Chuyện doanh nghiệp "ngoại đạo" lấn sân địa ốc nhìn từ những phi vụ "thắng làm vua, thua làm giặc"

02/06/2017 10:05 AM | Kinh doanh

Xu hướng doanh nghiệp ngoài ngành đầu tư vào bất động sản đang lan rộng, bởi sức hút từ lĩnh vực này. Từ những doanh nghiệp đơn thuần là kinh doanh thuỷ sản, chăn nuôi, cơ khí...cũng đang toan tính nhảy vào địa ốc.

Sức hút khó cưỡng của bất động sản

Trong những năm 2009 – 2010, làn sóng đầu tư bất động sản ngập tràn khắp thị trường. Nguồn cung khan hiếm khiến giá bất động sản lên cao, có những dự án chỉ mới vẽ trên giấy đã được đặt hết chỗ. Dường như cả thị trường đều có chung một suy nghĩ: cứ đầu tư vào bất động sản thì kiểu gì cũng thắng lớn.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước là đối tượng lấn sân mạnh nhất vào bất động sản. Những cái tên tiêu biểu như EVN, PVL, VNPT, Vinalines,…xuất hiện ở khắp nơi với những dự án đầu tư hoành tráng. Vào thời điểm cao trào, Bộ Tài chính cho biết các tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 22.000 tỷ đồng, trong đó có đến 5.379 tỷ đồng vào bất động sản.

Xu thế doanh nghiệp ngoài ngành đầu tư BĐS ngày càng rầm rộ, các DN chăn nuôi, du lịch, cơ khí, bảo hiểm… cũng lấn sân bất động sản. Năm 2013 ghi nhận một số cái tên lạ xuất hiện trên thương trường bất động sản như: Công ty Cổ phần Lắp máy tại phường Phú Thượng, Công ty Cổ phần Chế biến sản phẩm chăn nuôi Hà Nội, Công ty Phát triển du lịch Long Biên...

Trong làn sóng đầu tư bất động sản gần đầy nhất là như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), Công ty CP Tasco…cùng với đó là những cái tên hoàn toàn mới trên thị trường bất động sản như: Tập đoàn Đồng Lực, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn, Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi)…

Những phi vụ “thắng làm vua, thua làm giặc”

Thị trường bước qua giai đoạn thăng trầm đã ghi dấu ấn của nhưng phi vụ “thắng làm vua, thua làm giặc” của nhiều doanh nghiệp. Trong đó có nhiều câu chuyện vẫn chưa đi đến hồi kết. Năm 2009, khi đang kinh doanh thuận buồm xuôi gió ở lĩnh vực tôn, thép, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, quyết định mở rộng lĩnh vực hoạt động sang bất động sản.

Dự án đầu tiên là khu dân cư Điền Phúc Thành ở quận 9 (TPHCM) của Hoa Sen có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng. Sau đó, tập đoàn này tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Tuy nhiên, rơi đúng thời điểm thị trường BĐS khủng hoảng đã buộc Hoa Sen phải tính chuyện rút lui vào năm 2011.

Bẵng đi mấy năm, khi nhận thấy thị trường đang bắt đầu “nóng” trở lại, ông Lê Phước Vũ lại quyết định quay lại chinh phục địa ốc một lần nữa. Tập đoàn Hoa Sen lần này không hướng đến nhà đất nội đô mà quay ra đổ vốn vào bất động sản du lịch - phân khúc đang được xem là “mỏ vàng” của nhiều “ông lớn”.

Chỉ trong tháng 5-2016, Hoa Sen đã thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Đặc biệt, tập đoàn này còn đang có kế hoạch đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó có 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội (Yên Bái).

Một “ông lớn” muốn “chen chân” vào BĐS nữa là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco). Kinh doanh lĩnh vực chính với sản lượng tiêu thụ xe cũng như doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng Thaco vẫn không chịu “yên phận” với lĩnh vực kinh doanh của mình. Điển hình là dự án Khu đô thị Sala tại quận 2 với tổng mức đầu tư lên hàng chục ngàn tỷ đồng. Cái tên Đại Quang Minh hay Sala đã ghi dấu ấn với nhiều người bởi số lần xuất hiện trên truyền thông dày đặc trong thời gian gần đây.

Làn sóng đầu tư mới với hàng chục doanh nghiệp lấn sân bất động sản chưa đến hồi kết nhưng những bài học từ thời gian trước vẫn còn đó. Bài học “thua làm giặc” được thị trường nhắc đến nhiều hơn cả là Tập đoàn Mai Linh. Vốn là doanh nghiệp vận tải lớn nhất cả nước và tham vọng vươn đến vị trí số 1 tại thị trường Đông Nam Á, nhưng sau thời gian dài lún sâu vào đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, Mai Linh đã phải trả một cái giá rất đắt cho sự phiêu lưu của mình.

Vì nợ nần chồng chất, nên trước đây Mai Linh đã phải bán đi khá nhiều tài sản để trang trải các khoản nợ cũng như trả lãi suất cho nhà đầu tư. Đến nay câu chuyện đầu tư bất động sản của Mai Linh sẽ vẫn là bài học còn nguyên giá trị với bất kỳ nhà đầu tư nào trong thời gian tới.

Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước sau một thời gian đầu tư bất động sản đã để lại “di chứng” là những món nợ lớn. Nhiều doanh nghiệp đã phải lấy doanh thu, lợi nhuận của ngành nghề kinh doanh chính bù lỗ vào BĐS.

Kinh doanh dàn trải không hiệu quả, đến nay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã phải rút khỏi thị trường bất động sản và các ngành nghề trái ngành khác. Đây được xem là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp trong cả khối nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong quá trình chiếm lĩnh những thị trường mới ngoài ngành.

Theo Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM