Chứng khoán 'dọa' thủng mốc 900 điểm, lập tức xuất hiện dòng tiền 'vợt' cổ phiếu rớt giá

16/11/2022 13:51 PM | Kinh doanh

"Tôi không bình tĩnh nổi nữa", anh N.M.Hải (nhà đầu tư) bày tỏ cảm xúc khi thị trường chứng khoán giảm hơn 38 điểm ngay lúc mở phiên hôm nay. Đáng chú ý, giữa lúc sàn giao dịch đỏ lửa, xuất hiện dòng tiền đổ vào 'vợt' cổ phiếu rớt giá.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài mua ròng, ngược chiều bán tháo của nhà đầu tư trong nước - Ảnh: B.MAI
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài mua ròng, ngược chiều bán tháo của nhà đầu tư trong nước - Ảnh: B.MAI

p lực bán tháo chưa dừng lại trên thị trường chứng khoán. Dòng tiền liên tục rút ra khiến chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng giao dịch đầu ngày 16-11 đã có tới 240 mã nằm sàn xanh lơ.

Mới vừa mở phiên, chỉ số chứng khoán VN-Index cũng lập tức giảm một mạch gần 38 điểm, lùi về mốc 874 điểm, sau đó tiếp tục giằng co trong sắc đỏ. Lần gần nhất chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM giao dịch quanh mốc này là vào tháng 8-2020.

" Không biết mọi người ra sao, chứ tôi không bình tĩnh nổi nữa rồi", anh N.M.Hải (nhà đầu tư) bày tỏ cảm xúc khi chứng kiến thị trường chứng khoán lao dốc, tài khoản bị lỗ gần 350 triệu đồng.

Đáng chú ý, nhờ dòng tiền đổ vào 'vợt' cổ phiếu rớt giá, từ mốc giảm sâu 874 điểm VN-Index có lúc nhảy vọt lên hơn 920 điểm (+46 điểm). Dù vậy, nhân lúc thị trường hồi phục, lượng cổ phiếu bán tháo tiếp tục được đổ ra khiến thị trường tiếp tục bị nhấm chìm trong sắc đỏ, sau đó hai bên cung - cầu liên tục giằng co.

Hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng bị rớt giá đang kéo thị trường đi xuống. Top những cổ phiếu ngành hàng gây tác động tiêu cực lên chỉ số chung phải kể đến VCB (Vietcombank), VPB (VPBank), CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)...

Song song đó, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn khác như VNM (Vinamilk), MWG (Thế giới di động), FPT (FPT)... cũng bị nhà đầu tư bán ra mạnh.

Tình trạng bị nhà đầu tư bán tháo vẫn diễn ra ở các cổ phiếu ngành bất động sản như VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), DXG (Đất Xanh), DIG (Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng)...

Dù vậy, thị trường được kìm hãm phần nào đà giảm nhờ cổ phiếu VIC (Vingroup), GAS (PetroVietnam Gas), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), VFG (Khử trùng Việt Nam), TMS (Transimex)... vẫn còn bám trụ với sắc xanh tăng trưởng.

Nhìn vào chỉ số ngành có thể thấy toàn bộ lĩnh vực đều bị âm từ 2% đến gần 7%, trong đó giảm thấp nhất là ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (-2%), giảm sâu nhất rơi vào ngành năng lượng (-6,6%). Các ngành còn lại đều bị rớt từ 2% trở lên.

Trong lúc nhà đầu tư trong nước liên tục bán tháo, khối ngoại vẫn miệt mài mua ròng tám phiên liền.

Chứng khoán dọa thủng mốc 900 điểm, lập tức xuất hiện dòng tiền vợt cổ phiếu rớt giá - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn chưa thoát khỏi cảnh nằm sàn xanh lơ, trong khi một vài mã đã có chuyển biến tích cực hơn - Ảnh chụp màn hình

"Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong vài phiên tới. Áp lực bán giải chấp gia tăng ở nhóm cổ phiếu bất động sản và ảnh hưởng lan rộng ra các nhóm cổ phiếu khác là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index liên tục lao dốc và phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, mặc dù thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán", đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Theo Yuanta, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm, nhưng thị trường có thể sẽ chưa xác lập vùng cân bằng trong giai đoạn này. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế mua mới trong giai đoạn này, hoặc chỉ mua vào khi thị trường có điểm xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn.

Về góc nhìn kỹ thuật, phía chứng khoán các chỉ báo vẫn đang hướng xuống tiêu cực nên chưa thể khẳng định VN-Index sẽ nhanh chóng tạo đáy. Tuy nhiên, nếu lực cầu quay trở lại, chỉ số này có thể sẽ tạo được điểm cân bằng quanh khu vực 900 điểm.

Đội ngũ phân tích của Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong bối cảnh này việc chỉ số VN-Index "hạ cánh" ở vùng nào không quan trọng bằng nhu cầu thanh khoản lúc này, các nhịp hồi luôn bị chìm trong áp lực thoát ra do lo sợ cổ phiếu có thể dư bán giá sàn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tín hiệu quan trọng để xác định tín hiệu của thị trường, chừng nào nhóm cổ phiếu này có lực cầu "quét" hết lượng bán giá sàn thì thị trường mới có cơ hội để hồi phục.

Hiện tại nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin (vay ký quỹ), đứng ngoài quan sát và c hờ đợi diễn biến tích cực hơn.

Theo Bông Mai

Cùng chuyên mục
XEM