Chủ tịch VINASME: 'Nói thị trường châu Âu khó tính là không đúng'

27/03/2021 06:23 AM | Xã hội

TS. Nguyễn Văn Thân nhận định, nói thị trường châu Âu khó tính là không đúng, bởi hai bên đã thỏa thuận và ký với nhau: "Như vậy, sản phẩm đủ tiêu chuẩn thì họ nhập, còn nếu không đủ tiêu chuẩn thì đương nhiên bên mua sẽ phải trả về".

Tại phiên thảo luận "Thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ EVFTA" diễn ra ngày 26/3, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) khẳng định, lực lượng doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam hiện nay rất đông đảo.

Chủ tịch VINASME: Nói thị trường châu Âu khó tính là không đúng  - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam

Cụ thể, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp thì gần 98% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ. Vậy EVFTA đã đem lại những cơ hội gì cho khối doanh nghiệp này?

"Chúng ta phải mất 10 năm mới đi đến ký kết một hiệp định, điều này cho thấy tầm quan trọng của hiệp định EVFTA này. Như vậy, hiện tại chúng ta chỉ cần nhập những sản phẩm mà chúng ta có, như nông, lâm, thủy sản, may mặc, hàng thiết bị điện tử nhỏ lẻ... và còn được miễn thuế, đó là cơ hội rất lớn", ông Thân nhấn mạnh.

Theo đại diện VINASME, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ cần đảm bảo chất lượng nguồn hàng, bởi châu Âu sẵn sàng trả với giá không hề thấp so với thị trường nội địa. Do vậy, để có thể tiến xa, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể "tiếc tiền" đầu tư vào công nghệ và đào tạo nguồn lực.

Bởi khi các doanh nghiệp không cải tạo công nghệ, việc bắt kịp với thị trường quốc tế sẽ ngày càng khó hơn, khoảng cách với các quốc gia trên toàn cầu sẽ ngày càng xa hơn. Ông Thân lấy ví dụ, khi các doanh nghiệp được khuyến khích số hoá, doanh nghiệp sẽ cần phải có lực lượng để thực hiện, bởi Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ một phần.

Bàn về hiệp định EVFTA, TS. Nguyễn Văn Thân cho hay, hiệp định đã thúc đẩy quá trình phát triển của Việt Nam với tốc độ đáng kể bởi những điều kiện logistics, điều kiện ký hợp đồng, điều kiện đàm phán... Bên cạnh đó, 27 nước châu Âu đang tập trung vào thị trường Việt Nam nhờ lợi thế về ổn định chính trị, chống dịch Covid-19 thành công...

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không đầu tư vào vấn đề thông tin thì sẽ không có hướng để làm. "Các doanh nghiệp cần phải biết nội dung của hiệp định là gì, ưu tiên mặt hàng nào, giảm thuế sản phẩm gì... Ít nhất cần phải có một tổng quan của hiệp định".

"Vấn đề này không thể đổ cho các hiệp hội, cũng không thể đổ cho Nhà nước, mà các khu vực cần phải đồng thời tìm hiểu, tiếp cận với luật và thông tư của Chính phủ nhanh chóng".

Ông Nguyễn Văn Thân kết luận, hai vấn đề quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chính là công nghệ và thông tin. "Nói thị trường châu Âu khó tính là không đúng, bởi hai bên đã thỏa thuận và ký với nhau rồi. Như vậy, sản phẩm đủ tiêu chuẩn thì họ nhập, còn nếu không đủ tiêu chuẩn thì đương nhiên bên mua sẽ phải trả về".

Hà Trần

Cùng chuyên mục
XEM