Chứng khoán Rồng Việt: Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng
Báo cáo chuyên đề vĩ mô tháng 9 của công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định nền kinh tế vẫn chịu sự chi phối bởi tín dụng ngân hàng như Viêt Nam. Từ đó dẫn tới gia tăng những rủi ro tiềm ẩn.
Kể từ khi cuộc cải cách "Đổi Mới" diễn ra, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã trải qua ba chu kỳ kinh tế: 1989-2000, 2001-2011 và 2012-hiện tại. Trong chu kỳ kinh tế đầu tiên, nền kinh tế được hưởng lợi từ cuộc cải cách "Đổi mới" bao gồm nhiều biện pháp để tạo thuận lợi cho việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang 'nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa'. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997/1998 đã làm ngắt quãng giai đoạn tăng trưởng đó.
Chu kỳ kinh tế thứ hai diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hóa với dấu mốc năm 2007 khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là các thách thức. Nền kinh tế trở nên nhạy cảm và dễ bị thương tổn hơn trước những rủi ro từ bên ngoài do sự bất ổn tài chính nội tại và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Tăng trưởng tín dụng giữ ở mức hai con số và các gói kích cầu khác nhau chỉ có một số tác động nhất định tới nền kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Nền kinh tế chỉ hồi phục mạnh mẽ hơn từ năm 2012.
Chu kỳ kinh tế thứ ba chứng kiến những thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế. Tiêu dùng trong nước chiếm gần 70% GDP. Chiến lược khai thác thị trường tiêu dùng nội địa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Trong khi đó, đầu tư khu vực tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ. Nếu như các dự án FDI quy mô lớn nắm vai trò chủ đạo từ năm 2014 thì hiện nay các tập đoàn tư nhân lớn trong nước cũng đang mạnh tay đầu tư vào khu vực sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu. Những dự án này sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong 2 năm tới.
Tăng trưởng GDP và các chỉ số khác.
Từ phương diện tổng cung, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nhờ chiếc cầu nối được dựng xây bởi các doanh nghiệp FDI, nổi bật là các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Formosa, dự án sản xuất thép tỷ đô, bắt đầu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa ghi nhận những thay đổi đáng kể và dòng vốn tín dụng vẫn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Điều này hàm ý tăng trưởng tín dụng nhanh hay chậm sẽ xác định quỹ đạo chuyển động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nội địa vẫn phụ thuộc vào dòng vốn từ khu vực ngân hàng khi thị trường tài chính nhìn chung còn kém phát triển. Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận mối tương quan dương giữa tăng trưởng cung tiền (M2) và tăng trưởng vốn đầu tư bình quân.