Chuỗi cung ứng toàn cầu “dưới trướng” Joe Biden: Giảm nhập khẩu vào Mỹ, tăng vận chuyển container và “lập team” đối đầu Trung Quốc
Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, “chuỗi cung ứng” lại trở thành một chủ đề mấu chốt trong cuộc đua trở thành Tổng thống thứ 59 Hoa Kỳ giữa 2 ứng viên nặng ký Donald Trump và Joe Biden.
Làn sóng "Reshoring"
Nếu như "offshore" là hoạt động sản xuất hoặc đầu tư ra nước ngoài, một mô hình ưa thích của nhiều thương hiệu Mỹ thì "Reshoring" là dòng dịch chuyển các tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ ở về "quê nhà", một trong những điểm nổi bật trong kế hoạch cải tổ của Joe Biden.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, Biden đã liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ cần "gia cố chuỗi cung ứng" của mình, nhất là khi Covid-19 đã phơi bày hàng loạt điểm yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nổi bật nhất trong số đó là tỷ lệ phụ thuộc rất cao vào thuốc men và các sản phẩm y tế vào hệ thống nhà máy sản xuất nước ngoài (đặc biệt là tại Trung Quốc), ước tính Mỹ đang phải nhập khẩu từ 70 đến 75% các loại thuốc và dụng cụ y tế được người dân trong nước sử dụng thường xuyên.
Và giờ đây, chắc chắn Biden sẽ tung ra một loạt giải pháp để chấm dứt tình trạng này, không những để chống chọi Covid-19 mà còn chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
"Xu hướng sản xuất dược phẩm tại nước ngoài là kết quả của việc phân loại đánh thuế, khiến các doanh nghiệp Mỹ chọn những nước có mức thuế thấp hơn, dù chi phí nhân công và sản xuất không khác gì so với nội địa Mỹ" - trích từ kế hoạch tái thiết chuỗi cung ứng của Joe Biden.
Có thể thấy, Biden chắc chắn sẽ sử dụng chiến thuật thay đổi mức thuế để thúc đẩy quá trình "reshoring" về Mỹ, nhưng không chỉ dành riêng cho ngành dược phẩm, vào tháng 9 năm nay, ông tiếp tục cam kết áp dụng phương thức tính thuế nhập khẩu mới cho hàng loạt ngành nghề - tập trung "hồi sinh" những nhà máy đang "đắp chiếu" tại Mỹ.
Kích thích kinh tế - thúc đẩy vận tải container
Biden cam kết sẽ chỉ định 400 tỷ USD từ nguồn quỹ mua sắm công để tập trung thu mua những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Để đảm bảo nguồn tiền này thực sự thúc đẩy nền kinh tế nước nhà, các quy định về sản phẩm "Made in USA" cũng trở nên chặt chẽ hơn, đảm bảo các sản phẩm được dán nhãn đúng nguồn gốc.
Không những thế, Biden cũng cam kết xóa bỏ toàn bộ điều khoản khuyến khích sản xuất hay thu mua từ nước ngoài, kéo chuỗi sản xuất toàn cầu về nội địa Mỹ.
Bộ máy chính quyền mới của Biden cũng sẵn sàng tung ra khoản "vay nóng" cho bất cứ người dân Mỹ nào có kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất ngay trong Hoa Kỳ. Song song với đó, khoản vay trên cũng có thể nhanh chóng bị "thu hồi" nếu công ty kia sử dụng nguồn lực từ nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế Aneta Markowska: "Thị trường lao động đã chịu ảnh hưởng lớn từ Covid-19, nhưng gói kích thích kinh tế mới sẽ dễ dàng lật ngược thế cờ. Thu nhập cá nhân đã tăng 4,7% trong năm nay, và chính sách tài chính mới sẽ xóa nhòa suy thoái kinh tế."
Xét về chuỗi cung ứng thế giới, một gói kích thích sẽ thổi phồng nhu cầu vận chuyển, đặc biệt là các ngành hàng hải quốc tế, xe tải nội địa và đường sắt đa phương thức …
Giá cước một container 40ft từ Trung Quốc sang bờ Tây nước Mỹ đã vượt qua kỷ lục 3.800USD và không có dấu hiệu dừng lại, báo hiệu mùa căng tải sắp tới.
Theo sàn vận chuyển Phaata: "Donald Trump ủng hộ rất mạnh các giao dịch tàu chở dầu, nhưng đối với Joe Biden, mức kích thích cao sẽ làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy sản lượng vận chuyển container và hàng lẻ."
"Hội đồng minh" chống tại Trung Quốc?
Trong khoản thời gian hơn 45 làm chính trị ở vị trí thượng nghị sĩ và phó tổng thống, Joe Biden luôn ủng hộ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng giờ đây, chính sách của ông sẽ trở nên trực diện và "bất hảo" hơn.
Với phong cách "tôn trọng đồng minh", Biden sẽ lập tức tham vấn các nước đồng minh của mình nếu được đắc cử, hướng đến một bộ thuế quan thống nhất để áp dụng lên Trung Quốc.
Theo Reuters, Joe Biden sẽ sử dụng "sức mạnh tập thể" để đối phó với Bắc Kinh, đồng thời tránh việc làm "phật lòng" hai đồng minh Châu Âu và Canada như Trump đã từng.
Khi bị Trump công kích trong cuộc đua vào Nhà trắng, Biden đã phản bác và khẳng định sẽ cứng rắn với quốc gia đông dân nhất thế giới, ông còn sẵn sàng sử dụng các rào cản thương mại trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nước Mỹ.
"Biden sẽ phối hợp với các đồng minh để tạo nên một chiến dịch toàn cầu hướng về Trung Quốc" – theo The Wall Street Journal.
Về mặt thương mại quốc tế, chính quyền Biden sẽ tạo điều kiện "vực dậy" cho các nhà nhập khẩu Mỹ, những người đã thiệt hại hơn 60 triệu USD qua hàng loạt mức thuế áp đặt lên Trung Quốc trong hai năm 2018 và 2019.
Các hướng đi trên sẽ nhanh chóng "mở nút thắt" cho ngành vận tải toàn cầu, nhưng với tình trạng căng thẳng như hiện tại, nó sẽ kéo dài thời kỳ giá cước "trên trời" thêm một khoản thời gian không ngắn sắp tới.
Nguồn: Supplychaindive, Freightwaves, Flexport, Phaata