Chuyện đau lòng sau "Bức ảnh của năm": Cha chống nạng nâng niu con chẳng lành lặn, đớn đau cùng cực vẫn quyết mang đôi chân về cho con

26/10/2021 11:06 AM | Xã hội

Người ta miêu tả bức ảnh bằng một câu ngắn gọn rằng: Bi kịch của chiến tranh và nụ cười xé tan mọi nỗi kinh hoàng trong chốc lát.

Ngày 23/10 mới đây, tại lễ trao giải Siena, ban tổ chức đã tiến hành công bố các bức ảnh đạt giải trong các hạng của giải thưởng thường niên Siena International Photo Awards diễn ra ở Siena (Italia) thu hút sự chú ý của công chúng. Trong đó, bức ảnh đạt giải "Bức ảnh của năm" cùng câu chuyện phía sau đã lấy nước mắt nhiều người.

Đó không phải là bức ảnh chụp cảnh thiên nhiên hoang dã, nét đẹp lao động hay công trình thế kỷ mà chỉ đơn giản là khoảnh khắc người cha nhấc bổng đứa con lên không trung. Cả 2 nở nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc. Bức ảnh mang tên "Gian truân của cuộc sống" của tác giả Mehmet Aslan.

Chuyện đau lòng sau Bức ảnh của năm: Cha chống nạng nâng niu con chẳng lành lặn, đớn đau cùng cực vẫn quyết mang đôi chân về cho con - Ảnh 1.

Bức ảnh đạt giải "Bức ảnh của năm" thuộc về nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Aslan.

Người ta miêu tả bức ảnh bằng một câu ngắn gọn rằng: Bi kịch của chiến tranh và nụ cười xé tan mọi nỗi kinh hoàng trong chốc lát.

Người đàn ông trong ảnh là anh Munzir al-Nazzal (người gốc Syria). Anh đã phải vật lộn để kiếm sống kể từ khi bị thương trong một vụ đánh bom nhắm vào một khu chợ. Sau lần đó, anh may mắn giữ được mạng sống nhưng lại mất một bên chân. Anh đưa gia đình chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Một bên chân mất đi khiến Munzir gặp khó khăn trong việc di chuyển và buộc phải dùng nạng. Gánh nặng cứ thế mà nhân lên gấp đôi, nhưng thứ chiếm trọn suy nghĩ của Munzir không phải là chiếc chân đã mất mà là tương lai của đứa con trai 5 tuổi, cậu bé Mustafa. Đứa trẻ sinh ra đã không có tay chân.

Bức ảnh đầy ấn tượng này đã giúp nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Aslan đạt giải cao nhất trong số hàng ngàn bức ảnh gửi về tham gia Giải thưởng Ảnh Quốc tế Siena thường niên.

Nhiếp ảnh gia Mehmet Aslan nói: "Tôi muốn thu hút sự chú ý của mọi người đến điều này và hy vọng bức ảnh sẽ làm nổi bật hành trình gian nan đi tìm chân giả của những đứa trẻ tị nạn. Cậu bé luôn có nhiều năng lượng. Người cha dường như đã bỏ cuộc".

Mehmet Aslan nói với tờ Washington Post rằng anh đã gặp Munzir, cha của 3 đứa trẻ ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, nơi họ sống trong một cửa hàng.

Gia đình họ đã chuyển tới sống ở đây với nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ cho Mustafa, con cả của họ. Cặp vợ chồng đã tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn chưa thể tìm được đôi chân giả đặc biệt cho cậu con trai nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tôi thề là tôi đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Không có thị trấn nào mà tôi chưa hỏi, nhưng chẳng chỗ nào có", Munzir nói với tờ Washington Post.

Cậu bé Mustafa mắc chứng rối loạn bẩm sinh hiếm mang tên tetra-amelia. Em mỉm cười khi nằm lăn lóc trên thảm, trước khi được em gái bế lên và đặt vào chiếc ghế sofa.

"Thằng bé trông thế thôi nhưng rất, rất thông minh", Munzir nói trong nghẹn ngào.

Gia đình anh sống chủ yếu dựa vào những đồng tiền từ thiện trong hơn 3 năm kể từ khi họ thoát khỏi Idlib, thành trì cuối cùng ở Syria nằm trong tay lực lượng nổi dậy sau 10 năm nội chiến.

Ở dọc đường biên giới phía Bắc của Syria, rất nhiều các lán trại chật ních người tị nạn. Trong một thập kỷ xung đột, hàng triệu người Syria đã đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực. Nhiếp ảnh gia Mehmet Aslan cũng hy vọng bức ảnh có thể giúp xoa dịu phản ứng dữ dội của người bản địa đối với cộng đồng tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lâu nay, người ta vẫn đổ lỗi cho người tị nạn gây ra các tai ương về kinh tế.

Chuyện đau lòng sau Bức ảnh của năm: Cha chống nạng nâng niu con chẳng lành lặn, đớn đau cùng cực vẫn quyết mang đôi chân về cho con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bức ảnh của Mehmet Aslan được các giám khảo miêu tả là “mạnh mẽ về cảm xúc”. Bức ảnh này sẽ được trưng bày cùng nhiều bức ảnh đạt giải khác trong một cuộc triển lãm ở Ý vào tháng này.

Zeinab, mẹ của cậu bé Mustafa, cho biết: “Bức ảnh đã vươn ra thế giới. Chúng tôi đã cố gắng trong nhiều năm để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe bởi bất kỳ ai, để tìm cách điều trị cho con. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để mang lại cho thằng bé một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Nguồn: WP

LT

Từ khóa:  lễ trao giải
Cùng chuyên mục
XEM