Chuyện chưa kể về thất bại của Lê Hoàng Uyên Vy: Kinh doanh lưu trữ web hosting nhưng lại bị hacker đánh sập toàn bộ hệ thống
Thất bại và sự cố cũng chính là cơ hội để học hỏi và tìm ra giải pháp sáng tạo trong những lúc khó khăn nhất.
Lê Hoàng Uyên Vy hiện giữ vị trí Đối tác điều hành (General partner) quỹ ESP Capital. Cô được công chúng quan tâm kể khi đảm nhận vị trí CEO Adayroi.com - dự án thương mại điện tử của Vingroup, cũng như lọt vào danh sách 30 gương mặt trẻ của Forbes U30 tại Việt Nam và châu Á. Thế nhưng ít ai biết Uyên Vy có niềm đam mê và bắt đầu thành công từ rất sớm.
13 tuổi kiếm tiền từ kinh doanh tên miền
Trong cuốn sách Con gái bà Triệu thế kỷ 21, Lê Hoàng Uyên Vy từng kể lại chuyện mày mò công nghệ từ khi còn khá bé. Anh trai là người dạy cô về internet. Niềm tò mò về công nghệ dẫn dắt Uyên Vy vào thế giới mạng, cô viết:
"Khi mới 11 tuổi, tôi xem rất nhiều các website và tự tìm hiểu cách thiết kế chúng. Thông qua diễn đàn và chat-room, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Lúc đó, họ cho tôi xem website của riêng họ, cho tôi xem tên miền (domain) và những địa chỉ email rất đẹp. Tôi cảm thấy thật phấn khích! Lúc bấy giờ, bộ máy tìm kiếm Google còn chưa phát triển.
Vì vậy, tôi thường dùng website Altavista để tra cứu thông tin. Cũng nhờ sự kiên nhẫn học tập, tôi cũng đã có thể tự thiết kế website cho mình và mua một tên miền riêng - tên là uyenvy.com. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình đã sở hữu một cái gì rất đặc biệt - "độc nhất vô nhị". Tôi tự tạo cho mình một hộp email với địa chỉ vy@uyenvy.com. Sẽ không có ai có địa chỉ email trùng với tôi cả. Thật tuyệt vời!
Với niềm đam mê thiết kế web, tôi tự thành lập một "công ty" riêng có tên gọi là TmSpeed Network, mặc dù đây không phải là công ty chính thức vì tôi còn quá nhỏ tuổi để nghĩ đến việc đăng kí kinh doanh. Mục đích của tôi là phát triển dịch vụ thiết kế website, nhưng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vì không có ai tin tưởng một cô bé mười mấy tuổi cả.
Sau đó, tôi đã tìm được cơ hội làm thuê lại (outsourcing) cho một số công ty khác và thực hiện thiết kế chuyển động flash, thiết kế web layout bằng photoshop. Đối với những dự án này, tôi thường tự làm một mình hoặc rủ một số người bạn quen biết trên mạng cùng thực hiện. Lúc đó, tôi chỉ mới có 11-12 tuổi, còn các bạn làm chung thường là sinh viên đại học cả. Điều bí mật là họ không biết tôi chỉ là trẻ con!".
Sau một thời gian làm website, Uyên Vy bắt đầu kinh doanh tên miền năm 13 tuổi. Thương vụ thành công nhất cô thực hiện được đó chính là bán tên miền tivi.org với giá 2.100 USD. Theo Vy chia sẻ, người mua có địa chỉ email từ trường Harvard. Nhờ giao dịch này, cô đã có một ít vốn khởi nghiệp và thực sự nghĩ tới việc mở rộng kinh doanh. Vy bắt đầu mua nhiều tên miền hơn để rao bán chúng, nhưng lại không tìm được thành công trong mảng bán hàng này. Sau đó, Uyên Vy chuyển sang kinh doanh mảng lưu trữ trực tuyến (web hosting).
Thất bại đầu tiên
Khi chuyển sang mảng kinh doanh lưu trữ web hosting, điều khó nhất Uyên Vy phải thực hiện đó là tìm được cách thức marketing hiệu quả. Lúc đó, cô nghĩ ra ý tưởng tiếp thị thông qua việc cung cấp dịch vụ lưu trữ miễn phí (free hosting) cho học sinh - sinh viên để tạo uy tín cho công ty của mình. Từ hoạt động tặng hosting miễn phí, công ty có thể bán được dịch vụ lưu trữ cao cấp (premium hosting) cho những người đủ khả năng chi trả.
"Tuy nhiên, vào thời điểm tôi nghĩ mình đã gặt hái được thành công thì sau đó toàn bộ hệ thống hosting của tôi đã bị hacker đánh sập. Hacker biết rằng tôi thuê lại nơi lưu trữ theo mô hình mua đi bán lại (reseller) và tấn công vào hệ thống này. Toàn bộ máy chủ tôi thuê bị ngưng hoạt động. Tôi đã bị khách hàng than phiền rất nhiều và cảm thấy thất vọng vô cùng.
Sau khi mất đi khá nhiều khách hàng, tôi cố tìm cách khôi phục lại mọi thứ. Tôi lập ra một website khác, nhưng lần này chỉ chú trọng khai thác mảng lưu trữ cao cấp (premium hosting). Tuy nhiên, lần này tôi lại không gặp nhiều may mắn như lần trước bởi vì mình không có ý tưởng marketing nào thật sự đột phá, không có cách thức tiếp cận khách hàng hiệu quả", cô nhớ lại lần thất bại đầu đời trong quá trình khởi nghiệp của mình.
Bài học lớn nhất Uyên Vy đã học được sau thất bại đầu tiên và được chia sẻ: "Bạn phải có đủ nghị lực để vượt qua khó khăn. Nếu không gặp được thành công trong dự án này, bạn phải có cách vượt qua để tìm phương án mới. Sự cố đầu tiên tưởng chừng như đã đánh gục tôi, nhưng rất may mắn là tôi đã biết cách tự vươn lên để làm lại từ đầu."
Sau một thời gian du học, trở về Việt Nam Uyên Vy bắt đầu khởi nghiệp với dự án Aiya! Thế giới ăn vặt.
"Đó cũng là một mảng kinh doanh rất nhiều cạnh tranh và thách thức. Có những lúc tôi đã không còn vốn, phải xoay xở đủ mọi cách để trả lương nhân viên. Tôi còn nhớ, mỗi mùa Tết đối với tôi là một cơn ác mộng vì công ty không đủ tiền để chi thưởng tháng 13", cô chia sẻ.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Uyên Vy học hỏi và tìm ra giải pháp sáng tạo trong những lúc khó khăn nhất. Chẳng hạn, cô sẽ tìm thêm các cách thức tăng trưởng doanh thu thông qua hoạt động tổ chức sự kiện, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhờ đó, công ty đã có thể tồn tại và luôn trả lương đúng hạn cho nhân viên.
Hiện dự án cá nhân này của Uyên Vy đã dừng lại nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, Uyên Vy tham gia vào ESP Capital với mục tiêu cao hơn: giấc mơ tạo ra những kỳ lân công nghệ Việt Nam khi tập trung đầu tư ở vòng khởi điểm (seed-fund).