Vì sao một số startup Việt vẫn gọi vốn được hàng tỷ đồng giữa bối cảnh khủng hoảng vì Covid-19?
Dù Covid-19 gây nên những "vết sẹo lớn" cho doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu, song đây là thời điểm để các startup "kỳ lân" được sinh ra. Vậy những yếu tố nào giúp startup thành công gọi vốn để "vượt bão" trong thời điểm này?
Nền kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề và biến động khó lường vì đại dịch Covid-19. Thất nghiệp đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản thì các startup Việt như Wee Digital, OKXE Việt Nam, hay Riviu vẫn nhận được hàng tỷ đồng vốn từ các nhà đầu tư. Những hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cũng được đẩy mạnh, đổi mới và sáng tạo trong mùa Covid-19.
Dịch chồng dịch và câu chuyện "lội ngược dòng"
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nền kinh tế toàn cầu cần một thời gian khá dài, để khắc phục những tổn thương do Covid-19 gây ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, kịch bản nền kinh tế thế giới trở nên ảm đạm hơn bao giờ và đặt các doanh nghiệp vào tình thế lao đao "được ăn cả, ngã về không".
Wee Digital với định hướng kinh doanh "hợp thời" về đồng tiền trực tuyến giữa tình trạng cách ly và giữ khoảng cách an toàn xã hội khi hướng đến mục tiêu thay đổi hành vi giao dịch vi mô của Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, nơi danh tính kỹ thuật số có thể xác minh và xác thực các giao dịch.
Hay trường hợp gọi vốn thành công 5,5 triệu USD (hơn 127 tỷ đồng) cho vòng gọi vốn Serie A của OKXE Việt Nam, một nền tảng đầu tiên dành riêng cho thị trường xe máy cũ tại Việt Nam, cũng là ví dụ điển hình cho startup bứt phá khi tiếp cận với cách tư duy mới và nắm bắt cơ hội trong lúc thị trường đang gặp khó khăn. Đây cũng là ứng dụng đầu tiên áp dụng xu hướng công nghệ AI và Big Data nhằm mang lại một môi trường mua bán an toàn và uy tín cho cả người mua lẫn người bán.
Khi lệnh phong tỏa và cách ly xã hội được ban hành để ngăn chặn Covid-19 lây lan, các ngành như nhà hàng và khách sạn đã phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì tình thế chật vật và khó khăn khi di chuyển, nhu cầu về một nền tảng đánh giá ẩm thực và đời sống được tăng cao và Riviu, một startup giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và nhận xét đánh giá của hơn 120.000 nhà hàng, khách sạn và dịch vụ khác nhau, đã nhận được 3,6 triệu USD vốn đầu tư giữa tâm dịch.
"Giai đoạn Covid ở một khía cạnh nào đó lại mở ra khá nhiều cơ hội, các lĩnh vực có khả năng phục hồi cao như chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, giáo dục và học tập trực tuyến, bếp trung tâm (cloud kitchen) cho các dịch vụ giao nhận thức ăn, logistics và giao hàng chặng cuối.
Các công ty có thể hưởng lợi từ việc khởi nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng này nhờ vào chi phí kinh doanh bỏ ra thấp: giá thuê mặt bằng rẻ và dễ dàng chiêu mộ được nhân tài với mức lương hợp lý.
Trên thực tế, không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để các startup học cách thích nghi và xoay chuyển doanh nghiệp của mình bằng cách bồi dưỡng năng lực để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Quá trình này sẽ giúp các công ty khởi nghiệp phục hồi nhanh hơn các công ty đối thủ.
Trong đó, chúng ta có thể tập trung vào việc nuôi dưỡng năng lực cốt lõi của tập thể, nhằm tự động hóa được càng nhiều công đoạn càng tốt. Đồng thời, các công ty khởi nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội này để xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nhà đầu tư, những người sẵn sàng đồng hành cùng các bạn trong giai đoạn này", ông Lim Boon Chow - Phó Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp NTUitive – Đại diện NINJA Accelerator, cho hay.
Tìm lời giải cho biến số Covid-19 và bài toán kinh doanh trong tương lai
Mô hình kinh doanh đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Startup nên gọi vốn nhỏ nếu đang ở giai đoạn đầu chưa định hình được mô hình; nếu đã có mô hình kinh doanh – thu về lợi nhuận thì gọi số vốn lớn hơn. Chọn đúng mô hình kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn là yếu tố đầu tiên cho bài toán huy động vốn thành công.
