Chuỗi WinMart đóng góp gần 40% doanh thu Masan trong nửa đầu 2022, trong năm nay sẽ mở thêm 800 cửa hàng
Do tác động của chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 của Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức 41.196 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Trong đó, chuỗi WinMart đóng góp 14.305 tỷ đồng. Hiện chuỗi WinMart có 127 siêu thị WinMart và 2.873 WinMart+; sẽ khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022.
Masan vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022.
Về doanh thu thuần: Do tác động của chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 của Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức 41.196 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.
Loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương, doanh thu thuần của Masan tăng 9,1% so với cùng kỳ do tăng trưởng tại Masan High-Tech Materials (MHT) và tăng trưởng ổn định tại Masan Consumer Holdings.
EBITDA: Trên cơ sở so sánh tương đương, EBITDA trong 6 tháng đầu năm 2022 của Masan tăng trưởng 17,5%, đạt 7.340 tỷ đồng nhờ biên EBITDA tăng từ 18,9% trong nửa đầu năm 2021 lên 20,4% trong nửa đầu năm 2022. Việc cải thiện này chủ yếu nhờ EBITDA của MHT tăng 52,6% và The CrownX tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, EBITDA hợp nhất trên cơ sở báo cáo tăng 6,5% trong 6T2022 so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế (LNST): LNST trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát đạt 3.110 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng 122,7% trên cơ sở báo cáo và 211,8% trên cơ sở so sánh tương đương. LNST sau lợi ích của cổ đông không kiểm soát đạt 2.577 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng 163,3% trên cơ sở báo báo và 345,4% trên cơ sở so sánh tương đương
Phân tích Bảng cân đối kế toán: Tỉ lệ Nợ ròng trên EBITDA (trong 12 tháng qua) là 2,8 lần vào cuối tháng 6T2022, tăng so với mức 2,2 lần tại cuối năm 2021, chủ yếu do lượng tiền mặt thấp hơn.
Tiền và các khoản tương đương tiền đang có là 10.361 tỷ đồng trong kỳ 6 tháng đầu năm 2022, thấp hơn so với cuối năm 2021, do việc gia tăng cổ phần tại The CrownX và Phúc Long Heritage và các chi phí đầu tư tài sản cố định (Capex). Theo đó, Capex tăng từ 1.311 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 lên 2.136 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2022.
Tổng nợ hợp nhất của Masan tại cuối kỳ 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 56.872 tỷ đồng, giảm 1.306 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Nợ ròng cuối kỳ 6T2022 ghi nhận 46.511 tỷ đồng, tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do lượng tiền mặt giảm.
CHUỖI WINMART ĐÓNG GÓP GẦN 40% DOANH THU CHO MASAN TRONG NỬA ĐẦU NĂM 2022
The CrownX (TCX): Vượt qua mức nền doanh thu cao trong Quý II/2021 do tâm lý tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 và người tiêu dùng siết chặt chi tiêu trước sức ép lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2022, The CrownX, nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) vẫn tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021 (YoY), đạt doanh thu thuần 26.092 tỷ đồng.
Điều này cho thấy ngành nhu yếu phẩm và tiêu dùng có khả năng chống chọi cao với các khó khăn của thị trường chung. Nhờ đó, TCX vẫn ghi nhận 3.178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong nửa đầu năm 2022 (6T2022), tăng 11,7% và 1.146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát (NPAT Pre-MI), tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2021.
WinCommerce (WCM): Từ đầu năm 2022 đến nay, WCM tiếp tục mở rộng quy mô khi khai trương 05 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart , nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart lên 2.873 điểm bán.
Trong 6T2022, doanh thu WCM đạt 14.305 tỷ đồng, giảm 1,1% và EBITDA đạt 315 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2022, dù doanh thu giảm 3,0%, WCM đạt biên EBITDA 2,2% do biên lợi nhuận thương mại tăng 270 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ năm 2021.
6 tháng đầu năm 2022, WinMart đạt doanh thu 9.528 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tại các cửa hàng WinMart trên cơ sở so sánh tương đương (LFL) đạt 8.022 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng được bù đắp nhờ doanh thu 1.506 tỷ đồng từ các cửa hàng mới mở trong năm 2021 và 2022.
Nếu loại bỏ tác động do người tiêu dùng tích trữ hàng hóa diễn ra vào Quý II/2021 để so sánh tương đương, doanh thu WinMart tăng lần lượt 5,3% trong nửa đầu năm 2022 và 6,7% vào Quý II/2022.
