Chứng "bận rộn ảo" khiến công việc ngày càng sa sút, hàng triệu người mắc phải…

22/01/2022 16:08 PM | Sống

Đừng lầm tưởng bận rộn là thước đo của sự thành công

Ai cũng biết chúng ta đang sống trong một thế giới mà mỗi người đều bị kích thích quá mức. Người ta tôn thờ sự bận rộn và nhanh chóng. Sự tự tôn không chỉ thể hiện qua thành tích của cá nhân mà còn bởi liệu bạn có bận rộn hay không, cảm thấy căng thẳng vì công việc không. Lạ kì là việc bận rộn hơn, cảm thấy căng thẳng vì công việc khiến bạn trông giống người thành công hơn. Trong khi, chậm lại và thư thả lại là điều không ai mong muốn trong cuộc cách mạng 4.0 này.

Bạn có đang mắc chứng bận rộn ảo: căn bệnh thế kỉ khiến công việc của bạn ngày càng sa sút - Ảnh 1.

Thật đáng buồn là ai cũng nghĩ bận rộn đồng nghĩa với làm việc hiệu quả; và việc chậm lại khiến bạn trông thật chậm chạp và thiếu hiệu quả. “Chúng ta ngày nay sợ phải dừng lại để suy nghĩ cho kĩ càng, cứ liên tục thúc bản thân phải tiến về phía trước. Chúng ta coi trọng lượng hơn là chất, coi trọng các quyết định nhanh chóng hơn là những quyết định đúng đắn. Chúng ta cứ bận rộn ép buộc bản thân phải làm mọi việc khẩn cấp càng nhanh càng tốt, trong khi lại không dành thời gian để nghĩ xem việc này có thực sự hữu ích và quan trọng không?”, bà Julia Paulette Hollenbery, tác giả sách The Healing Power of Pleasure: Seven Medicines for Rediscovering the Innate Joy of Being chia sẻ.

Dừng lại để đi tiếp: Những khoảng dừng để làm việc hiệu quả hơn

Thay vì cố gắng gò ép bản thân với một lịch trình dày đặc chóng mặt, lời khuyên cho bạn là nên tạm dừng công việc trong thời gian ngắn để cải thiện hiệu quả của mình (Productive Pausing). Thời gian tạm dừng có thể chỉ kéo dài vài giây, vài phút hoặc 15 phút. Trong lúc nghỉ này, bạn có thể chỉ cần ngồi yên lặng, hoặc có một giấc ngủ ngắn, hay ăn nhẹ, đi tắm, tập thể dục hoặc đi bộ trong thiên nhiên.

“Câu hỏi đặt ra là bạn cần bao nhiêu thời gian tại nơi làm việc để thực sự trở nên hiệu quả?” nhà văn Hollenbery thắc mắc. "Cần 100% không? 99%? 98%? 95% Hoặc có thể 85%? Khi bạn ngừng làm việc trong giây lát, bạn đang cải thiện chính năng lực của mình, dứt ra khỏi sự tù mù với trở về với chính bản thân mình”.

Sự thật là mọi thứ trong tự nhiên đều có lúc tạm dừng. “Bạn không phải là cái máy. Tạm dừng sẽ giúp bạn dứt ra khỏi thói quen phản tự nhiên là làm việc liên tục. Đây là một hành động nhỏ nhưng có võ để giúp cải thiện sự tập trung và năng lượng khi làm việc”.

Bạn có đang mắc chứng bận rộn ảo: căn bệnh thế kỉ khiến công việc của bạn ngày càng sa sút - Ảnh 2.

6 bước để “nhanh hơn” bằng cách “chậm lại”

1. Ghi nhớ là bản thân cần phải bỏ đi thói quen làm việc liên tục một cách vô thức

2. Lắng nghe bản thân và tôn trọng cơ thể, tâm trạng và nhu cầu của bạn. “Đừng phớt lờ bản thân,” Hollenbery khuyên. Nếu bạn cảm thấy có tiếng gọi từ bên trong thôi thúc, hãy ăn gì đó, nghỉ ngơi. “Nếu bạn cảm thấy buồn chán, có thể ra ngoài đi dạo hoặc hát một bài hát và khiêu vũ,” cô nói thêm. “Hoặc chỉ cần pha một tách trà và trò chuyện. Cơ thể của bạn biết điều gì là tốt nhất cho bạn và đang thúc đẩy bạn đi đúng hướng".

3. Sau đó tạm dừng và không làm gì cả. “Ví dụ, khi bạn đến một cuộc họp, hãy tạm dừng một chút trước khi tiếp tục. Chờ một chút trước khi trả lời điện thoại, email hoặc tin nhắn”. Nếu làm được điều này là bạn đang thiền rồi đó.

4. Hãy quan sát cơ thể, cánh tay và chân, bụng và lưng, sự tiếp chạm của bàn chân trên mặt đất và trên ghế. “Bạn nhận thấy điều gì?"

5. Cảm nhận hơi thở vào và ra. “Hãy để ý đến cảm xúc của bạn, có thể là sự thất vọng, buồn bã hay điều gì khác? Bản thân bạn cần gì?”

6. Hãy tận hưởng thời khắc hiện tại và chánh niệm. Từ khoảng dừng đó, hãy tìm cho mình một niềm vui nho nhỏ. “Bạn được quyền vui với chính mình, bất kể điều gì đang xảy ra với đồng nghiệp, thời hạn, khách hàng hay công ty”.

Dừng lại giúp giảm căng thẳng và giúp bạn chấp nhận bản thân, tự tin hơn. Nó giúp bạn đánh giá công việc và nhìn nhận liệu mọi thứ mình đang cố gắng làm có ý nghĩa và hiệu quả không. Không nhất thiết là trong công việc, hãy tạm dừng bất cứ ở đâu, khi nào, với ai và nhận thấy sự hữu ích của nó.

Nguồn: Fast Company

Thu Ngân

Cùng chuyên mục
XEM