Chủ tịch VCCI hiến kế giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng "hai nền kinh tế trong một quốc gia”
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, tổ chức hôm 16/6, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nội lực yếu là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp Việt chưa tạo được mối liên kết với doanh nghiệp FDI.
Sau gần 30 năm luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, các doanh nghiệp FDI ngày càng chứng tỏ là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Với tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. FDI hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những ngành mà doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư.
“Tuy nhiên, có một thực trạng phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù con số này có sự cải thiện theo thời gian nhưng tốc độ còn chậm chạp.
Bên cạnh đó, liên kết dọc giữa các công ty trong nước với các doanh nghiệp FDI còn rất yếu. Chỉ có gần 27% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam; trong đó, một tỷ lệ đáng kể lại được mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.
Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn. Trong khi, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp lại ít có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.
Nguyên nhân được chủ tịch VCCI đưa ra là do 3 yếu tố: chất lượng nhân lực của người lao động, trình độ công nghệ; khả năng hấp thụ đầu tư của chính doanh nghiệp tư nhân trong nước và khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.
Để tăng mức độ kết nối giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Lộc nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI.
Nếu không có một lực lượng lao động chất lượng cao thì dù khoảng cách trình độ công nghệ không xa hay khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước có gần thế nào, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể học hỏi được công nghệ nói chung và công nghệ quản lý nói riêng của các doanh nghiệp FDI.
“Việc này cần có vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt các vấn đề như: dành nhiều nguồn lực để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ, khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào hoạt động đào tạo nghề…”
Giải pháp thứ hai là tập trung tạo đột phá để cải thiện, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Cụ thể như là cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ hiệu quả, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao...
Cuối cùng, khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI, phải tính toán khoảng cách phù hợp để vẫn tạo sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Có như vậy, Việt Nam mới tránh được tình trạng “Một nền kinh tế với hai tốc độ”, hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia”, chủ tịch VCCI kết luận.