Doanh thu của WinMart đạt 4.708 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Cụ thể, các siêu thị LFL ghi nhận doanh thu 4.515 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các siêu thị mở mới trong năm 2021 và 2022 đạt 193 tỷ đồng.
Sau dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng quay lại mua sắm tại các trung tâm thương mại từ Quý II/2022, đã giúp doanh thu của các siêu thị LFL nằm bên trong trung tâm thương mại Vincom Retail tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại bỏ tác động do doanh thu mức nền cao, doanh thu WinMart tăng trưởng lần lượt 1,4% và 9,9% trong 6 tháng đầu năm 2022 và Quý II/2022, so với cùng kỳ năm trước.
Các cửa hàng đa tiện ích trong chiến lược 'Point of Life' dự kiến ra mắt vào Quý III/2022.
Về lợi nhuận ở cấp cửa hàng, các cửa hàng WinMart LFL đạt biên EBITDA 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 90 điểm cơ bản và 7,0% trong Quý II/2022, tăng 40 điểm cơ bản. Với mô hình siêu thị, biên EBITDA của WinMart LFL cải thiện lần lượt lên mức 3,7% và 2,1%, tăng 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2022 và Quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 22,2% ở Quý I/2022 lên 23,1% trong Quý II/2022, trong khi đó biên EBITDA duy trì ở mức 2,2%, do chi phí mở cửa hàng mới và chi phí nhân công cao hơn.
Quý II/2022, 60% cửa hàng WinMart mở mới trong nửa đầu năm đã có lãi EBITDA so với tỷ lệ 80% trên toàn chuỗi WinMart . Các cửa hàng được mở vào trong nửa đầu năm 2022 có đà tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với các cửa hàng được mở vào Quý IV/2021.
"Điều này cho thấy Ban điều hành đã liên tục cải thiện năng lực mở mới cửa hàng và tạo đà đẩy mạnh doanh thu trong 6 tháng cuối năm khi các cửa hàng mới tối ưu về mặt hiệu suất", đại điện Masan phân tích.
Trong nửa cuối 2022, WCM sẽ tiếp tục tối ưu hóa các loại sản phẩm, chương trình khuyến mãi và chi phí vận hành để đảm bảo lợi nhuận. WCM cũng sẽ khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022 nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền.
Các cửa hàng đa tiện ích trong chiến lược Point of Life dự kiến ra mắt vào Quý III/2022. Đây sẽ là các cửa hàng mới tích hợp đa dạng sản phẩm và dịch vụ của Masan (hiện có và sắp được công bố) để tạo nền tảng cho đà tăng trưởng sau này.
Masan Consumer Holdings (MCH): Đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6T2022. Doanh thu thuần MCH đạt 12.355 tỷ đồng và EBITDA đạt 2.851 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 7,7% và 11,5% so với cùng kỳ.
"Do nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp hơn dự kiến vào Quý I/2022, lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối gia tăng vào cuối quý này. Ban điều hành đã nhanh chóng điều chỉnh trong Quý II/2022, đưa lượng hàng tồn kho về mức bình thường, tạo điều kiện cho mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số và gia tăng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 với kế hoạch kiểm soát chặt chi phí khuyến mãi", đại diện Masan cho biết.
Trong 6T2022, hầu hết các ngành hàng chủ lực đều tăng trưởng mạnh mẽ như thịt chế biến, cà phê và bia, với mức tăng lần lượt là 57,8%, 33,1% và 19,3%.
Tuy nhiên, doanh thu từ gia vị và thực phẩm tiện lợi trong 6T2022 chỉ tăng nhẹ lần lượt là 2,1% và 6,9% so với mức nền doanh thu cao vào Quý II/2021 trong thời gian giãn cách xã hội và giảm lần lượt 2,6% và 17,4% trong Quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) giảm 4,0% trong nửa đầu năm 2022.
Doanh thu từ các sản phẩm mới ra mắt trong Quý IV/2021 và 6T2022 đóng góp 38% vào tăng trưởng doanh thu tại MCH. Ban điều hành kỳ vọng tăng tốc ra mắt các sản phẩm mới trong nửa cuối năm 2022 để thúc đẩy đà tăng trưởng.
Vượt qua áp lực lạm phát, biên lợi nhuận gộp của MCH tăng 60 điểm cơ bản, lên 40,2% so với 1H2021 nhờ vào việc kiểm soát chi phí đầu vào và tối ưu chiến lược định giá sản phẩm. Biên EBITDA vẫn duy trì ở mức 23,1% trong nửa đầu năm 2022.
