Masan sắp mở chuỗi nhà thuốc thương hiệu Dr. Win, cạnh tranh trực diện với Pharmacity, Long Châu, An Khang?
Dr. Win có vốn điều lệ 28,57 tỷ đồng, đang trong quá trình tuyển dụng dược sĩ để mở rộng trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 31/3/2022, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Winphar đã được thành lập với số vốn điều lệ 10 triệu đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce nắm 80% vốn, bà Đỗ Thị Hoàng Yến nắm 10% vốn và ông Trần Phương Bắc nắm 10% vốn.
Được biết, cả bà Đỗ Thị Hoàng Yến và ông Trần Phương Bắc đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Tập đoàn Masan.
Đến ngày 1/7/2022, công ty Winphar đã đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng.
Theo quan sát, một số cửa hàng WinMart đang trong quá trình thay đổi giao diện và nâng cấp cơ sở vật chất. Phía bên ngoài, cửa hàng WinMart này thể hiện sẽ tích hợp Techcombank, Reddi và cả thương hiệu dược phẩm Dr. Win.
Một cửa hàng Winmart đang trong quá trình nâng cấp và dự kiến sẽ có Dr. Win
Trên một số website tuyển dụng, Dr. Win được giới thiệu là chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam. Chuỗi nhà thuốc này đang tìm kiếm dược sĩ với mức thu nhập 10-12 triệu đồng cho dược sĩ trưởng và 6-8 triệu đồng cho dược sĩ bán hàng.
Một bài đăng tuyển dụng dược sĩ cho chuỗi Dr.Win
Đây không phải là lần đầu Masan thể hiện tham vọng tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm.
Trong một diễn biến trước đó, vào tháng 10/2021, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, một số cửa hàng mới theo mô hình CVLife đa trải nghiệm của Masan đã được ra mắt tại TPHCM và Hà Nội, tích hợp WinMart , Techcombank, Phúc Long và Phano Pharmacy. Sự xuất hiện của chuỗi nhà thuốc Phano Pharmacy tại cửa hàng tích hợp của Masan đã gây chú ý với giới kinh doanh, về việc Tập đoàn Masan tham dự vào thị trường chuỗi bán lẻ nhà thuốc.
Phano Pharmacy đã có tuổi đời 15 năm, có mặt từ năm 2007, từng dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm với 60 nhà thuốc vào năm 2017, theo ghi nhận của tờ Nhịp cầu đầu tư. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác giữa Masan với Phano Pharmacy cụ thể là gì, chỉ là hợp tác chiến lược hay đã có quan hệ sâu sắc hơn (chẳng hạn như nhà đầu tư - cách Masan thường xuất hiện cùng các đối tác), vẫn bị bỏ ngỏ.
Thị trường chuỗi nhà thuốc hiện tại ghi nhận 3 tên tuổi lớn nhất gồm Pharmacity có 1.128 cửa hàng, Long Châu (thuộc FPT Retail) có hơn 701 điểm bán và An Khang (thuộc Thế Giới Di Động) con số là 517. Các số liệu trên được chúng tôi ghi nhận vào ngày 21/7/2022, trên website chính thức của các đơn vị.
Tại thời điểm thực hiện bài viết, trang web của Phano Pharmacy đang tạm đóng.
Hiện chưa có thông tin về mối quan hệ giữa Phano Pharmacy với chuỗi Dr. Win của Masan.
Với sự xuất hiện của chuỗi nhà thuốc Dr. Win với sự hậu thuẫn từ Masan, thị trường bán lẻ dược phẩm sẽ có 4 đại gia bán lẻ cực lớn góp mặt, vừa mạnh về tài chính, vừa am hiểu thị trường, gồm Pharmacity, FPT Retail, Thế Giới Di Động và Masan Group.
Cơ hội trên thị trường dược phẩm vẫn còn mở rộng với tất cả các bên. Trong một báo cáo của Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI, công ty này cho biết, hồi năm 2016 tổng số cửa hàng thuốc của cả nước là 55.300 cửa hàng, với chỉ có 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~1% thị phần).
Năm 2021, sau một thời gian dài thắt chặt quy định đối với thuốc không kê đơn và nâng cao tiêu chuẩn với mỗi nhà thuốc, tổng số cửa hàng thuốc đang hoạt động chỉ còn 44.600 đơn vị, nhưng đã có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~4% thị phần).
Mặc dù tỷ trọng chuỗi nhà thuốc vẫn còn khá nhỏ so với thị trường, nhưng kế hoạch đầy tham vọng của các chuỗi nhà thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần (chưa bao gồm Dr. Win).