Bắc hoa đào nên anh hỏi ngay. Mình lại phải giải thích. Bánh Chưng, bánh Tét cũng vậy nữa. Sau đó gia đình mình thường ra khu China Town để mua sắm bánh kẹo, bánh Chưng, bánh Tét… cho thấy chút không khí Tết Việt Nam”.
Hình ảnh đón Tết ở Anh của Vi và gia đình cùng bạn bè.
Không chỉ chồng Vi mà bố mẹ chồng cũng khá quan tâm đến dịp Tết. Tuy nhiên, ông bà ở xa nên chẳng bao giờ đến sum họp vào ngày này cùng gia đình cô. Song ông bà luôn hỏi han và muốn Vi gửi ảnh Tết của gia đình nhỏ qua cho ông bà xem.
Vi tâm sự thêm: “Bố mẹ chồng cứ hỏi khi nào Tết, có làm gì để ăn như mừng Giáng Sinh không? Mình giải thích và nói luôn chuyện lì xì nữa. Ông bà hài hước bảo: ‘Giờ lớn rồi cho qua nhé’. Họ cũng rất hi vọng một ngày nào đó về Việt Nam đúng dịp Tết để xem nấu bánh Chưng, bánh Tét thế nào mà nấu đến gần 24 tiếng, ông bà còn bảo: ‘Sao không mua cho nhanh hơn”.
Vài năm trước, vợ chồng Vi vẫn ở nhà thuê có diện tích bé nên chuyện bày biện, nấu nướng, cỗ Tết không dễ dàng gì. Cô cùng các bạn người Việt khác hẹn hò đến nhà của ai đó dọn mâm cỗ, ăn uống, cho trẻ em lì xì. Không gian bữa tiệc có hoa đào và trang trí tỉ mỉ như ở Việt Nam. Mấy ngày sau đó họ cũng tổ chức đi chùa hoặc các hoạt động đặc trưng khác.
“Năm nay bọn mình đã dọn ra nhà rộng hơn nên nhất định sẽ có nhiều thời gian bày biện cho dịp Tết. Bánh Chưng, bánh Tét thì vẫn phải đi mua vì chưa có thời gian làm. Năm sau nhất định mình sẽ tự gói bánh”, Vi hào hứng tiết lộ thêm.
Vi đã kịp mua mứt, hạt dưa và bánh Chưng, giò chả cho dịp Tết 2020.
Ông xã Vi biết được chuyện lì xì Tết qua lời kể của vợ. Anh rất thích những điều mang lại may mắn cho người khác như vậy nên hào hứng tham gia.
“Năm nào mình thức dậy cũng được ông xã tặng lì xì rồi dù thẻ của anh thì mình giữ. Mình cũng cho bé mặc áo dài, nhận lì xì của ba mẹ.
Người ta hay nói Tết Đoàn Viên thì cũng có ý nghĩa thật sự đó. 2 năm trước mình và các chị em tổ chức Tết cho các bé. Một số bạn thì quen rồi, số người khác chưa gặp mặt. Có một chị mình thấy mặt ngờ ngợ. Chị lại bảo chưa bao giờ gặp mình. Sau một lúc nói chuyện học tập thì mới vỡ lẽ ra là người quen cũ, có cả số điện thoại nhau luôn. Cuộc sống bận rộn quá mà, mỗi người một ngả, chỉ có Tết thì mới Đoàn Viên, không khí đó thật sự rất vui”, Vi tâm sự.
Tết đến vui thì có vui nhưng cũng chứa đựng nhiều điều lo lắng. Vi cũng chung cảm xúc đó, cô lo nhiều vì ba mẹ già đi, con cái, cháu thì ở xa chỉ nói chuyện điện thoại được chứ đâu có ngồi cùng bàn ăn uống hay làm gì.
Tuy nhiên, ông xã Vi luôn thấu hiểu cho nỗi niềm đó của vợ. Vào những ngày Tết, anh thường nghỉ phép để đưa vợ con đi chùa, lên China Town xem múa lân. Đó là niềm an ủi dành cho Vi mà không phải ai lấy chồng ngoại quốc cũng may mắn được hưởng.
Con gái Vi nhận lì xì ngày Tết.
“Con gái mình hay được mẹ mở Youtube cho xem mấy cái video nói về Tết Việt Nam. Khi nhỏ bé không biết chứ lớn hỏi đi hỏi lại đủ thứ bé thấy. Thời gian này, ở nhà mình cứ mở nhạc Xuân cho vui. Con nhỏ cứ hát theo hoài: 'Xưng xưng xưng xưng đã về'… Mình đang cho con đi học tiếng Việt nữa. Cả nhà dự định khi bé tầm 6 tuổi sẽ về Việt Nam đón Tết”, Vi kể thêm.
Năm nay, Vi có dự định nấu những món ăn đặc trưng của Việt Nam cho ông xã thưởng thức. Sẽ có các món như thịt kho hột vịt, gỏi cuốn, chả giò, bún đậu mắm tôm… Năm nay, cô có nhà riêng, sẽ trang trí nhà theo ý mình và làm những món mình thích. Hi vọng rằng Vi và gia đình sẽ có một cái Tết thật đầm ấm, đáng nhớ, đúng phong cách Việt Nam.