Chuỗi giá trị toàn cầu sau Covid-19: Số hóa mạnh mẽ, tập trung và gần với thị trường bán lẻ hơn

13/09/2020 07:00 AM | Kinh doanh

Trong tương lai, các chuỗi giá trị cần phải điều chỉnh phương thức hoạt động bằng cách số hóa, tập trung và gần với thị trường bán lẻ hơn. Các nhà cung cấp tại các nước phát triển như Ethiopia hay Việt Nam cũng cần tự điều chỉnh bản thân để không bị bỏ lại phía sau.

Các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đã thúc đẩy chuyển đổi kinh tế bằng cách cho phép các nước đang phát triển chuyên môn hóa và thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo việc làm. Nhưng Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có với chuỗi giá trị toàn cầu khi gây gián đoạn đối với cả cung và cầu hàng hóa.

Đại dịch Covid-19 đã nêu bật những hạn chế của chuỗi cung ứng đường dài


Theo World Bank, đại dịch đã gây ra gián đoạn trên diện rộng đối với các GVC. Ở Ethiopia, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng đối với quần áo và việc các cửa hàng bán lẻ ở quốc gia có thu nhập cao đóng cửa đã ảnh hưởng đáng kể đối với các nhà cung cấp mặt hàng dệt may.

Tác động đối với doanh nghiệp không giống nhau trong toàn ngành. Ví dụ, những doanh nghiệp tập trung vào mặt hàng thể thao đang phục hồi trở lại, khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ và cửa hàng ở các thị trường lớn đang mở cửa trở lại, trong khi doanh nghiệp cung cấp trang phục trang trọng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ở Việt Nam, chuỗi giá trị điện tử chịu tác động của tình trạng phong tỏa đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài và gián đoạn dịch vụ kho vận, ảnh hưởng đến cả việc vận chuyển nguyên vật liệu thô và linh kiện điện tử - và phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

"Covid-19 có ảnh hưởng đáng kể đối với sản phẩm - sản xuất của chúng tôi tại Việt Nam. Đại dịch này ảnh hưởng đến đầu vào cả về nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt từ các nước châu Á", bàn Hoàng Thu Thủy – Phó Tổng Giám đốc Bộ phận mua hàng toàn cầu, Panasonic Việt Nam tiết lộ trong hội thảo Chuỗi giá trị toàn cầu trong thời Covid-19: Kinh nghiệm của Ediopia và Việt Nam do Word Bank tổ chức.

Ngoài ra, việc gián đoạn này đã nêu bật những hạn chế của chuỗi cung ứng đường dài. Ví dụ, các công ty may mặc truyền thống mua vải từ châu Á, cắt may thành quần áo ở các nước khác, sau đó vận chuyển đến Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Những chuỗi cung ứng đường dài này có thể làm chậm khả năng phản ứng nhanh chóng của doanh nghiệp trước khủng hoảng và khiến doanh nghiệp đối mặt với tình cảnh hàng tồn kho chất chồng.

"Đại dịch đã cho thấy tình trạng kém hiệu quả trong các chuỗi giá trị ngành, khiến mọi người nhận ra khối lượng hàng tồn kho trong hệ thống và tình trạng thiếu linh hoạt trong hoạt động", ông Mark Green – Phó Chủ tịch Chuỗi cung ứng toàn cầu, Tập đoàn PVH nêu thực trạng.

Chuỗi giá trị toàn cầu sau Covid-19: Số hóa mạnh mẽ, tập trung và gần với thị trường bán lẻ hơn - Ảnh 1.

Ông Mark Green – Phó Chủ tịch Chuỗi cung ứng toàn cầu, Tập đoàn PVH

Do vậy, đại dịch đã tạo động lực mới để xây dựng một mạng lưới sản xuất linh hoạt hơn, đẩy nhanh xu hướng tái cấu trúc các GVC trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Các GVC được xây dựng dựa trên quan hệ lâu dài giữa các tập đoàn đa quốc gia (MNE) chủ chốt và các nhà cung cấp chính của những doanh nghiệp này. Những tập đoàn này cũng quan tâm đến việc các nhà cung cấp chính của họ tiếp tục tồn tại và kinh doanh.

Cần số hóa mạnh mẽ, tập trung và mang chuỗi giá trị gần hơn với thị trường bán lẻ


Đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia, đại dịch cho thấy rõ lợi ích của việc dịch chuyển các bộ phận khác nhau của doanh nghiệp về gần nhau hơn, nhằm xây dựng và duy trì mạng lưới sản xuất bền vững và linh hoạt hơn. Đại dịch cũng mang lại cơ hội, bao gồm tái cân bằng để hướng tới nền kinh tế địa phương.

