Chưa giàu đã lo già: Dân số Việt Nam đã già hoá hơn gần hết các quốc gia Đông Nam Á
Thu nhập bình quân người Việt năm 2015 ở mức 2.109 USD, chỉ tương đương 1/6 thu nhập của người Malaysia. Thế nhưng tốc độ già hóa của Việt Nam đã diễn ra cực nhanh, và thời kỳ dân số vàng của chúng ta đã sắp qua.
“Sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất chưa từng thấy trong lịch sử”, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố kết quả nghiên cứu về sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo Phát triển Con người khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP cho biết: Nếu như ở Châu Âu, phải mất hàng thế kỷ mới có được sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh, thì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ cần 30 năm để đạt được điều này.
Các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nếu không bắt đầu lên kế hoạch để tận dụng sự thay đổi về nhân khẩu học này, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư cho tương lai.
Vấn đề của Việt Nam là quá trình chuyển đổi từ dân số vàng sang già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh, trong khi thu nhập bình quân trên đầu người lại rất thấp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân người Việt năm 2015 ở mức 2.109 USD. Mức này chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân đầu người Malaysia – quốc gia có tốc độ già hóa đã bị Việt Nam vượt mặt.
Độ tuổi bình quân của lao động ở Việt Nam ở mức 30 tuổi, cao hơn so với độ tuổi bình quân của lao động của 7/10 quốc gia Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore và Thái Lan.
Nguồn: UNDP.
Điều này dẫn đến tỷ trọng thanh niên (dưới 25 tuổi) trong tổng dân số Việt Nam năm 2015 chỉ ở mức 40%, thua cả tỷ trọng của Malaysia và bị các đối thủ hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là Indonesia và Myanmar bỏ xa.
Ở Việt Nam, dấu hiệu già hóa dân số đã xuất hiện từ năm 2011. Thách thức với Việt Nam là tận dụng hiệu quả dân số vàng nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo đủ công ăn việc làm phổ thông và tiến tới những công việc tạo ra năng suất cao hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm làm tăng năng suất lao động. Già hóa chắc chắn sẽ tạo gánh nặng lên ngân sách nên Việt Nam cần có những giải pháp đối phó phù hợp.
Theo ông Thangavel Palanivel, tác giả chính của báo cáo: "Nếu một quốc gia có nhiều người trong độ tuổi lao động, có thể làm việc, tiết kiệm và nộp thuế thì quốc gia đó có tiềm năng chuyển đổi nền kinh tế và đẩy mạnh đầu tư cho y tế, giáo dục và xây dựng sự thịnh vượng trong tương lai".