Ông Ngô Anh Ngọc - Founder and CEO of Babuki Consulting
Ông Ngô Anh Ngọc - Founder and CEO of Babuki Consulting phân tích: "Thông thường, các nhà sáng lập sẽ ưu tiên huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (quỹ đầu tư liên doanh). Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng/dịch bệnh Covid 19, với sự hạn chế trong việc di chuyển giữa các quốc gia, cơ hội để các nhà sáng lập có cơ hội gặp mặt trực tiếp với các nhà đầu tư là tương đối hiếm xảy ra.
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường kinh doanh gặp nhiều biến động, nhiều nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trong quá trình phân tích, đánh giá tiềm năng của các startup. Do đó, quá trình thẩm định và đưa ra quyết định đầu tư thường mất nhiều thời gian.
Trong khoảng thời gian này, các công ty khởi nghiệp được khuyến khích làm việc với các nhà đầu tư đã hợp tác trực tiếp trước đó hay các nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, các nhà sáng lập cũng cần tìm đến các nguồn đầu tư mà có thể tiếp cận nhanh chóng như các nhà đầu tư "thiên thần", các chương trình vườn ươm hay các chương trình hỗ trợ.
Về phần các chương trình bảo trợ/ vườn ươm, chúng thường có xu hướng được thiết lập cho các doanh nghiệp hạt giống có tiềm năng tăng trưởng cao. Thông thường, chúng dành cho các doanh nghiệp đang ở giai đoạn chứng minh về tính khả thi của các ý tưởng niệm thay vì giai đoạn tạo ra doanh thu".
Tham gia vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp như NINJA Accelerator cũng là một giải pháp tìm vốn mà các startup có thể cân nhắc. NINJA Accelerator do JICA Nhật Bản khởi xướng và trường Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) triển khai thực hiện, kết hợp cùng 3 tổ chức vườn ươm uy tín tại TP. HCM (Việt Nam) là Saigon Innovation Hub (SIHUB), Information Technology Park (ITP) và SHTP Incubation Center (SHTP-IC). Những cái tên này đã chứng minh được mạng lưới cố vấn, nhà đầu tư đi kèm cơ hội cho các startup tham gia.
Cụ thể, chương trình này tìm kiếm các startup có những giải pháp sáng tạo phù hợp với cá mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN SDGs), gồm: xoá đói giảm nghèo, sức khỏe và hạnh phúc, giáo dục chất lượng, năng lượng sạch và giá rẻ, công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng, cuối cùng là hành động vì khí hậu.
Ban tổ chức sẽ chọn 30 nhóm khởi nghiệp để hỗ trợ. Trong vòng 3 tháng từ trung tuần tháng 1/2021, các startup được chọn sẽ được các chuyên gia tư vấn, kết nối với các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm, hình thành ý tưởng kinh doanh và kiểm chứng các ý tưởng đó. Tại sự kiện DemoDay, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2021, chương trình sẽ kêu gọi các đơn vị hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, Nhật Bản, Singapore góp vốn đầu tư nhằm mở rộng kinh doanh và triển khai dự án sang các nước lân cận.
Điểm đặc biệt là chương trình này không ràng buộc vốn sở hữu của các startup tham gia vốn đang ở giai đoạn đầu, nguồn kinh phí còn vô cùng eo hẹp. Chương trình kéo dài 3 tháng này sẽ trang bị cho các công ty khởi nghiệp những kiến thức cần thiết cũng như các kỹ năng.
Các startup có thể tham gia vào các chương trình tăng tốc như NINJA để tận dụng được các nguồn lực trong Covid-19.
Một vài thách thức chính với những startup chính là thiếu sự cố vấn, tìm kiếm người đồng sáng lập và nhóm phù hợp, cũng như hiểu được tâm tư của các nhà đầu tư để tìm nguồn tài trợ. Nếu không có sự hướng dẫn và hỗ trợ của người cố vấn, các startup sẽ phải dành trung bình 18 tháng để tìm ra sản phẩm phù hợp với thị trường cho ý tưởng của họ. Điều này dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên và không tận dụng được sự thay đổi của xu hướng thị trường.
Những rủi ro và hạn chế này có thể được giảm thiểu khi tiếp cận với nhóm cố vấn tận tâm bao gồm các chuyên gia trong ngành và những doanh nhân dày dặn kinh nghiệm tại các chương trình tăng tốc khởi nghiệp.
"Khả năng phạm phải sai lầm là rất nhỏ so với những gì chúng ta có thể học hỏi được. Startup sẽ nhận được sự cố vấn tốt nhất từ các chuyên gia nên hãy tự tin với ý tưởng của mình. Bạn được sống hết mình và mang giải pháp giúp xã hội tốt đẹp hơn, tại sao lại không thử sức?", Cris D. Tran, Giám đốc khu vực và Giám đốc Điều hành của Infinity Blockchain Ventures (IBV), cổ vũ.