Chứng khoán VN phá đỉnh 8 năm, nhưng vẫn chỉ nằm top dưới trong nhóm các thị trường sơ khai
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở top dưới, với khoảng cách khá xa so với nhiều nước cùng xếp hạng thị trường mới nổi (frontier) và so với nhiều nước trong khu vực.
Bất cứ ai đang theo dõi tin tức kinh tế cũng có thể cảm nhận được sức nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi mỗi ngày giao dịch kết thúc, VN-Index lại tăng lên một mức đỉnh mới: đỉnh 1 năm, đỉnh 2 năm, rồi đỉnh 8 năm.
Sự hưng phấn tràn ngập thị trường cùng với dòng tiền đổ vào ào ạt, dường như mua cổ phiếu nào cũng thắng.
Từ đầu năm đến nay, không thể phủ nhận rằng chứng khoán chính là kênh đầu tư sinh lời nhất. Sau khi vượt mốc 640 điểm, thị trường chứng khoán đã trở nên hấp dẫn gấp bội.
Trong khi dòng vốn ngoại rót vào không mạnh, các chuyên gia đều nhận định rằng dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện tại là dòng tiền của khối nội.
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán thì tín dụng cho kênh bất động sản và cho vay sản xuất kinh doanh có phần chậm lại là những nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán.
Thêm vào đó, việc một tài khoản được mua bán đồng thời một loại chứng khoán áp dụng từ 1/7 theo thông tư 203 cũng khiến nhà đầu tư có thêm cơ hội và đẩy thanh khoản thị trường lên.
Trong khi sức nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay đang có dấu hiệu gia tăng, thì trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở top dưới, với khoảng cách khá xa so với nhiều nước cùng xếp hạng thị trường mới nổi (frontier) và so với nhiều nước trong khu vực.
Nhận định này được đưa ra trong báo cáo “Cơ hội nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi - MSCI” mới được công bố bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (Baoviet Securities), dựa trên những xếp hạng các tiêu chí của công ty MSCI.
Theo đó, báo cáo đã dẫn lại xếp hạng của MSCI với các thị trường các nước là điển hình thuộc 3 nhóm chính: thị trường phát triển (developed), thị trường mới nổi (emerging) và thị trường sơ khai (frontier). Các nước này bao gồm có Singapore, Qatar, UAE, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Argentina, Bangladesh và Việt Nam. Đặc biệt, trong nhóm thị trường sơ khai, bao gồm 3 nước Argentina, Bangladesh, Việt Nam thì chỉ duy nhất có Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ở lại nhóm xếp hạng thấp nhất này vào năm sau, khi mà 2 quốc gia còn lại sẽ chính thức được nâng hạng vào tháng 6/2017.
Với 18 tiêu chí được mang ra xếp hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức “đạt yêu cầu” với 5 tiêu chí, ở mức “không có vấn đề lớn, cần cải thiện” với 2 tiêu chí và ở mức “cần phải cải thiện” với tận tới 10 tiêu chí (MSCI không xếp hạng tiêu chí “môi trường cạnh tranh” cho Việt Nam).
Các tiêu chí mà thị trường Việt Nam thỏa mãn yêu cầu có thể kể đến như “quy định về điều kiện với nhà đầu tư”, “sự thuận tiện trong đăng ký, lưu ký, giao dịch” hay “tính ổn định của khung thể chế”. Trong khi đó, nổi cộm lên những tiêu chí “cần cải thiện” là “mức độ tự do trên thị trường ngoại hối”, “cho vay chứng khoán” hay “bán khống”.
Baoviet Securities nhận định rằng đây là các tiêu chí sẽ khó được khắc phục đặc biệt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các nước trong khu vực trong bảng xếp hạng này như Thái Lan, Indonesia, Philippines đều đạt khoảng 10 tiêu chí “đạt yêu cầu” và số tiêu chí “không có vần đề lớn, cần cải thiện” là từ 3-8 tiêu chí, vượt xa Việt Nam. Cá biệt, thị trường Singapore dẫ đầu Đông Nam Á khi đáp ứng đủ cả 18 tiêu chí của MSCI.
Không chỉ thua kém thị trường top trên, ngay cả khi so sánh với các thị trường cùng hạng như Bangladesh hay Argentina, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa khi có tới 10 tiêu chí đang ở mức “cần phải cải thiện”. Đồng thời, số tiêu chí “cần phải cải thiện” này của Việt Nam cũng là cao nhất trong 8 nước.
Với những xếp hạng này, MSCI vẫn đang đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức còn khá yếu, với nhiều vấn đề còn cần khắc phục, và khó để sớm được xem xét nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Như vậy, có thể nói, nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) để đưa chứng khoán Việt Nam vào chỉ số MSCI (được thăng hạng lên cấp thị trường mới nổi) cho đến thời điểm này vẫn chưa mạng lại hiệu quả.
Cách đây 2 năm, vào khoảng tháng 10/2014, ông Nguyễn Sơn, chủ tịch SSC, trong lần phỏng vấn với Bloomberg đã từng đề cập đến chuyện cơ quan này đã thành lập một nhóm chuyên trách để nghiên cứu các điều kiện nâng cấp phân loại cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Mục tiêu của việc được vào chỉ số MSCI theo ông là để tăng cường dòng vốn ngoại giải ngân vào chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, với những xếp hạng mới đây của MSCI và việc 2 nước cùng hạng với Việt Nam là Bangladesh và Argentina, nhưng đã sớm có những nỗ lực để cải thiện thị trường, sẽ được nâng hạng vào tận giữa năm sau 2017 thì có vẻ như ngày chứng khoán Việt Nam được đổi hạng vẫn còn khá xa.
Ngoài ra, trong các tiêu chí nhận định cho Việt Nam, MSCI cũng chỉ ra một số vấn đề chính của chứng khoán Việt Nam như nghị định 60 chưa được làm rõ, thông tin tất cả doanh nghiệp chưa được viết bằng Tiếng Anh, thiếu trung tâm thanh toán độc lập hay việc bị hạn chế giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng trong nhiều trường hợp bị giới hạn….
Việc đưa thị trường Việt Nam vào MSCI được xem là một phần trong kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán. Từ quan sát các thị trường các nước khác trong lịch sử, có thể khẳng định việc được MSCI nâng hạng đã luôn tạo ra một cơ hội lớn cho chứng khoán các nước này tăng điểm mạnh mẽ.
Có thể kể đến thị trường chứng khoán Quatar và UAE đã tăng ít nhất 38% trong 12 tháng sau khi MSCI tuyên bố vào tháng 6/2013 rằng các thị trường sẽ được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Sau gần 1 năm rưỡi công bố thăng hạng, chỉ số ADX General Index của UAE đã tăng 43% trong khi chỉ số DFM General Index của UAE đã tăng gấp đôi.