Trong nửa cuối 2022, MCH sẽ chú trọng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) ở các ngành hàng chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến để tạo ra sự tăng trưởng vượt trội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đà phát triển trong lĩnh vực đồ uống, cà phê và bia.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan - ông Nguyễn Đăng Quang
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang, chia sẻ: "Tại Masan, chúng tôi tin rằng công nghệ sẽ là yếu tố chuyển đổi bức tranh tiêu dùng và xem đây là một trong những trụ cột chiến lược cần ưu tiên.
Điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi không xem công nghệ như một mô hình kinh doanh độc lập, mà là một công cụ mạnh mẽ để cá nhân hóa dịch vụ sản phẩm nhằm mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm vượt trội.
Ứng dụng công nghệ để giải quyết những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng là cách để đạt được tăng trưởng và gia tăng lợi nhuận, đồng thời, quan trọng hơn hết là thực thi sứ mệnh nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Việt".
DOANH THU CỦA MASAN MEATLIFE’S HAO HỤT NGHIÊM TRỌNG SAU KHI BÁN ĐI MẢNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Phúc Long Heritage (PLH): trong nửa đầu năm 2022, ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động.
Trong nửa cuối 2022, Phúc Long sẽ đẩy nhanh việc mở mới các cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời ra mắt các thức uống mới để mô hình kiosk Phúc Long thành công hơn nữa.
Masan MEATLife’s (MML): do đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của MML giảm 81,0% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.941 tỷ đồng trong 6T2022. Doanh thu này hoàn toàn đến từ mảng kinh doanh thịt.
Trên cơ sở so sánh tương đương, loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MML chỉ giảm 6,1% do giá thịt heo giảm, được bù đắp bởi lượng hàng bán ra cao hơn của mảng thịt heo.
Biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA của mảng trang trại heo trong 6T2022 đạt 17,6% và 25,5%, giảm so với mức 44,9% và 50,0% trong cùng kỳ năm trước. Giá thịt heo đầu vào thấp hơn trong khi giá bán giữ vững ở mức ổn định đã giúp biên EBITDA của mảng kinh doanh thịt có thương hiệu (MEATDeli) tăng 140 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.
Biên EBITDA mảng thịt gà ("3F VIET") tăng từ (21,6%) trong 6 tháng đầu năm 2021 lên (9,3%) trong cùng kỳ năm 2022 nhờ giá thịt gà cao hơn.
"Ban điều hành kỳ vọng điều kiện thị trường thuận lợi và hệ thống phân phối hiệu quả hơn sẽ góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của MML trong nửa cuối năm 2022.
Kết quả kinh doanh của MEATDeli và 3F Việt được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ vào công suất sử dụng cao hơn tại các cơ sở chế biến thịt, mở rộng danh mục sản phẩm và gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng (tăng trưởng điểm bán thông qua WCM và các kênh phân phối khác), qua đó, thúc đẩy doanh thu cao hơn từ Quý III/2022 trở đi", dại diện Masan bày tỏ.
Masan High-Tech Materials (MHT): MHT đạt doanh thu thuần 8.123 tỷ đồng và EBITDA đạt 1.822 tỷ đồng trong 6T2022, tăng trưởng lần lượt 33% và 52,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá hàng hóa tăng và nhu cầu vật liệu công nghiệp gia tăng.
H.C. Starck Tungsten Powders (HCS), công ty con của Masan High-Tech Materials (MHT) đã đầu tư 45 triệu bảng Anh vào Nyobolt Limited (Nyobolt), công ty cung cấp giải pháp pin sạc nhanh có công suất và độ bền cao, ứng dụng vật liệu vonfram tiên tiến của MHT trong cực anode.
Thỏa thuận hợp tác này góp phần thúc đẩy hiện thực hóa tầm nhìn của MHT trở thành nhà chế biến vật liệu công nghệ công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn cho vonfram và vật liệu pin. Sau thương vụ, H.C.Starck sở hữu 15% Nyobolt trên cơ sở pha loãng hoàn toàn và là cổ đông lớn nhất của Nyobolt.
Techcombank (TCB): công ty liên kết của Masan ghi nhận 14.106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ. Thông tin chi tiết về kết quả tài chính của TCB vui lòng xem tại website của ngân hàng này.