Chuyện về "nhiệm vụ đặc biệt" của 10 chiếc xe Đa Su cuối cùng ở Sài Gòn
Vừa qua, hơn 700 chiếc xe bus 12 chỗ (còn gọi là xe Đa Su) đã chính thức ngưng hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên vì một lý do đặc biệt mà 10 chiếc xe Đa Su cuối cùng vẫn được giữ lại để tiếp tục hành trình của mình.
Trong rất nhiều ấn tượng của tôi về Sài Gòn thì xe Đa Su là một trong những ấn tượng đường phố thú vị nhất. Loại xe bus nhỏ khá giống xe lam và có màu vàng nổi bật này từng được rất nhiều người Sài Gòn ưa chuộng, đặc biệt là học sinh và người lao động. Và đã rất nhiều lần tôi tự hỏi: "Vì sao những chiếc xe này lại có tên gọi là xe Đa Su?".
Những chiếc xe bus màu vàng xinh xắn ở Sài Gòn
Nhằm thay thế những chiếc xe lam đã xuống cấp và gây ô nhiễm môi trường, cuối năm 2001 chính quyền thành phố đã cho phép người dân cải tạo các loại xe tải nhỏ đời mới thành xe bus 12 chỗ. Kể từ đó một loại xe bus mới đã ra đời và nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của người dân về sự tiện lợi của nó.
Đa Su là cái tên dân dã mà người Sài Gòn gọi chiếc xe bus 12 chỗ có màu vàng đặc trưng này. Nhiều bác tài có thâm niên trong nghề cho rằng Đa Su là tên được gọi tắt của từ Daihatsu - một dòng xe được sử dụng nhiều để cải tạo thành xe bus 12 chỗ.
Sự xuất hiện của loại xe bus 12 chỗ giải quyết khá nhiều vấn đề trong việc lưu thông ở một thành phố lớn như Sài Gòn. Hạ tầng giao thông ở Sài Gòn vẫn chưa đủ để đáp ứng các hoạt động của xe bus cỡ lớn vì các tuyến đường nội thành khá hẹp, đa số chỉ rộng từ 4-6m dẫn đến hiện tượng xe bus trở thành một trong các nguyên nhân gây ra kẹt xe.
Người dân vì thế cũng ít mặn mà với xe bus lớn vì phải di chuyển khá chậm mỗi khi vào giờ tan tầm. Một điểm cộng nữa của Đa Su mà các bà các mẹ rất thích đó là xe thoáng mát, vì không có máy lạnh nên có thể đem những thực phẩm mua ở chợ lên xe.
Điểm cộng của xe Đa Su:
1- Nhỏ gọn, hợp với cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông Sài Gòn thời kỳ trước.
2- Thoáng mát, rất tiện cho các bà các cô đi chợ mua đồ tươi về nhà.
Đã 15 năm trôi qua, xe Đa Su dần trở thành một nét đặc trưng của Sài Gòn, nếu Bangkok có xe Tuk Tuk, Manila có xe Jeeney được cải tiến từ xe quân sự Mỹ... thì tôi vẫn thường tự hào khoe với bạn bè của mình rằng ở Sài Gòn có xe Đa Su rất thú vị.
10 chiếc xe Đa Su cuối cùng ở Sài Gòn
Cuối năm 2006, chính phủ ban hành Nghị định số 110 quy định xe buýt chở người phải từ 17 chỗ trở lên và tất cả xe buýt không đúng tiêu chuẩn phải loại bỏ vào cuối năm 2007. Quyết định này đã khiến rất nhiều bác tài Đa Su và người dân hoang mang vì thật sự xe bus 12 chỗ vẫn đang làm tốt công việc của mình.
Ngay sau đó Sở Giao thông vận tải TPHCM đã có văn bản tham mưu UBND Thành phố đề nghị Bộ GTVT cho phép xe bus 12 chỗ đang sử dụng ở thành phố được tiếp tục hoạt động. Bởi vì cơ sở hạ tầng của thành phố chưa thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt, nếu xóa sổ xe bus 12 chỗ sẽ tạo một khoảng trống trong vận tải hành khách công cộng.
Sau nhiều lần xem xét, cuối cùng xe bus 12 chỗ vẫn được tiếp tục hoạt động. Mãi đến giữa năm 2017, tất cả xe Đa Su ở Sài Gòn đã chính thức ngừng hoạt động. Duy chỉ còn 10 chiếc xe Đa Su của tuyến 37 (đi từ cảng quận 4 đến Nhà Bè) vẫn được hoạt động.
Chú Nghĩa (60 tuổi, tài xế xe Đa Su) chia sẻ: "Sau khi xe Đa Su ngừng hoạt động, đa số mọi người chuyển sang đi chạy xe thuê cho người ta. Chỉ còn tuyến 37 này hoạt động vì đường đi sang Nhà Bè còn nhiều cây cầu sắt nhỏ, xe bus có trọng tải lớn không đi qua được, vì thế thành phố giữ lại tuyến xe này".
Bà Đỗ Thị Thuỷ (70 tuổi) mỗi ngày vẫn thường dậy từ 5h sáng đón xe Đa Su đi từ Nhà Bè sang quận 4 để vào chùa làm công quả. Bà bảo: "Tôi lớn tuổi rồi nên đi xe này thấy yên tâm. Xe này chạy chậm, chứ xe lớn đón khách, trả khách nhanh quá tôi sợ té".
Cũng như bà Thuỷ, cô Võ Thị Kim Ngôn (57 tuổi) cũng là một hành khách quen thuộc của tuyến 37. Mỗi ngày cô đi từ Nhà Bè Sang quận 4 để làm giúp việc. Cô tâm sự: "Làm giúp việc lương không nhiều nên đi xe này cho đỡ chi phí. Lỡ mà tuyến này ngừng hoạt động chắc cô cũng không đi làm bên này nữa vì nếu đi xe ôm qua thì tốn tiền lắm".
Trên xe Đa Su, bác tài vừa lái xe vừa kiêm luôn việc bán vé. Hễ khách lên thì sẽ đưa tiền vé qua một cửa nhỏ sau lưng ghế của bác tài. Thấy cô Thuỷ cầm trên tay một xấp vé xe bus khá dày, tôi có chút tò mò.
Cô giải thích: "Mọi người đi xe bus rồi để dành vé lại, khi nào đủ 2000 vé thì đem tới chùa để quyên góp thành 1 chiếc xe lăn cho người khuyết tật. Mình nghèo không có tiền để làm việc lớn, thì tích góp để làm những việc nhỏ cho những người kém may mắn hơn".
Chuyến xe 37 chầm chậm đưa chúng tôi ra khỏi nội thành, băng qua những cây cầu sắt cũ kỹ, những vàm dừa nước xanh rì, có đôi lúc tôi ngỡ mình đang ở trên một chiếc xe trở về những ngày xưa cũ. Chẳng bao lâu nữa thì 10 chiếc xe Đa Su cuối cùng này cũng ngừng hoạt động để nhường cho những chiếc xe hiện đại hơn, và xe Đa Su sẽ chỉ còn là ký ức của một thế hệ người Sài Gòn.
Tôi từng nghĩ nếu được cải tạo khang trang hơn có lẽ xe Đa Su sẽ trở thành phương tiện đưa du khách đi tham quan trong thành phố, giống như việc Thái Lan phát triển xe Tuk Tuk trở thành một nét văn hoá riêng.