Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: "5 năm tới Việt Nam xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp"
5 năm tới Việt Nam nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.
Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra sáng nay 29/4, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp - DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trước thềm hội nghị này, VCCI đã có báo cáo gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành.
Theo đó, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN.
VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.
Theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm ngay:
Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.
Cụ thể, cộng đồng DN kiến nghị giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính; giảm lãi suất thực cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu-chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động.
Đồng thời, xem xét cải cách theo hướng cắt giảm thuế và phí, bỏ thuế khoán, thay vào đó là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh...
Thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.
Cộng đồng DN đề nghị, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới… cũngc cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.
Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, trong đó khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước với các FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay...
Cộng đồng DN cũng đề nghị xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương với DNNN, rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như DNNN.
Ngoài ra, thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển DN nhỏ và vừa; bảo đảm nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư không đồng thời là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến; đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường…