"Chúng tôi đang giậm chân tại chỗ": Nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu "than trời" giữa khủng hoảng năng lượng

03/12/2022 10:32 AM | Kinh doanh

Theo Giám đốc Thương hiệu của Volkswagen, ngành công nghiệp châu Âu đang dần mất đi lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh do khủng hoảng năng lượng kéo dài.

Theo Fortune, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang khiến ngành công nghiệp của lục địa này rơi vào tình cảnh bế tắc, đặc biệt là những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như luyện thép hay sản xuất phân bón - cả hai ngành này đều đã cắt giảm đáng kể sản lượng.

Nhằm nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng và điện đều tăng cao, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về kế hoạch áp mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên, tuy nhiên cho đến nay các quốc gia thành viên vẫn còn nhiều bất đồng.

Trong khi đó, tại một số quốc gia châu Âu đã có những lời kêu gọi chính phủ tăng trợ cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo rằng ngay cả khi những biện pháp hỗ trợ được triển khai, thì có thể chúng vẫn là chưa đủ để cứu lấy ngành công nghiệp châu Âu đang có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.

Trong một bài viết được đăng tải trên LinkedIn vào đầu tuần này, ông Thomas Schäfer, Giám đốc Thương hiệu của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen cảnh báo: "Đức và EU đang nhanh chóng đánh mất sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của mình trên trường quốc tế".

Theo ông Schäfer, Volkswagen và các nhà sản xuất ô tô khác của châu Âu có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện do giá năng lượng tăng cao. Ông nhận định rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu gặp bất lợi.

"Chúng tôi đang giậm chân tại chỗ", ông Schäfer viết. "Tôi rất lo ngại về tình hình hiện tại liên quan đến các khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi của ngành [sản xuất ô tô]. Đây là điều cần được ưu tiên giải quyết khẩn cấp."

Chúng tôi đang giậm chân tại chỗ: Nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu than trời giữa khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Châu Âu mất lợi thế

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể kéo dài trong nhiều năm, và các ngành công nghiệp muốn được chính phủ hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Ông Schäfer cảnh báo rằng châu Âu có nguy cơ tụt hậu so với các "đối thủ cạnh tranh" như Mỹ, Canada và Trung Quốc, trong khi các khu vực có kinh tế tăng trưởng mạnh như Đông Nam Á và Bắc Phi cũng là "mối đe dọa" đối với ngành công nghiệp của "lục địa già".

Ông Schäfer cho rằng ngành công nghiệp của châu Âu đang ""thiếu khả năng cạnh tranh về giá cả trong rất nhiều lĩnh vực."

Đối với Volkswagen, ông Schäfer cho biết châu Âu đang ngày càng mất lợi thế về giá năng lượng và giá điện, khiến việc đầu tư vào lĩnh vực xe điện của doanh nghiệp này ngày càng trở nên khó khăn.

Một số lĩnh vực công nghiệp của châu Âu đã buộc phải cắt giảm sản xuất do giá năng lượng cao và hiệu suất thấp giảm, và một số doanh nghiệp lo ngại rằng họ sẽ phải thu hep quy mô "vĩnh viễn" ở châu  vì giá năng lượng cao.

Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ khiến châu Âu mất đi lợi thế cạnh tranh, mà giá cao còn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thậm chí khiến nhiều doanh nghiệp phải tháo chạy khỏi châu lục này.

Nhiều nơi trong khối EU có thể đã rơi vào suy thoái kinh tế, trong khi các ngân hàng đầu tư, bao gồm Morgan Stanley và Goldman Sachs đã cảnh báo rằng châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn Mỹ.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ vừa được thông qua vào đầu năm nay - dự kiến sẽ bơm hơn 400 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa của Mỹ - cũng khiến triển vọng của kinh tế châu Âu xám xịt hơn. Các nhà lãnh đạo EU chỉ trích đạo luật này là bảo hộ và đặt các công ty Châu Âu vào thế bất lợi.

Cuộc khủng hoảng năng lượng và Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã khiến các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất của EU - đưa ra một thông báo chung vào tuần trước, trong đó hứa hẹn nhiều hợp tác liên khối hơn trong chính sách công nghiệp.

Ông Schäfer nhận định thông cáo chung này là một "bước đi đúng hướng", nhưng kêu gọi các chính phủ cần phải phải có hành động tích cực hơn nữa để củng cố vị thế kinh tế đang suy giảm của châu Âu trên trường quốc tế./.

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM