Chúng ta có thể sống bất tử nhờ thay thế liên tục các nội tạng trong cơ thể mình hay không?
David Rockefeller, tỷ phú người Mỹ đã sống tới năm 101 tuổi nhờ 7 ca ghép tim và 2 ca ghép thận.
Giống như một chiếc laptop, cơ thể con người đôi khi cũng gặp trục trặc ở một số bộ phận. Cách giải quyết vấn đề tốt nhất là gì? Hãy đem chiếc laptop của bạn ra tiệm và thay mới những bộ phận đó, ram, chip, ổ cứng, màn hình…
Không có gì quá ngạc nhiên khi điều tương tự cũng có thể áp dụng với con người. Mỗi năm, trên toàn thế giới có tổng cộng gần 70.000 ca ghép thận, hơn 20.000 ca ghép gan, khoảng 5.400 ca ghép tim, 3.400 ca ghép phổi và 2.400 ca ghép tụy.
Thay thế các bộ phận hỏng hóc trong cơ thể sẽ giúp chúng ta sống lâu hơn. Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu một ai đó có thể sống bất tử bằng cách này được hay không?
Hãy giả định ở một tương lai, khi chúng ta có được một nguồn cung nội tạng dồi dào, giá rẻ (mà rất có thể đến từ những nghiên cứu như thế này ), ghép tạng sẽ giúp con người kéo dài sự sống mãi mãi?
Đừng ai nghĩ đây chỉ là chuyện hão huyền. Hãy nhìn vào trường hợp của David Rockefeller, một tỷ phú, ông chủ nhà băng người Mỹ. Năm 1996, Rockefeller bị suy tim tưởng chừng đã chết. Nhưng một ca ghép tim đã cứu sống ông ấy.
Suốt 20 năm, Rockefeller đã thực hiện tới 7 ca phẫu thuật ghép tim và 2 ca ghép thận để kéo dài sinh mệnh. Y học đã giúp ông ấy sống tới năm 101 tuổi. Và dĩ nhiên, có cả công của những đồng tiền.
Theo ước tính, một ca ghép tim ở Mỹ có giá khoảng 250.000 USD (5,8 tỷ VNĐ). Chi phí của một ca ghép thận cũng rơi vào khoảng 100.000 USD (2,3 tỷ VNĐ). Tổng cộng, Rockefeller có lẽ đã phải chi 2 triệu USD để mua lại 20 năm cuộc sống.
Vậy là về mặt lý thuyết, chúng ta thực sự có thể sống lâu hơn nhờ ghép tạng. Nhưng sự khan hiếm nội tạng và chi phí đắt đỏ cho các ca phẫu thuật hiện nay đang ngăn trở nhiều bệnh nhân tiếp cận quyền được sống của họ.
Chúng ta cũng không nên quên đi các biến chứng sau phẫu thuật, bao gồm nhiễm trùng và thải ghép nội tạng cũng có thể cướp đi mạng sống của một bệnh nhân, ngay cả khi họ có tiền và được trao cơ hội từ một người khác.
May mắn thay, các nhà khoa học vẫn đang làm việc rất cật lực để giải quyết các vấn đề đó cho chúng ta. Trong tương lai, có lẽ chúng ta có thể sử dụng tế bào gốc của chính mình, chỉnh sửa gen rồi cấy vào một phôi thai lợn. Bằng cách nuôi con lợn lớn lên, các tế bào gốc của chúng ta sẽ phát triển hành các nội tạng hoàn chỉnh bên trong nó.
Cấy ghép dị chủng sẽ mở ra cho y học cấy ghép một tương lai rực rỡ, giúp chúng ta giải quyết cả hai vấn đề: thiếu nguồn cung và thải ghép nội tạng.
David Rockefeller, tỷ phú, ông chủ nhà băng người Mỹ đã sống tới năm 101 tuổi nhờ 7 ca ghép tim và 2 ca ghép thận
Nhưng vẫn còn một vấn đề nữa, đó là độ bền của các cơ quan này.
Hãy thử làm một phép tính từ các số liệu hiện tại. Một ca ghép tim có thể giúp một bệnh nhân kéo dài sự sống 20 năm. Con số của một lá gan mới là 30 năm. Ghép phổi sẽ giúp bạn kéo dài thêm 10 năm tuổi thọ, ghép ruột là 5 năm và ghép thận là 15 năm.
Cứ giả sử như có một người muốn sống tới năm 1.000 tuổi. Anh ta sẽ phải ghép tim ít nhất 50 lần, cần 33 lá gan để thay thế, 66x2=132 quả thận, 200 lá phổi và 200 lần ghép ruột. Chưa kể đến các cơ quan khác, bạn chắc chắn phải làm mới cơ thể mình liên tục để có thể kéo dài sự sống.
Và điều đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng, bao gồm việc chết trên bàn mổ. Ngay cả khi các ca cấy ghép thành công mỹ mãn đi chăng nữa, bạn vẫn cần phải dành thời gian trong bệnh viện để giúp cơ thể bình phục.
Cuộc sống bất tử lúc này trở thành một chuỗi ngày dài, liên tục lên và xuống bàn mổ. Và có lẽ bạn sẽ ở trong bệnh viện nhiều hơn là ở nhà, phải nằm một chỗ thay vì có thời gian và sức khỏe để tận hưởng cuộc sống.
Suy cho cùng, ghép tạng có thể giúp cho con người kéo dài cuộc sống của mình thêm vài chục năm. Nhưng các tiến bộ chưa thể giúp cho chúng ta bất tử theo cách này.
Sẽ tốt hơn, nếu chúng ta đi tìm những đoạn DNA giới hạn tuổi thọ được tạo hóa nhúng đâu đó trong bộ gen của mình. Chỉnh sửa các DNA này để kéo dài độ bền cho các cơ quan nội tạng - và cả cơ thể - sẽ là một hướng đi tốt hơn là cứ để chúng hỏng rồi thay mới.