Chuyện cuối tuần: Rắc rối không phải biển báo cấm, chúng chính là những tấm biển chỉ đường

11/06/2017 10:33 AM | Kinh doanh

“Động lực là nghệ thuật khiến người khác làm những gì anh muốn vì chính bản thân họ cũng muốn làm điều đó” – Dwight D. Eisenhower

Chuyện xưa kể rằng, có một anh tiều phu đói rách đến gặp ông chủ xưởng gỗ để xin làm việc. Thấy anh khỏe mạnh, chăm chỉ, lại thật thà, ông chủ xưởng nhận ngay.

Để đáp lại lòng tốt của người chủ, anh tiều phu tự nhủ sẽ làm việc thật cố gắng. Vác chiếc rìu của mình lên vai, anh chàng đi vào rừng và chăm chỉ đốn gỗ. Sau một ngày dài làm việc, người tiều phu mang về 18 cây gỗ.

Ông chủ hài lòng, vỗ vai anh và khích lệ: "Tốt lắm chàng trai, hãy cứ tiếp tục phát huy".

Ngày tiếp theo, anh chặt tới 20 cây gỗ, rồi 25 cây, 30 cây. Số gỗ đốn được ngày càng nhiều, sự tin tưởng của người chủ càng lớn.

Ngày thứ 5, sau khi làm việc hăng say từ sáng đến tối, anh tiều phu chắc mẩm mình đã chặt được nhiều hơn số gỗ ngày trước đó. Nhưng khi đếm lại, anh giật mình phát hiện ra số gỗ mình chặt được chỉ được 15 cây.

Tự nhủ không thể để chuyện này lặp lại, sang ngày thứ 6, anh chàng thậm chí làm việc quần quật hơn hôm qua, không nghỉ lấy một phút. Thế nhưng, kết quả cuối ngày khiến anh rất buồn lòng khi số gỗ đốn được cũng chỉ là 15 cây.

Anh chàng tìm đến ông chủ, buồn rầu thanh minh: "Có lẽ tôi đã mất đi sức mạnh của mình rồi thưa ngài. Tôi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra".

Ông chủ xưởng gỗ nhìn người tiều phu và chiếc rìu sứt mẻ của anh ta một lúc lâu, rồi thong thả hỏi: "Lần cuối cùng cậu mài chiếc rìu của mình là khi nào?".

"Mài rìu ư? Tôi đã dành hết thời gian của mình để đốn cây, chẳng có giây phút nào ngơi nghỉ để mài rìu cả", anh tiều phu thật thà đáp. "Vậy đó chính là lý do đấy chàng trai", ông chủ đáp lại.


Phải rèn luyện mới chinh phục được đỉnh cao. Thực tế, hình ảnh anh chàng tiều phu cũng không quá xa lạ. Có rất nhiều người chỉ lo mải miết chạy theo mục tiêu đề ra mà quên mất việc phải chăm chút cho cỗ máy của mình. Sức khỏe, lòng đam mê và cả nỗ lực đều cần có thời gian nuôi dưỡng, hồi phục... thì mới có thể đạt được thành công trọn vẹn nhất.

Trong kinh doanh cũng vậy, ở thời đại công nghệ, mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. Nếu bạn chỉ chăm chăm sản xuất bán hàng để đẩy mạnh doanh thu, mà quên mất việc nâng cấp bảo dưỡng hệ thống, thì một ngày không xa, bạn và công ty của bạn sẽ trở nên lạc hậu so với xung quanh.

Có đôi lúc, bạn mải chạy theo doanh số, khi nhìn lại, đối thủ của bạn dù chưa lớn mạnh bằng nhưng với mẫu mã chất lượng tốt hơn đã nhanh chóng chiếm cảm tình của khách hàng. Bạn sẽ mất dần đi những mối làm ăn trong khi đối thủ bên cạnh bắt đầu gặt hái thành quả.

Đôi khi, con người chỉ vội vã nhìn thấy thành công lớn ở cuối hành trình, mà quên mất những trái ngọt trên đường chinh phục thành công ấy. Người tiều phu này tự hào khi đếm số lượng cây gỗ chặt về được, mải miết chạy theo lời khen của ông chủ, mà quên đi mất việc duy trì thành tựu đó như thế nào. Có trên tay một lưỡi rìu bén, bạn sẽ tự tin để chinh phục thế giới. Tuy nhiên, cũng đừng tự biến mình thành một chàng ngốc mải miết chặt hạ cây với lưỡi rìu cùn, hãy dành thời gian mài sắc nó, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc. Abraham Lincoln, tổng thống Mỹ, đã từng nói: "Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu".

Mỗi doanh nghiệp đều có khâu yếu kém của mình. Chính những khâu này làm doanh nghiệp có rất nhiều nguồn nhân lực nhàn rỗi thậm chí là lãng phí, không phát huy được tác dụng đáng có. Muốn kinh doanh hiệu quả, tất yếu phải là mỗi một đồng vốn đều phải xoay quanh một trọng tâm, mỗi một bộ phận đều phải xoay quanh mục tiêu trọng tâm mà cố gắng. Xoay quanh một vòng tròn trọng tâm, hình thành một vòng tròn thích hợp với mình nhất.

Ở một góc độ khác nhìn lại, anh chàng tiều phu, vì muốn thể hiện mình trong mắt ông chủ, muốn báo đáp ông chủ mà luôn phấn đấu, tăng năng suất làm việc. Trong quản trị doanh nghiệp cũng vậy, nếu muốn nhân viên luôn đạt hiệu quả cao trong công việc, trước hết người quản lý phải biết tạo ra động lực cho nhân viên bằng hình thức thưởng phạt công mình, hay bằng những ganh đua lành mạnh.

Chỉ khi bị ai đó đuổi theo, chỉ khi có động lực thúc đẩy, người ta mới không dám buông lỏng, mới biết cố gắng phấn đấu. Điều này cho thấy, chúng ta nên cám ơn đối thủ cạnh tranh của mình, bởi họ chính là chuông báo tốt nhất cho ta hoàn thiện.

Theo Minh Giám

Cùng chuyên mục
XEM