Chuỗi cầm đồ F88 có kế hoạch niêm yết, vậy lợi nhuận của họ đến từ đâu?
Thanh lý tài sản cầm cố là cần câu cơm của các cửa hàng cầm đồ truyền thống. Với F88, nếu định hướng là một chuỗi cầm đồ chuyên nghiệp, lợi nhuận của họ sẽ đến từ lãi cho vay. Con số đó cũng không hề tầm thường.
Tháng 10/2016, ông Phùng Anh Tuấn, CEO của F88 – chuỗi cửa hàng cầm đồ mới xuất hiện - đã làm xôn xao dư luận với tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm thay đổi ngành cầm đồ Việt Nam”. Không lâu sau đó, vào tháng 1/2017, F88 tiếp tục gây bất ngờ khi quỹ MEF III của Mekong Capital – một quỹ đầu tư nước ngoài nổi tiếng, rót vốn đầu tư và cho biết sẽ sử dụng “phương pháp của Mekong Capital” để đưa F88 thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Christ Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital cho hay, F88 có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và điều này sẽ dần được công bố với công chúng. Hình ảnh của F88 khiến nhiều người nhớ đến Thế giới di động - khoản đầu tư rất thành công của quỹ đầu tư nước ngoài này. Đó là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nhanh, có đội ngũ lãnh đạo táo bạo, tham vọng và thực tế đã thể hiện sự phát triển thần tốc trong suốt nhiều năm qua.
Nếu niêm yết, cổ phiếu F88 sẽ là một món hàng “hot” vì sự độc lạ và tiềm năng. Với doanh nghiệp này, nhiều người sẽ muốn biết lợi nhuận của họ đến từ đâu? Từ lãi cho vay hay từ thanh lý tài sản?
Tỷ lệ khách không đến chuộc đồ chỉ 5%
Ông Christ Freund cho biết, quỹ này đã nghiên cứu thị trường cầm đồ tại nhiều quốc gia như Mỹ, Mexico, Thái Lan, Nhật Bản và Philippines … Qua đó, họ nhận ra rằng thị trường này hoạt động khá khác biệt ở từng quốc gia do sự khác biệt trong luật pháp và hành vi tiêu dùng của người dân.
Ông Christ Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital
Theo ông Freund, thị trường cầm đồ Việt Nam rất độc đáo. Giá trị của các khoản vay cầm đồ trung bình ở Việt Nam thường cao hơn nhiều quốc gia khác, nhưng tỷ lệ hoàn trả cũng rất cao.
So sánh với nước Mỹ, các khoản vay cầm đồ tại đây trung bình thường rơi vào khoảng 100 USD, nhưng ở Việt Nam, các khoản này cao hơn rất nhiều. 50% các khoản vay cầm đồ ở Mỹ là không thể thu hồi và cần phải thanh lý trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này ít hơn 10%.
Điều đó có thể lý giải được khi ở Mỹ, các loại hàng hóa được dùng để thế chấp là trang sức, đồ gia dụng, đồng hồ, súng, … trong khi người Việt Nam phần lớn thế chấp xe máy, ô tô và thiết bị di động – những món đồ có giá trị cao đối với người đem thế chấp.
Trong một cuộc trò chuyện, ông Phùng Anh Tuấn tiết lộ, tỷ lệ khách không đến chuộc lại đồ ở F88 là 5%. Như thế lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ đến chủ yếu từ lãi suất cho vay cầm đồ.
Trên thực tế, tại các cửa hiệu cầm đồ “truyền thống”, ngoài việc lách luật, ép lãi suất cắt cổ thì các cửa hiệu cầm đồ thường có các mánh lới để bán đứt tài sản của người cầm đồ. Thanh lý tài sản mới chính là “cần câu cơm” của các tiệm cầm đồ. Đối với F88 – một doanh nghiệp định hướng hoạt động theo chuỗi chuyên nghiệp, họ không thể dùng mánh lới, và cũng như chia sẻ ở trên, lợi nhuận của họ không đến từ thanh lý tài sản.
Mặc dù vậy, đây cũng là hoạt động có thể khiến cho F88 bị lỗ và khâu thẩm định tài sản là một khâu vô cùng quan trọng, phải thực hiện chuyên nghiệp như ngân hàng. Lãnh đạo của F88 cho biết, công ty đã lập hẳn một ban thẩm định. Thông qua hệ thống công nghệ, ban thẩm định này sẽ cập nhật giá hằng ngày, sát với giá giao dịch trên thị trường. F88 cũng chỉ cho cầm cố tối đa 30 ngày như một cách ngăn ngừa rủi ro.
Dù không thể cho vay lãi suất cắt cổ, F88 vẫn có thể lãi lớn
Chia sẻ trên báo chí, ông Phùng Anh Tuấn – Giám đốc của F88 cho biết nếu kinh doanh đúng luật, cầm đồ không phải là ngành “ăn lời cắt cổ” ở mức lãi 7-10%/tháng như nhiều người lầm tưởng. Tại Việt Nam, dịch vụ cầm đồ là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo luật, lãi vay không được quá 150% lãi suất cơ bản. Lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày (tức 3.000 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày).
Cho dù như thế, lãi suất cho vay 4,2%/tháng cũng là con số sinh lời đáng ngưỡng mộ nếu so với lãi suất cho vay tín chấp cá nhân trong ngân hàng (20-25%/năm) và lãi suất của công ty tài chính (23-35%/năm).
Tại Singapore, chuỗi MoneyMax Financial Services, Cash Converters là những điển hình về chuỗi cầm đồ hiện đại đã gặt hái thành công. Tại Malaysia có chuỗi Muslim Malays, hay Thái Lan có chuỗi cầm đồ Easy Money. Theo ghi nhận của hãng Reuters, tỷ suất lợi nhuận biên trước thuế của các chuỗi Money Max là hơn 30%. Đây không phải là con số tầm thường.
“Có hơn 30.000 cửa hàng cầm đồ ở Việt Nam, chứng tỏ tiềm năng thị trường này là rất lớn. Một trong những thách thức lớn nhất sẽ là làm thế nào để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân để họ chuyển sang sử dụng dịch vụ ở các cửa hàng cầm đồ hiện đại như F88 hơn là những cửa hàng theo kiểu truyền thống.” – Ông Chris Freund nói.
Tất nhiên, đa số khách hàng của các cửa hàng cầm đồ là những đối tượng không đủ chuẩn để tiếp cận các khoản tín dụng có lãi suất thấp hơn từ hệ thống ngân hàng. Cho nên, lợi thế cạnh tranh của F88 so với các cửa hàng cầm đồ truyền thống có thể là lãi suất cạnh tranh hơn, hệ thống chuyên nghiệp, phong cách phục vụ không “hổ báo” và đặc biệt là nguồn vốn hàng triệu USD từ Mekong Capital, nhưng đồng thời việc quản trị rủi ro khắt khe hơn cũng khiến F88 phải từ chối nhiều khách hàng, nhường lại cho các cửa hàng cầm đồ chấp nhận rủi ro cao.