Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường”

12/01/2022 00:58 AM | Sống

Cách đây 6 năm, ông Diệp bắt đầu bán bút bi. Thuở đầu, ông tìm đến các trường học, buôn bán cũng khá. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa, ông buộc mưu sinh giữa ngã tư phố.

13h chiều, ở góc ngã tư phố Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), một cụ ông trong chiếc áo gi lê màu xanh, miệng tếu táo vài câu hát. Không rao bán, không van xin người khác mua giúp mình, tay cầm những chiếc bút bi đủ màu sắc, cụ hướng ánh nhìn về phía người dừng đèn đỏ.

Một phút chờ đèn chuyển xanh, nhiều người tranh thủ mua giúp cụ vài chiếc bút. Với mỗi chiếc giá 2.000 đồng, người đàn ông khắc khổ chỉ lãi 800 đồng.

"Tôi là Đinh Văn Diệp, 68 tuổi nhưng tâm hồn mới 18. Tôi quê Hải Hậu (Nam Định), sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tôi dùng tiếng hát để mời người đời mua bút cho mình", cụ ông giới thiệu.

Năm 1974, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Đinh Văn Diệp lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm, trở về Hà Nội, không có công việc, ông từng bán ve chai rồi chuyển qua bán vé số dạo. 30 năm rong ruổi khắp phố phường Hà Nội, tuy không giàu sang, nhưng ông luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng vì "không thiếu thốn thứ gì".

Cách đây 6 năm, ông Diệp bắt đầu bán bút bi. Thuở đầu, ông tìm đến các trường học, buôn bán cũng khá. Đại dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa, học sinh chuyển sang học online, ông cũng tìm cách mưu sinh bằng cách chuyển bán tại ngã tư Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng gần một năm nay.

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 1.

Mỗi ngày, ông Diệp có 5 ca làm việc, bắt đầu từ 7h sáng

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 2.

Sau khi sửa soạn, ông bắt đầu ca làm chiều của mình

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 3.

Giữa góc phố, ông Diệp đứng hát tếu táo chờ khách mua bút

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 4.

Những chiếc bút bi nhiều màu sắc, có giá 2.000 đồng/ cái


Nhớ lại thời điểm Hà Nội trải qua 4 đợt giãn cách toàn xã hội, ông Diệp chỉ thốt lên hai từ "khổ lắm".

"Tôi buồn vì không được đi bán hàng. Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi, còn nằm nhà là chán chường", ông Diệp nói hiếm ai ở tuổi 68 mà vẫn khỏe mạnh và làm việc được như ông. Nhiều người đã nghỉ hưu, ở nhà vui vầy với con cháu.

Khi thành phố dần nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch, ông Diệp bắt đầu cuộc sống mưu sinh trở lại giữa phố phường. Mỗi ngày, ông chia 5 ca làm việc, bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 17h chiều. Mỗi ca, ông chỉ mang 175 chiếc bút, đựng trong chiếc túi nhỏ. Mua 10 tặng 1, trung bình, ông bán được 300 - 400 chiếc bút mỗi ngày.

Đi từ nhà ở ngõ Thổ Quan 2 ra ngã tư Khâm Thiên, ông xem như bài tập thể dục mỗi sáng để nâng cao sức khỏe. Những hôm trời lạnh hay mưa thì nghỉ.

Câu cửa miệng của ông là "cảm ơn" và "xin lỗi". Cảm ơn và cúi đầu khi khách mua dù chỉ một chiếc. Xin lỗi chân thành vì đã hết hàng, hẹn lần sau.

"Có những ngày, đứng cả buổi sáng không mở hàng được cái nào, nhưng tôi vẫn đợi hết ca làm mới về nhà", ông kể.

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 5.

Mỗi lần, ông chỉ mang 175 chiếc bút, đựng trong chiếc túi nhỏ

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 6.

Không chỉ đứng góc vỉa hè, chỗ đèn tín hiệu giao thông cũng là "góc quen thuộc" của ông

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 7.

Những lúc mệt, ông ngồi nghỉ tạm ven đường

Trong nhà, ngoài ông Diệp, còn người chị 70 tuổi đơn thân, không chồng con và người cháu gái 40 tuổi, khuyết tật nặng do nhiễm chất độc màu da cam, chỉ cao 1m2. Giống chị gái, ông cũng không lập gia đình, nhưng hoàn toàn mãn nguyện với sự lựa chọn của bản thân. Ông không hối hận, không lo lắng "nếu nhỡ ốm đau không có người chăm sóc".

Đầu tháng 1, ông Diệp bất ngờ "nổi tiếng" trên mạng xã hội khi nhiều hội nhóm chia sẻ hình ảnh mưu sinh của ông. Nhờ sự yêu thương của cộng đồng, mỗi ca làm việc của ông trôi qua nhanh hơn. Nếu ngày trước mất 1 tiếng rưỡi mới bán hết bút, thì mấy ngày nay, ông đứng một tiếng là hết vèo. Khách sau đến mua không còn bút, tỏ ra "hụt hẫng", tặng lại ông lời hẹn "chiều cháu lại ghé mua ông nhé".

