Chuyện của Klook: Đi du lịch bị "chặt chém" không thương tiếc, phượt thủ lập nên startup du lịch tự túc trị giá tỷ đô

18/07/2019 08:50 AM | Kinh doanh

Klook đang cung cấp hơn 100.000 hoạt động và dịch vụ du lịch từ hơn 10.000 nhà cung cấp tại 300 thành phố trên thế giới. Mỗi tháng, trang web của Klook có khoảng 30 triệu lượt truy cập.

Trong thời gian đi du lịch ở Nepal cùng một nhóm bạn năm 2013, Eric Gnock Fah và Ethan Lin cảm thấy khá bất tiện khi phải chi trả hầu như mọi thứ bằng tiền mặt. Ngay cả công ty điều hành tour dù lượn mà họ đăng ký cũng không chấp nhận thẻ tín dụng hoặc thanh toán kỹ thuật số. Vì vậy, họ phải mang theo người hàng nghìn USD tiền mặt. Gnock Fah nói: "Mặc dù đã dành rất nhiều thời gian để lên kế hoạch cho chuyến đi nhưng chúng tôi vẫn ‘bó tay’ với việc bị người bản địa 'chặt chém' và không thể giao dịch thuận tiện hơn".

Trải nghiệm đó đã khiến Gnocl Fah và Lin, hai cựu nhân viên ngân hàng đầu tư nảy ra ý tưởng thành lập một nền tảng trực tuyến nơi khách du lịch có thể đặt trước và trả tiền trước cho các hoạt động trong chuyến đi.

Do đó, họ đã tìm kiếm trên LinkedIn một kỹ sư phần mềm giỏi. Người đó là Bernie Xiaokang Xiong và cả ba đã cùng nhau thành lập Klook. Năm 2017, Gnock Fah đã vinh dự có tên trong danh sách 30 Under 30 châu Á của Forbes (hai người còn lại trên 30 tuổi nên không có trong danh sách này).

Chuyện của Klook: Đi du lịch bị chặt chém không thương tiếc, phượt thủ lập nên startup du lịch tự túc trị giá tỷ đô - Ảnh 1.

Ba nhà đồng sáng lập Klook.

Hiện Klook có hơn 1.000 nhân viên tại 20 địa điểm và khu vực. Xiong đảm nhiệm vai trò giám đốc công nghệ trong khi Gnock Fah là giám đốc hoạt động và Lin là giám đốc điều hành công ty.

Đến nay, Klook đã huy động được hơn 521 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Goldman Sachs, quỹ đầu tư Matrix Partners và Sequoia Capital China. Tháng 4 vừa qua, công ty nhận thêm 225 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Vision của tập đoàn SoftBank nâng mức định giá của Klook lên hơn 1 tỷ USD.

Ra mắt lần đầu vào tháng 9/2014, Klook là nền tảng cho phép người dùng tìm kiếm, đặt trước và thanh toán trực tuyến cho các hoạt động, tour du lịch, đi lại và vé vào địa điểm tham quan. Klook không cung cấp dịch vụ đặt trước chuyến bay và phòng khách sạn bởi ba nhà sáng lập cho rằng những lĩnh vực này đã bão hòa trên thị trường.

Phocuswright, công ty nghiên cứu du lịch có trụ sở tại New York dự đoán rằng thị trường đặt trước hoạt động trong chuyến đi sẽ tăng từ 183 tỷ USD vào năm 2020, từ 135 tỷ USD năm 2016.

Klook đang cung cấp hơn 100.000 hoạt động và dịch vụ du lịch từ hơn 10.000 nhà cung cấp tại 300 thành phố trên thế giới. Mỗi tháng, trang web của Klook có khoảng 30 triệu lượt truy cập.

Chuyện của Klook: Đi du lịch bị chặt chém không thương tiếc, phượt thủ lập nên startup du lịch tự túc trị giá tỷ đô - Ảnh 2.

Klook giúp người dùng có trải nghiệm du lịch trọn vẹn hơn.

Tháng 3/2015, Klook ra mắt ứng dụng di động và có mặt trên iTunes Store tại 14 quốc gia và khu vực ở châu Á. Zhuyan Li, phó chủ tịch của Matrix Partners đã phát hiện ra ứng dụng này trên iTunes và trở thành một trong những nhà đầu tư ban đầu của công ty.

Li, cựu giám đốc sản phẩm của Baidu cho biết ông nhận thấy cơ hội tăng trưởng theo cấp số nhân của Klook và cho rằng công ty này có thể trở thành "Meituan quốc tế". Meituan là dịch vụ giao hàng trực tuyến do Tencent hậu thuẫn và huy động được 4,2 tỷ USD trong đợt IPO vào tháng 9 năm ngoái.

Ngoài châu Á, Klook đã mở rộng sang châu Âu với văn phòng ở Amsterdam, Barcelona và London. Tuy phải đối mặt với cạnh tranh từ các công ty địa phương như GetYourGuide vừa huy động được 500 triệu USD từ SoftBank và một số nhà đầu tư khác, nhưng Gnock Fah cho biết Klook sẽ cung cấp một loạt dịch vụ để tăng tính cạnh tranh và thu hút nhiều người dùng hơn như cho thuê ô tô. Mặc dù vậy, châu Á vẫn là thị trường lớn nhất của Klook và khoảng 35% người dùng ứng dụng này đến từ Trung Quốc.

Không những mở rộng hoạt động về mặt địa lý, Klook còn tiếp tục xây dựng mạng lưới các nhà cung cấp và dịch vụ của mình. Gnock Fah chia sẻ. "Khi đi du lịch, bạn có vô số nhu cầu từ việc đặt xe, di chuyển, đồ ăn, điểm tham quan đến hoạt động tại địa điểm đó. Đây là hệ sinh thái mà chúng tôi muốn xây dựng".

Tháng 12 năm ngoái, Klook hợp tác với khách sạn và resort ở Shangri-La để cung cấp dịch vụ trợ giúp kỹ thuật số cho khách hàng ở Bangkok, Hồng Kông và Singapore. Bên cạnh đó, công ty đang bổ sung các buổi hòa nhạc và sự kiện giải trí vào dịch vụ của mình. Gnock Fah nói: "Sau vài năm, tôi nhận ra rằng du lịch không đơn thuần là du lịch như kiểu chúng tôi vẫn nghĩ mà chủ yếu là về giải trí và tạo ra kỷ niệm đẹp".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM