Chưa kịp 'Make America Great Again', Donald Trump đã sắp thua Trung Quốc trong lĩnh vực này
Lâu nay, Hoa Kỳ vẫn luôn là quốc gia đi đầu trong các chiến dịch về vấn đề ấm lên toàn cầu. Nhưng nếu ông Donald Trump thực hiện theo "kim chỉ nam" đã từng đề ra trong chiến dịch tranh cử, vị trí đó chắc chắn sẽ bị lung lay.
Cụ thể, ông Donald Trump đã hứa sẽ thay đổi các vấn đề liên quan đến khí hậu trong nước, cũng như quốc tế. Đó là sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris và thay đổi các quy định về khí hậu trong nước của nguyên tổng thống Obama.
Như vậy, Trái đất sẽ phải nhận thêm hàng tỷ tấn khí thải carbon vì phía Mỹ từ chối xử lý.
Đây là hành động ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp tác quốc tế về khí hậu. Các đất nước đang phát triển, cụ thể là Ấn Độ buộc phải tìm một đối tác khác, khi họ chưa thể tự xử lí được vấn đề khí thải.
Nhưng nếu Trung Quốc và các nước khác có thể "mở rộng cửa" hơn trong vấn đề xử lý khí thải, thì đây sẽ là một động thái dễ thở hơn với toàn thế giới, khi tất cả đều thiếu đi một đối tác quan trọng là Mỹ.
Không thể chối cãi, vấn đề khí hậu đang trở thành mối lo của toàn cầu, sớm muộn gì các quốc gia khác cũng sẽ có những biện pháp thiết thực để cứu lấy toàn nhân loại.
Ông Donald Trump được cho là sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris
Liệu Trung Quốc có nhân cơ hội này mà tự mình thay đổi hình ảnh quốc tế của mình trong việc cải thiện vấn đề khí hậu toàn cầu?
Thực tế này rất có thể sẽ xảy ra, khi Bắc Kinh đang là nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của vấn đề khí hậu. Đã có lúc người dân nơi đây phải chìm trong một đám mây khỏi bụi dày đặc như sương mù.
Theo Reuters, trong một Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu, phó Giám đốc Trung tâm quốc gia về khí hậu Trung Quốc, ông Zou Ji từng cho biết, sẽ tăng gấp đôi trách nhiệm của mình về vấn đè này nếu như nước Mỹ rút lui.
"Trung Quốc sẽ chủ động thực hiện các hành động chống lại biến đổi khí hậu. Đó là một cách thay đổi hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế về vấn đề đạo đức".
"Nếu nước Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, tầm ảnh hưởng và tiếng nói của Trung Quốc sẽ được cải thiện, điều đó cũng nâng cao vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu".
Trước đó, các chuyên gia về khí hậu Trung Quốc cũng đã chỉ trích ông Donald Trump là thiếu khôn ngoan khi đưa ra các chính sách "độc tài". Họ cho rằng, ông Trump nên ban hành các chính sách phù hợp hơn với xu hướng toàn cầu.
Tất nhiên, chúng ta vẫn còn phải chờ xem, nước Mỹ và các quốc gia khác sẽ phản ứng thế nào nếu ông Trump nhậm chức và tiếp tục hành động theo hướng đó.
Liệu Trung Quốc có nhân cơ hội này mà tự mình thay đổi hình ảnh quốc tế của mình trong việc cải thiện vấn đề khí hậu toàn cầu?
Công bằng mà nói, phía Bắc Kinh cũng đã có những tuyên bố đầy tham vọng, bởi họ đã bước đầu thành công trong việc tái tạo năng lượng với quy mô lớn, cùng với đó là phát triển năng lượng sạch.
Theo thống kê năm 2015, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 32,5 GW công suất điện từ gió, được xem là kỉ lục thế giới. Cùng với đó là 43 GW công suất điện mặt trời, vượt xa so với tính toán ban đầu là 35 GW.
Trung Quốc đang đi đầu trong cam kết Paris về việc cắt giảm thải carbon ngành điện, dự kiến đạt 60% vào năm 2020.
Ông Paul Joffe từ Hội đồng chính sách đối ngoại cấp cao của Viện Tài nguyên thế giới cho hay: "Trung Quốc đang có những bước tiến khẳng định mục tiêu sử dụng năng lượng sạch của mình. Đó là những khởi đầu quan trọng khi các vấn đề ô nhiễm không khí đang gây ra ảnh hưởng, cũng như đe dọa tới an ninh năng lượng, chưa kể đến tác động lớn về khí hậu. Trung Quốc đang là đầu tàu trong lĩnh vực công nghệ sạch".
Một "ghế trống" cho vị trí dẫn đầu thế giới, dù là về vấn đề khí hậu, chắc hẳn Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua cơ hội này để chiếm lấy nó và vươn tới tương lai không khí thải carbon.