Đằng sau chuyện rác chất đống ở Mỹ
Nhiều cư dân ở Jacksonville, thành phố lớn nhất bang Florida - Mỹ, đang bực tức với cảnh thùng rác đầy tràn, mùi hôi và ruồi nhặng sau nhiều tuần không được thu dọn.
Có lúc người dân trên đường Almira giận tới mức dọa thuê xe tải chở rác đến đổ ở bậc tam cấp Tòa Thị chính, theo báo The New York Times. Không riêng Florida, hàng chục khu dân cư ở các thành phố Atlanta (bang Georgia), Denver (bang Colorado), Collingswood (bang New Jersey)... cũng chịu tình cảnh tương tự.
The New York Times cho biết những đứt gãy trong kinh tế Mỹ - do đại dịch Covid-19 gây ra - đã dẫn đến những hậu quả như các tuyến xe buýt trường học và phà bị hủy hàng loạt, thiếu xe cho thuê và tàu hàng bị "thắt cổ chai" tại cảng biển. Hẳn nhiên, chậm xử lý rác không phải vấn đề lớn tương đương song cũng không phải là nhỏ. Giải pháp tình thế mà Jacksonville đưa ra là tạm dừng thu gom rác tái chế tại nhà trong tháng này để đội ngũ vệ sinh ưu tiên dọn sạch rác chất đống. Theo ông David Biderman, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chất thải rắn Bắc Mỹ, việc thiếu công nhân vệ sinh khắp nước Mỹ đã nan giải từ trước đại dịch và Covid-19 là "cơn bão hoàn hảo" thổi bùng khó khăn này. Với mức lương 40.000 USD/năm và phải làm việc nhiều giờ liền ngoài trời bất kể cả nắng, mưa hay giá rét, rõ ràng đây không phải là công việc mơ ước với nhiều người.
Rác chất đống trên đường phố ở Jacksonville, bang Florida - Mỹ Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Để giải quyết việc thiếu hụt lực lượng vệ sinh, TP Dallas của bang Texas đã dùng đến "cây đũa thần" mà mọi nhà kinh tế khuyên dùng: Tăng lương! Từ mức 12,28 USD/giờ, nhà thầu tư nhân được tăng lên 13,2 USD/giờ, còn tài xế xe tải được tăng lên 20-20,5 USD/giờ. Cũng có ý kiến trái chiều như của ông Keith Banasiak, Phó Chủ tịch công ty vận tải tư nhân Waste Pro ở Jacksonville, rằng bảo hiểm thất nghiệp liên bang gây ra thiếu hụt trên thị trường lao động. "Họ nhận ra ở nhà vẫn kiếm được tương đương đi làm mỗi ngày, thậm chí một số trường hợp còn nhiều hơn" - ông Banasiak nói. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây bác bỏ lập luận này. TS Eliza Forsythe, nhà kinh tế học lao động tại Trường ĐH Illinois (Mỹ), khẳng định chủ lao động ở lĩnh vực đang khát nhân lực cần đưa ra mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn, ngay cả khi điều này làm tăng chi phí dịch vụ.