Ông kể, người ta mua bút thì ít, mà cho thì nhiều, nào bánh, nào tiền, nào những lời chúc. Đôi lúc giữa dòng đời xô bồ, ngay góc ngã tư xe cộ tấp nập, người xa lạ bỗng dừng xe, ghé mua bút rồi hỏi han, dặn dò nhớ giữ ấm, cũng khiến ông ấm lòng.

"Mấy ngày nay, được mọi người quan tâm, tôi bán chạy lắm. Có người mua hơn 650 chiếc, tôi rất biết ơn. Nếu ngày trước, tôi chỉ bán được 300 cái/ngày, thì hôm nay tăng lên 400-500", ông Diệp phấn khởi. Nhiều người mua ủng hộ thậm chí còn không nhận bút, không lấy lại tiền thừa.

Ngày trước khi bán xổ số "chả ăn thua", nay nhờ những chiếc bút bi, mỗi tháng, thu nhập dao động từ 6 - 10 triệu đồng, giúp ông đủ trang trải cho 3 miệng ăn và tiền sinh hoạt.

Ông Trần Nhật Thái, Chủ tịch UBND phường Hàng Bột, quận Đống Đa cho biết, ông Diệp từng bán vé số và hiện bán bút bi rong dạo quanh phường Hàng Bột và một số phường lân cận, chủ yếu tại khu vực đèn xanh đen đỏ phố Khâm Thiên.

Gia đình ông là hộ cận nghèo nhiều năm, hoàn cảnh khó khăn. Ông là người cao tuổi đơn thân không vợ con và đang được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù. Cả 3 thành viên trong gia đình đều lớn tuổi hoặc khuyết tật đều đang hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội hàng tháng.

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 8.
 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 9.
 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 10.
 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 11.

Từ ngày “nổi tiếng” trên mạng xã hội, ông Diệp được rất nhiều người dân, bạn trẻ giúp đỡ và hỏi thăm

Ngọc, 20 tuổi, từng mua bút của ông Diệp nhiều lần. Chiều hôm ấy, cô bạn ghé qua, ngoài mua bút, còn tặng thêm ông túi bánh ngọt, dặn ông giữ gìn sức khỏe.

"Ông rất lịch sự và thân thiện. Dù trời nóng hay lạnh, ông vẫn vừa bán vừa hát, luôn vui vẻ. Ông có nguồn năng lượng tích cực khiến ai thấy ông cũng cảm giác ấm lòng", Ngọc tâm sự.

Một lúc sau, chị Nhung, dù đang trong giờ làm việc vẫn quyết định "phá lệ" đến ủng hộ ông. Dù đã đi qua con đường này nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên chị gặp được ông, chị xem đây như một cái duyên. "Vậy thì có duyên gặp ông rồi, tại sao mình lại không giúp đỡ?", chị nói.

Chị Nhung mua 2 lần, cho cả bạn bè và đồng nghiệp, số lượng nhiều nên không thể nhớ. "Tôi biết được hoàn cảnh của ông qua bài chia sẻ của bạn bè trên Facebook. Cuộc sống có nhiều mảnh đời khó khăn, mình giúp được đến đâu thì giúp. Đối với tôi, đây không phải số tiền lớn, nhưng biết đâu đối với người khác có thể trang trải cuộc sống, nhất là giữa mùa đại dịch rất khó khăn này".

Sở dĩ chị Nhung mua nhiều bút để ông được về sớm và nghỉ ngơi. Chị hi vọng, trong ca bán hàng tiếp theo của ông, sẽ lại có những người khác cũng có duyên gặp, mua và ủng hộ ông. "Mình mong trên mạng xã hội chia sẻ nhiều câu chuyện như thế này để có thể giúp đỡ lẫn nhau, lan tỏa điều tích cực".

"Năm ngoái mình mua ủng hộ ông 50 cái, và thứ mình nhận được là nụ cười trên môi ông", Ngọc Lan kể, dù nắng hay mưa, ông vẫn đứng trước cổng trường bán bút. Hình ảnh khó quên của năm tháng cấp 3, vì thứ cô bạn nhận lại không chỉ là những chiếc bút, mà còn là ý nghĩa của sự cho đi và nhận lại.

"Nếu mọi người thấy ông thì hãy mua bút ủng hộ cho ông nhé, vì mình đảm bảo rằng những thứ bạn nhận được còn lớn hơn rất nhiều so với những thứ bạn bỏ ra", Lan kêu gọi.

Những ngày Tết cận kề, trời Hà Nội rét buốt, ông Diệp vẫn chăm chỉ nơi góc phố cũ. Ông nói, "Tết đối với tôi cũng bình thường thôi, chỉ mong các cháu sum vầy". Thậm chí, cả những người xa lạ mà ông gọi là "các cháu ngoài kia", cũng thường nghĩ đến và quan tâm ông. Nhờ có tình cảm của mọi người, ông vẫn say mê hát hò, bán bút và truyền năng lượng tích cực tới cộng đồng.

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 12.

Những chiếc bút bi giá trị chẳng đáng bao nhiêu...

 Chuyện đời cụ ông mỗi ca bán 175 chiếc bút tại ngã tư phố Khâm Thiên: “Với tôi, đi làm là nghỉ ngơi còn nằm nhà là chán chường” - Ảnh 13.

... nhưng đã giúp ông Diệp nuôi mình và 2 người thân.

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM