Chuyện cảm động về anh shipper khuyết tật giọng nói, đạp xe hàng chục km mỗi ngày để giao hàng khắp Sài Gòn
Hàng ngày anh Trung cặm cụi đạp xe hàng chục km qua các quận để giao hàng cho các shop online. Ngày nắng cũng như ngày mưa anh chưa bao giờ than vãn rằng công việc vất vả, cực nhọc. Với anh, đơn giản lắm, được làm việc là một niềm vui.
Câu chuyện về anh chàng shipper nghị lực phi thường ở Sài Gòn được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian gần đây đã khiến rất nhiều bạn cảm thấy ngưỡng mộ. Bên cạnh đó cũng không ít người tỏ ra nghi vấn về sự tin cậy của câu chuyện, vì thế chúng tôi đã tìm đến anh để có thể lắng nghe một cách tường tận về những chuyến xe đi quanh thành phố.
Câu chuyện của anh shipper được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Đạp xe hàng chục km mỗi ngày đi giao hàng
Theo thông tin trên mạng xã hội chúng tôi tìm đến cửa hàng của bạn Thuỵ Vân trên đường Lý Thánh Tông (Tân Phú) để gặp anh Trung. Anh Trung nói chuyện rất khó khăn, thế nên cuộc trò chuyện có phần gian nan hơn những gì chúng tôi từng nghĩ.
Anh tên thật Lê Nguyễn Thành Trung (28 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tây Ninh, bố mất sớm mẹ đi bán vé số để mưu sinh. Từ khi mới sinh ra đôi chân của anh đã bị tật bên cao bên thấp. Thế nhưng rào cản lớn nhất là anh không thể nói chuyện lưu loát và rõ ràng, vì vậy anh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với người xung quanh.
Anh Lê Nguyễn Thành Trung.
Thiệt thòi là thế nhưng anh chàng luôn cố gắng để được nhìn nhận như bao người bình thường khác. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp phổ thông Trung lên Sài Gòn thi đại học. Không đủ điểm vào trường Nhân Văn và Tự Nhiên, anh xét tuyển vào ngành Marketing của trường Đại học Công nghiệp để theo học.
Từ khi sinh ra anh Trung đã mang nhiều thiệt thòi.
Anh chàng luôn nỗ lực để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Và không cho phép bản thân buông bỏ mọi thứ.
Sau khi tốt nghiệp Trung loay hoay xin hết công ty này đến doanh nghiệp nọ, nhưng hầu như chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nhà tuyển dụng ái ngại về khả năng của anh chàng vì anh quá yếu lại mang nhiều khuyết tật. Không vì thế mà Trung nản chí, anh xin làm phụ bếp, rồi phát tờ rơi hay bất kỳ công việc nào giúp anh trang trải cuộc sống ở phố thị.
Chiếc xe đạp đồng hành với anh trong suốt 4 năm qua là do bạn bè trong câu lạc bộ sách tặng. Khó khăn nói từng chữ, Trung kể: "Nhờ chiếc xe đạp này mà tôi thuộc được đường sá ở Sài Gòn, và có duyên đi làm shipper. Khoảng 4 tháng nay tôi chuyển hẳn sang làm shipper vì công việc này đem lại nguồn thu nhập tốt hơn".
Chiếc điện thoại được một người bạn tặng cho Trung từ năm 2014, nay nó đã hư nhưng Trung vẫn sử dụng để liên lạc với khách.
Người ta đi giao hàng bằng xe máy, Trung đi giao hàng bằng xe đạp. Anh hóm hỉnh nói: "Đi giao hàng bằng xe đạp để bảo vệ môi trường". Nhưng thật ra chiếc xe đạp là phương tiện duy nhất mà anh có. Rất nhiều chủ shop từ chối, nhưng cũng có nhiều người khâm phục ý chí mà tạo điều kiện cho anh có công việc.
Thuỵ Vân (24 tuổi, chủ cửa hàng) kể lại: "Có một chị khách hàng lâu năm của mình kể về anh Trung và nói rằng anh rất thật thà và chịu khó. Chị ấy ngỏ lời muốn mình chia đơn hàng để anh có công việc. Nhưng dạo này có rất nhiều người giả nghèo kể khổ để lừa đảo, nên ban đầu mình cũng thận trọng. Sau một thời gian tiếp xúc và làm việc với anh, nhìn cách anh cẩn thận kiểm tra từng gói hàng, gói ghém kỹ càng, sắp xếp thời gian để giao hàng đúng giờ vì phải di chuyển bằng xe đạp, mình thật sự tin anh là một người rất có tâm với công việc".
Trung luôn nhìn mọi thứ đơn giản và lạc quan, để tiếp tục sống và làm việc.
Sài Gòn những năm gần đây thời tiết có phần khắc nghiệt hơn trước. Nắng thì nắng như đổ lửa, mưa thì ngập hết phố phường, đôi lần ra đường vào buổi trưa về là muốn đổ bệnh chứ chưa nói đến chuyện đạp xe ngoài nắng hàng chục km. Trung bảo sợ nhất là những lúc Sài Gòn đổ mưa, lúc đó di chuyển cũng khó mà lại phải lo hàng hóa bị ướt. Thế nhưng lúc nào anh cũng luôn có mặt đúng giờ để trao tận tay món hàng cho khách. Anh chàng mong muốn mọi người nhìn nhận anh như những nhân viên giao hàng bình thường khác, chứ không phải là một chàng shipper tật nguyền chạy xe đạp đầy thương hại.
"Đem xe đạp cho mình mượn rồi đi bộ về, anh lúc nào cũng nghĩ cho người khác trước"
Trung kể có lần đạp xe ra Thủ Đức để giao hàng, cô chủ nhà đã mời anh vào nhà uống nước và gửi thêm 100.000 đồng vì quý mến những điều cậu trai này đang làm mỗi ngày. Anh xem đó như một sự khích lệ để cố gắng làm tốt hơn, dù còn nhiều người vẫn xem đây là một công việc thấp kém.
Từ quận Tân Phú, anh đạp xe lúc giữa trưa để đến đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 để giao hàng cho khách.
Có một điều bất ngờ là khi theo chân anh Trung đi giao hàng, chúng tôi đã gặp Phương - một người bạn của anh thời đại học. Phương quen biết Trung trong một lần cả hai cùng tham gia chiến dịch mùa hè xanh ở Đắk Nông. Cô bạn kể: "Ban đầu mình cũng ngại tiếp xúc với anh Trung, nhưng nhìn cách anh ấy làm việc mình cảm thấy rất ngưỡng mộ. Dù anh không được như mọi người, nhưng anh luôn cố gắng để được xã hội nhìn nhận như một người bình thường. Sau này tốt nghiệp nhưng vẫn không thể tìm được một công việc ổn định. Lâu lâu đi trên đường mình vẫn gặp anh đứng phát tờ rơi. ".
"Có một kỷ niệm mà mình nhớ mãi, lần đó mình tham gia chương trình chạy xe đạp, nhưng không có xe. Thế là anh Trung đi mượn một chiếc xe đạp rồi đạp qua nhà cho mình mượn. Anh tính đưa xe cho mình rồi đi bộ về phòng trọ, mà 2 đứa ở cách nhau 6 - 7km chứ đâu có gần. Lúc nào cũng thế, anh Trung luôn nghĩ cho người khác trước"- Phương tâm sự.
Trung và Phương bất ngờ gặp lại nhau sau nhiều năm không gặp.
Phương cho biết anh Trung rất thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện.
Anh Trung luôn sống vì mọi người, và chắc đã đến lúc mọi người dành tặng một món quà nho nhỏ cho anh. Vân (cô chủ shop) tâm sự: "Mình rất trân trọng nghị lực của anh, không phải người lành lặn nào cũng đủ ý chí để làm việc như vậy. Thế nên mình có hứa rằng sẽ tặng cho anh một chiếc xe máy để đi làm đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên vì anh ốm yếu và tay bị run nên mình đang tìm một chiếc xe cub để phù hợp với anh".
Vân và những nhân viên trong shop đã góp tiền để mua cho anh chàng một chiếc xe máy. Giúp qua lúc ngặt chứ ai giúp được hết nghèo, mong rằng món quà này sẽ giúp Trung vượt qua những khó khăn hiện tại.
Tôi chưa bao giờ thấy Trung bi quan, anh luôn đáp trả những câu hỏi của tôi bằng nụ cười. Có lẽ đó là cách anh dùng để đương đầu với những thử thách của cuộc sống. Tôi đã từng gặp rất nhiều cậu trai, cô gái khỏe mạnh, tài năng nhưng họ dễ dàng buông bỏ mọi thứ chỉ vì một va vấp nhỏ trong cuộc đời. Với Trung thì khác, anh nhìn mọi thứ đơn giản và lạc quan. Còn được sống, được làm việc đã là một may mắn.
Sài Gòn, vẫn luôn đầy ắp những câu chuyện ấm tình người như thế. Chẳng có phép màu nào trong cuộc sống, nhưng luôn có phần thưởng cho những ai biết cố gắng.