Trên thực tế, cuộc tọa đàm đã thảo luận về các GVC mang tính định hướng theo hướng từ địa phương đến địa phương, và các chuỗi cung ứng gần hơn với thị trường bán lẻ. Các MNE đang rút ngắn khoảng cách giữa nhà cung cấp và khách hàng và tích hợp theo chiều dọc nhiều hơn nữa nhằm cải thiện tính linh hoạt trong sản xuất và hoạt động bền vững hơn.

"Đại dịch cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình kinh doanh. Ví dụ, việc phong tỏa người lao động có thể khuyến khích doanh nghiệp tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến… và thúc đẩy thương mại điện tử", bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Thế giới, tiếp lời.

Để ứng phó với thời cuộc, một số doanh nghiệp đang điều chỉnh mô hình kinh doanh để đối phó với khủng hoảng. Như chia sẻ của diễn giả trong các phiên thảo luận, hãng Hàng không Ethiopia đã thích nghi với tình hình sụt giảm số lượng hành khách bằng cách chuyển đổi máy bay chở khách thành chở hàng. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Ethiopia đã trang bị lại để sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Những công ty khác ứng phó bằng cách tập trung vào các sản phẩm căn bản và các nhà cung cấp chính.

Covid-19 cũng đẩy nhanh xu hướng số hóa. Ví dụ, việc người lao động bị phong toả tạo ra động cơ mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến. Những biện pháp hạn chế đi lại khuyến khích bán hàng trực tuyến và thúc đẩy thương mại điện tử, cho phép doanh nghiệp đưa hàng hóa và dịch vụ đến với người tiêu dùng mới.

Công nghệ in 3D nhận được nhiều sự quan tâm hơn, vì có thể rút ngắn chuỗi cung ứng và đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Một số thay đổi đã diễn ra trước đại dịch, nhưng hiện đang được đẩy nhanh để giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với điều kiện bình thường mới.

Chuỗi giá trị toàn cầu sau Covid-19: Số hóa mạnh mẽ, tập trung và gần với thị trường bán lẻ hơn - Ảnh 2.

Ông Anas Tazi, Giám đốc Quốc gia Ethiopia từ Decathlon

"Chuỗi cung ứng của chúng tôi phải có tốc độ nhanh hơn và tính linh hoạt cao hơn, nghĩa là chúng tôi phải định hình lại chuỗi cung ứng. Chúng tôi sẽ xây dựng nhiều chuỗi cung ứng nội địa hơn và gần hơn với thị trường bán lẻ", ông Anas Tazi, Giám đốc Quốc gia Ethiopia thuộc Tập đoàn Decathlon chia sẻ giải pháp của doanh nghiệp mình.

Theo đó, các chuỗi cung ứng hàng may mặc đang trở nên nhạy bén hơn và bền vững hơn về môi trường – nhờ đưa nhiều công đoạn sản xuất hơn tới cùng một địa điểm. Tuy nhiên, thách thức chính là phối hợp với các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị và với chính quyền. Để tận dụng được tính kinh tế nhờ quy mô, cần có các khoản đầu tư lớn từ nhà cung cấp, điều này chỉ có thể thực hiện được khi một vài công ty chủ chốt kết hợp nhu cầu với nhau.

Việt Nam sẽ tập trung vào các vấn đề năng lực cạnh tranh lâu dài và bền vững


"Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào các vấn đề năng lực cạnh tranh lâu dài và bền vững bằng việc cải thiện năng suất của doanh nghiệp trong nước. Thúc đẩy việc áp dụng và phổ biến công nghệ, xây dựng năng lực và áp dụng chiến lược mới để thu hút FDI, trong đó tập trung vào doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi cung ứng trong nước", bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp Việt Nam cho biết.

Cũng theo Word Bank, chính sách sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, xung đột thương mại có thể được giảm thiểu thông qua các hiệp định thương mại sâu rộng không chỉ bao gồm thương mại mà còn bao gồm các lĩnh vực chính sách bổ trợ, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và môi trường, như CPTPP và EVFTA tại Việt Nam.

Mạng lưới cung ứng có thể được mở rộng và tăng cường thông qua các chính sách nhằm xúc tiến công cụ kết nối kỹ thuật số từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B), nâng cao kỹ năng và năng lực cũng như cơ sở hạ tầng kho vận bổ trợ. Trong tương lai, cách tiếp cận phối hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân có khả năng trở nên quan trọng hơn.

Việc phối hợp như vậy có thể giúp các nước đang phát triển thúc đẩy áp dụng và phổ biến công nghệ, xây dựng năng lực của doanh nghiệp trong nước, và thực hiện các chiến lược mới nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - đặc biệt là từ các doanh nghiệp giúp gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng trong nước.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM