Chuyển đổi số đang khoác lên "tấm áo mới" cho Du lịch Việt Nam

18/11/2022 13:31 PM | Công nghệ

Thẻ du lịch thông minh, app “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” hay Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam là một trong những thành tựu mới nhất trong quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch thời gian qua.

Chuyển đổi số đang khoác lên

Với Thẻ du lịch thông minh, du khách đến di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nay có thể mua vé, soát vé chỉ bằng 1 lần chạm duy nhất, giúp quá trình thăm quan trở nên tiện lợi hơn rất nhiều, cũng như giúp tiết kiệm nguồn lực. Ngoài ra, hoạt động khai thuế và quản lý cũng đã được thực hiện trong cùng lúc.

the-viet.jpg

Thẻ du lịch thông minh cũng được tích hợp trong ứng dụng "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel" (Ảnh: Viettimes)

Đó là một trong những ví dụ về lợi ích của chuyển đổi số mà ngành du lịch Việt Nam đang triển khai, đã được ông Hoàng Quốc Hòa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch, đưa ra tại tọa đàm "Tăng cường hợp tác trên môi trường số, nâng cao trải nghiệm của du khách" do Traveloka và Tổng cục Du lịch tổ chức vào ngày 16/11.

Theo đó, ông Hòa rất lạc quan với quá trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam với sự hợp tác hỗ trợ của nhiều bên, gồm chính phủ, cơ quan ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp lữ hành và công ty công nghệ như Traveloka để mang lại những trải nghiệm và cảm xúc thú vị nhất cho du khách- đối tượng trung tâm của quá trình này.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất, theo ông Hòa, là Tổng cục Du lịch đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch Việt Nam. Với cơ sở dữ liệu này, sẽ tránh được tình trạng mỗi tỉnh, địa phương lại có một ứng dụng du lịch riêng, vừa gây lãng phí tài nguyên vừa bất tiện cho du khách. Các địa phương cũng sẽ có thể khai thác hệ thống mở này để xây dựng chiến lược, sản phẩm du lịch của riêng mình.

du-lich-2.jpg

Ông Hoàng Quốc Hòa – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch tại Hội thảo (Ảnh: Bộ VH,TT&DL)

Như với ứng dụng Vietnam Travel, khách du lịch có thể sử dụng một hệ sinh thái các tiện ích công nghệ như đặt vé máy bay, khách sạn, mua vé điện tử vào điểm tham quan, tìm kiếm dịch vụ du lịch, hoặc phản ánh tới cơ quan chức năng, cập nhật các tin tức mới nhất…

Ông Hòa cho biết, “ Thực tế là Tổng cục Du lịch, Trung ương và địa phương đã xây dựng nền tảng số quốc gia, vậy vấn đề hiện nay là các địa phương triển khai, đưa nền tảng vào sử dụng như thế nào. Không phải đầu tư vào nền tảng để mỗi địa phương lại một ứng dụng.”

Tại hội thảo, các đại diện cơ quan, doanh nghiệp và chuyên gia đều nhất trí quá trình chuyển đổi số ngành du lịch hậu Covid-19 là một “tất yếu” và đã có nhiều địa phương thực hiện tương đối thành công.

Như tại Hà Nội, các ứng dụng du lịch thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi có thể đóng vai trò như một trợ lý ảo hỗ trợ du khách. Các bảo tàng, làng nghề, di tích cũng đã ứng dụng hệ thống thuyết minh tự động và nhiều công nghệ hiện đại khác nhằm tăng cường trải nghiệm của khách tham quan.

Tỉnh Thanh Hóa áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường tại các khu di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ… Đà Nẵng với ứng dụng công nghệ chatbot đầu tiên tại Việt Nam là "Da Nang Fantasticity". Tại TP.HCM, các công nghệ bán vé trực tuyến, thuyết minh tự động hay đồng bộ dữ liệu số về giao thông và du lịch đã được triển khai trong các tour xe buýt 2 tầng. Hay Hải Phòng cũng tạo được sức hút lớn nhờ quảng bá du lịch trên môi trường số thời gian qua.

ung-dung.png

Hệ sinh thái du lịch thông minh Việt Nam đang phát triển (Ảnh: Người Lao động)

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Thông tin Du lịch cũng thừa nhận các địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để triển khai số hóa các sản phẩm du lịch, đòi hỏi nỗ lực sáng tạo hơn nữa từ các đơn vị có liên quan.

“Mặc dù mộ số địa phương cũng đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng các sản phẩm công nghệ, xây dựng kho dữ liệu, 3D, thực tế ảo… đặc biệt là tại các viện bảo tàng, khu di tích nhưng do vấn đề công nghệ và kinh phí, nên nhiều địa phương vẫn chưa làm hoặc làm chỉ mang tính biểu diễn”, ông chia sẻ .

Nam Trần

Cùng chuyên mục
XEM