Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên trong lịch sử có thể hiến một quả thận tươi sống: ý nghĩa đột phá đối với căn bệnh thế kỷ

02/04/2019 22:47 PM | Công nghệ

Thành công này không những mở rộng nguồn ghép tạng, mà còn làm thay đổi nhận thức của xã hội về bệnh nhân nhiễm HIV.

HIV hiện tại vẫn đang được coi là căn bệnh thế kỷ, kèm theo đó là những định kiến từ xã hội đối với những bệnh nhân nhiễm HIV. Họ bị xem là mầm mống gieo rắc cái chết, là những người đã mất cả tương lai.

Và cũng bởi những định kiến này, chẳng ai dám nghĩ đến việc một bệnh nhân HIV có thể hiến tạng, dù người nhận có là một bệnh nhân HIV khác đi chăng nữa.

Tuy nhiên mới đây, các chuyên gia từ bệnh viện Johns Hopkins đã đưa ra công bố mang tính chất lịch sử: họ đã cấy ghép thành công quả thận của một bệnh nhân nhiễm HIV sang một bệnh nhân HIV khác. Đây được xem là bước đột phá quan trọng của y học, khi không chỉ làm tăng nguồn cung nội tạng, mà còn góp phần thay đổi góc nhìn về căn bệnh thế kỷ.

Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên trong lịch sử có thể hiến một quả thận tươi sống: ý nghĩa đột phá đối với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 1.

Theo Washington Post đưa tin, cả người hiến - một phụ nữ 35 tuổi tên Nina Martinez - và người nhận (giấu tên) đang trong quá trình phục hồi. Được biết, người nhận đang cảm thấy rất hạnh phúc, khi đây là lần đầu tiên trong năm cô không còn phải trải qua quá trình chạy thận đầy đau đớn nữa.

Thay đổi định kiến trong xã hội

Ca phẫu thuật này là một bước đột phá đối với căn bệnh HIV. Từ khi xuất hiện vào năm 1981, HIV đã luôn được xem "bản án tử", và hiện vẫn có hàng triệu người đang mang virus trong người.

Sự phát triển của khoa học hiện đại đã làm thay đổi hiện thực ấy. Theo tiến sĩ Adam Spivak - phó giáo sư khoa Y ĐH Utah (Mỹ), ông đưa ra lời khẳng định "Nhiễm HIV không phải là bản án tử." Một số bệnh nhân thậm chí còn khống chế được mật độ virus ở mức không thể phát hiện.

Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên trong lịch sử có thể hiến một quả thận tươi sống: ý nghĩa đột phá đối với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 2.

Dù vậy, định kiến từ xã hội vẫn luôn ở đó.

"Xã hội nhìn nhận chúng tôi là những kẻ mang lại sự chết chóc," - Martinez chia sẻ trước ca phẫu thuật lịch sử. "Và tôi cũng không nghĩ ra cách gì tốt hơn để cho mọi người thấy chúng tôi có thể chia sẻ sự sống."

"Những người nhiễm HIV dĩ nhiên không thể hiến máu, nhưng giờ họ có thể hiến thận," - Dorry Segev, giáo sư từ Bệnh viện ĐH Johns Hopkins cho biết, người phụ trách ca phẫu thuật lần này cho biết. "Họ mắc phải căn bệnh từng là bản án tử 30 năm trước. Ngày nay, họ đủ khỏe mạnh để chia sẻ sự sống cho người khác,"

Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên trong lịch sử có thể hiến một quả thận tươi sống: ý nghĩa đột phá đối với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 3.

Nina Martinez - người bệnh nhân HIV đầu tiên hiến thận sống cho một bệnh nhân khác

Trên thực tế thì kể từ khi đạo luật mới được thông qua vào năm 2016, các chuyên gia Mỹ đã cấy ghép khoảng 116 nội tạng từ người nhiễm HIV sang các bệnh nhân HIV khác. Trong khi đó số ca ghép thận từ người không nhiễm chỉ là 152.000 trong 30 năm qua.

Có điều ghép thận thì khác. Việc để các bệnh nhân nhiễm HIV sống với 1 quả thận được cho là quá nguy hiểm, vì hệ miễn dịch của họ không đủ để giải quyết các nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên theo nghiên cứu từ ĐH Johns Hopkins vào năm 2017 trên 42.000 bệnh nhân, thì nguy cơ nhiễm trùng khi ghép thận ở bệnh nhân HIV cũng không hơn người thường là bao. Có nghĩa, thận của họ có thể dùng được.

Người đứng ra thực hiện phẫu thuật là Niraj Desai - phó giáo sư của viện. Desai cho biết quả thận được ghép vào gần xương chậu. Và vì đây là một quả thận từ người sống, nó có "hạn sử dụng" lên tới 20 - 40 năm. Sau khi hết giai đoạn này, người nhận sẽ cần ghép một quả thận khác, hoặc tiếp tục quá trình chạy thận hàng ngày.

Cả Martinez và người được hiến thận sẽ vẫn phải sử dụng thuốc kháng virus ARV (Antiretroviral drug) nhằm kiểm soát HIV. Ngoài ra, họ còn phải uống thuốc phòng chống đào thải.

Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên trong lịch sử có thể hiến một quả thận tươi sống: ý nghĩa đột phá đối với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 4.

Được biết, Martinez nhiễm HIV từ khi còn là trẻ sơ sinh. Khi đó, Martinez và chị gái song sinh đã bị sinh non và mắc chứng thiếu máu. Martinez được chuyển đến một bệnh viện tại San Francisco để truyền máu. Tình huống quá cấp bách, cô truyền máu chưa qua xét nghiệm, và thật không may đó là máu của một bệnh nhân HIV.

Kể từ đó, cuộc sống của Martinez bị thay đổi hoàn toàn. Khi đi học, cô bị theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không lây nhiễm cho trẻ em khác. Người giúp việc biết Martinez nhiễm HIV thì lập tức bỏ trốn, không kịp thu dọn đồ đạc.

Thậm chí cô từng nghe thấy một giáo viên bình luận: "Tại sao phải dạy con bé bằng tiền của chính phủ, trong khi đằng nào nó chả chết?"

Hiện tại, sức khỏe của cô gần như giống với người thường, với nồng độ virus ở mức "không thể xác định".

"Sức khỏe cô ấy rất tốt, căn bệnh HIV đã được kiểm soát. Hệ miễn dịch gần như hoạt động bình thường," - Christine Durand, phó giáo sư y tế của ĐH Johns Hopkins, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.

"Tôi thực sự rất vui vì có thể mang câu chuyện này đến cho mọi người. Những người như chúng tôi cần xốc lại tinh thần," - Martinez chia sẻ.

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM