Chưa vào mùa báo cáo tài chính, nhiều “đại gia” trên sàn chứng khoán đã báo lãi quý 4 giảm mạnh, thậm chí lỗ nặng
Mặt bằng lãi suất cao phần nào đã ăn mòn đáng kể lợi nhuận của các doanh nghiệp, đặc biệt là những cái tên có nợ ròng cao. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hàng hóa cũng đã bước qua đỉnh chu kỳ.
Mùa báo cáo tài chính quý 4/2022 chưa bước vào cao điểm nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán đã công bố số liệu ước tính với kết quả lợi nhuận không mấy khả quan.
Đầu tiên phải kể đến “anh cả” ngành khí PV Gas (mã GAS) khi ước tính lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 chỉ đạt gần 1.600 đồng giảm khoảng 22% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ quý 3/2016. Dù vậy, kết quả kinh doanh lũy kế cả năm 2022 của tổng công ty vẫn ghi nhận khả quan với doanh thu trên 100.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi hoạt động và lãi ròng ước đạt trên 13.300 tỷ đồng, tăng 53% so với thực hiện năm 2021.
Trong năm 2022, PV Gas đã cung cấp trên 7,7 tỷ m3 khí khô, tăng 8% so với năm 2021 (đạt 90% bao gồm phần bán cho Petronas). Tổng công ty đạt sản lượng condensate trên 100.000 tấn, bằng 155% kế hoạch và sản lượng LPG kinh doanh đạt trên 2 triệu tấn, bằng 118% kế hoạch. Với kết quả đó, PV Gas tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất trên 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước, thị phần bán lẻ LPG chiếm 11% (chưa bao gồm Gas South).
Một “đại gia” ngành dầu khí khác là Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2022 với doanh thu ước đạt 165.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 12.176 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 82% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ước tính trên đồng nghĩa với việc BSR sẽ lỗ sau thuế quý 4 khoảng 723 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi tới 2.675 tỷ đồng. Nếu ước tính chính xác, đây cũng sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất của BSR kể từ quý 2 năm 2020.
Doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng ước đạt kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2022 với doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thực hiện năm 2021. Dù vậy, tăng trưởng chủ yếu nhờ lãi lớn 9 tháng đầu năm trong khi lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 chỉ ước đạt 1.031 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh kết quả lũy kế cả năm vẫn khả quan, cổ đông Đạm Phú Mỹ đã thông qua việc nâng mức cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 từ 50% lên 70% (01 cổ phiếu nhận 7.000 đồng). Tổng số tiền dự chi gần 2.800 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được Ban điều hành Đạm Phú Mỹ dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.
Cũng ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong 5 quý, Cảng hàng không (mã ACV) ước đạt khoảng 306 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh lũy kế cả năm 2022 vẫn khả quan với doanh thu ước đạt 15.381 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.561 tỷ đồng, gấp 7,6 lần thực hiện năm ngoái.
Năm 2023, ACV đặt kế hoạch kinh doanh lạc quan với mục tiêu tổng sản lượng phục vụ đạt 116 triệu khách, tăng 18% so với cùng kỳ, tổng sản lượng phục vụ hàng hóa 1,6 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ và tổng sản lượng hạ cất cánh 768.000 lượt chuyến, tăng 17% so với năm 2022. Tương ứng tổng doanh thu kế hoạch dự kiến 18.414 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.448 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 11% so với thực hiện năm 2022.
Cần lưu ý rằng, những con số trên chỉ là ước tính của doanh nghiệp và với đặc thù có yếu tố Nhà nước số liệu chính thức có thể sẽ có thay đổi nhất định. Ngoài những cái tên kể trên, tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp tư nhân lớn cũng gặp không ít khó khăn.
Điển hình như Thế Giới Di Động (mã MWG) khi với doanh thu tháng 11, đạt khoảng 9.971 tỷ đồng, giảm 13% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 67% so với cùng kỳ, xuống mức 159 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Lũy kế 11 tháng, lãi ròng của MWG giảm 9% xuống gần 4.000 tỷ đồng qua đó thực hiện 63% mục tiêu cả năm.
Trước đó, một số công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp thép như Hòa Phát (mã HPG) và Hoa Sen Group (mã HSG) với kết quả không mấy sáng sủa.
Cụ thể, KIS đã hạ 23% dự báo doanh thu và 66% dự báo về lợi nhuận ròng của Hòa Phát so với ước tính trước đó, lần lượt xuống mức 137.400 tỷ đồng và 10.600 tỷ đồng, tương ứng giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục của năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc KIS dự phóng lãi ròng quý 4 của “anh cả” ngành thép chỉ đạt chưa đến 160 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ.
Kém khả quan hơn, VDSC dự phóng doanh thu quý 1/2022-23 (từ ngày 1/10/2022 đến 31/12/2022) của Hoa Sen Group sẽ đạt 7.077 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ được dự báo có thể âm 982 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 638 tỷ đồng. Nếu dự báo của VDSC thành hiện thực, Hoa Sen Group sẽ có quý thứ 2 liên tiếp lỗ nặng.
Mặt bằng lãi suất cao phần nào đã ăn mòn đáng kể lợi nhuận của các doanh nghiệp, đặc biệt là những cái tên có nợ ròng cao. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cũng gián tiếp làm giảm nhu cầu tiêu dùng qua đó ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hàng hóa cũng đã bước qua đỉnh chu kỳ và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý 4 cũng đã được dự báo từ trước.