Chủ tịch VCCI: Các doanh nghiệp tư nhân đã 'ấm lòng', có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình!

14/12/2017 15:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Những 'ngôi sao hy vọng' vẫn phải chịu rất nhiều nghịch lý kinh doanh, theo nhận xét của ông Lộc. Ví dụ, có một nghịch lý rằng tuy Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng chi phí logistics lại vẫn cao, từ đó khiến cho hàng hóa trở nên kém cạnh tranh so với nhiều nước.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017 diễn ra mới đây đã quy tụ nhiều vị chuyên gia đã tới bàn luận về nhiều khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân một lần nữa được nhấn mạnh như là một động lực sẽ tiếp tục tiếp sức cho tiến trình tăng trưởng năm 2018.

Cũng bên lề buổi diễn đàn này, ông Vũ Tiến Lộc đã gọi khối kinh tế tư nhân chính là 'ngôi sao hy vọng' của nền kinh tế. Theo vị này thì sau một năm kể từ khi VBF 2016 diễn ra, những cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã bắt đầu được chính các doanh nghiệp ghi nhận.

Tuy nhiên đó vẫn mới chỉ là những điểm sáng hiếm hoi. "Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chặng đường cải cách còn gian nan, khiến chúng ta phải cố gắng, nỗ lực cao hơn", ông Lộc phát biểu.

Những khó khăn đó có thể kể đến như về bài toán chi phí kinh doanh ở Việt Nam. Còn nhớ hồi tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều loại phí đã được đề xuất giảm hay gỡ bỏ. Tuy nhiên, bức tranh về chi phí kinh doanh ở Việt Nam nhìn chung vẫn cao.

Theo ông Lộc thì "chi phí vẫn ở mức độ cao, tăng nhanh, mặc dù cuộc đối thoại đầu tiên của Chính phủ mới với doanh nghiệp với đề xuất giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp đã được thực hiện nhưng hiện các loại chi phí kinh doanh của Việt Nam vẫn cao, trong đó có lương tối thiểu tăng nhanh hơn tăng năng suất, chi phí bảo hiểm xã hội, công đoàn... đang trở thành áp lực đối với doanh nghiệp".

Chủ tịch VCCI: Các doanh nghiệp tư nhân đã ấm lòng, có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình! - Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc tại VBF 2017

Một ví dụ, vị Chủ tịch VCCI kể ra một nghịch lý rằng tuy Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng chi phí logistics lại cao, từ đó khiến cho hàng hóa trở nên kém cạnh tranh so với nhiều nước. Ngoài ra, các chi phí về hành chính vẫn còn cao, thủ tục phiền hà và nặng nề, theo như ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Vì khó khăn nên theo vị này, nếu một cơ chế, hành lang pháp lý và môi trường thông thoáng được tạo ra, khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể phát huy sức mạnh của mình. "Đã có những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể làm ra hoặc kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài làm ra sản phẩm, công trình chất lượng quốc tế với thời gian hoàn thành đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó chứng mình khu vực tư nhân có thể đóng góp trọng trách rất lớn"- Chủ tịch VCCI nói.

Nói chung, bản thân khu vực kinh tế tư nhân trong nước thực tế chưa được phát triển xứng tầm nếu như môi trường thể chế chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, hay tâm lý doanh nghiệp vẫn vướng vào đầu tư, đầu cơ ngắn hạn, chưa có ý thức vươn tới chuẩn mực toàn cầu. Đây cũng là lý do tạo nên tình trạng 'hai nền kinh tế trong một quốc gia' - các doanh nghiệp tư nhân trong nước không thể kết nối được với các tập đoàn xuyên quốc gia.

Để kinh tế tư nhân thực sự phát triển, Việt Nam không chỉ cần giải phóng thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, mà còn cần đưa ra chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. Giải pháp này đã được các nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới làm và theo ông Lộc, Việt Nam chúng ta nên học hỏi.

Dù còn nhiều tồn tại, Chủ tịch VCCI vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực kinh tế tư nhân. "Chưa bao giờ khu vực kinh tế Việt Nam được đề cao là một trong động lực phát triển của đất nước như hiện nay. Các doanh nghiệp tư nhân đã "ấm lòng", có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chúng ta đều biết rằng năm 2030, nhiệm vụ đặt ra là Việt Nam phải xếp vào 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN.

So với giấc mơ này, thực tế của Việt Nam so với 3 nền kinh tế hàng đầu ASEAN phải nó rằng còn khá xa. Đặc biệt, khoảng cách này lại càng được nới rộng ra nếu đem so sánh Việt Nam với chuẩn mực từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Quảng Đức

Cùng chuyên mục
XEM