Chủ tịch Trương Gia Bình: Nếu giờ ai muốn đầu tư vào TMĐT thì tôi bảo “thôi quên đi, muộn quá rồi”

03/12/2019 07:20 AM | Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình nhận định bước chân vào thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong thời điểm đã có những ông lớn đi trước sẽ chỉ khiến doanh nghiệp sa chân vào cuộc chiến "đốt tiền vô tội vạ".

Chương trình Startup Việt 2019 chứng kiến cuộc đối thoại của hai tên tuổi lớn trong làng công nghệ Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT và ông Trần Ngọc Thái Sơn, founder, CEO Tiki. Một trong những câu hỏi thú vị ông Sơn đặt cho ông Bình, đó là nếu đầu tư dưới tư cách cá nhân, chủ tịch FPT sẽ chọn lĩnh vực gì.

Thật bất ngờ, ông Bình không chỉ ra một lĩnh vực cụ thể mà cho rằng thế giới mênh mông chứ không giới hạn ở vài ba cơ hội.

"Vì vậy, tôi không lấy tiêu chuẩn cứng để bàn, mà phải là tiêu chuẩn mềm".

Để làm rõ hơn nhận định của mình, ông lấy ví dụ về Viec.Co, nền tảng kết nối giữa các doanh nghiệp và những người lao động muốn tìm công việc thời vụ. Ông cho rằng Viec.Co chọn phát triển trong ngách rất nhỏ, không phải những thứ to lớn như thương mại điện tử hay thanh toán điện tử. Tuy nhiên nếu startup này chiếm được lòng tin của số đông, tiếp tục phát triển tư duy nền tảng, thì sẽ có con đường rộng mở.

"Đấy là cách tôi sẽ vào thị trường, phải nhỏ, nhẹ và ít cạnh tranh nhất", ông Bình khẳng định.

"Bây giờ mà ai vào TMĐT thì tôi khuyên thôi quên đi, vì bạn vào muộn quá rồi. Nếu bạn vào 15 năm trước thì tôi bỏ phiếu thôi, chứ bây giờ bạn vào muộn quá. Mà khi đã muộn quá thì bạn biết đấy, đốt tiền vô tội vạ".

Chủ tịch Trương Gia Bình: Nếu giờ ai muốn đầu tư vào TMĐT thì tôi bảo “thôi quên đi, muộn quá rồi” - Ảnh 1.

Đáp lại, CEO Trần Ngọc Thái Sơn ngay lập tức hỏi "xoáy" liệu Chủ tịch Trương Gia Bình có đang nói về đối thủ của Tiki hay không, và ông Bình cũng đáp "xoay" đầy khéo léo.

"Để lên làm unicorn, làm số 1 thì đốt tiền là không thể thiếu được. Trò chơi này phải lên số 1 thì mới dễ nói, chưa lên số 1 rất khó nói".

Hiện thị trường TMĐT Việt Nam đang chịu sự giành giật của 4 tứ trụ, Tiki, Sendo, Lazada và Shopee. Trong đó, Tiki xuất hiện sớm nhất vào thời điểm 2010. Sendo (thuộc FPT) và Lazada (thuộc Lazada Group) cùng tiến vào thị trường trong năm 2012. Chậm chân nhất là Shopee khi nền tảng B2C của Singapore chính thức ra mắt vào 2016.

Tuy nhiên, rất khó để dự đoán chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về tay chơi nào khi thứ hạng của các sàn giao dịch này liên tục thay đổi. Theo báo cáo mới nhất của iPrice Group trong quý 3/2019, website của sàn TMĐT Tiki sau một thời gian dài đứng ở vị trí thứ hai toàn quốc đã rơi xuống số 4 để nhường chỗ cho Sendo.

Tương tự, Lazada Việt Nam cũng lần đầu tiên rời khỏi Top 4 website có lượng truy cập hàng đầu trong khi cùng kỳ năm ngoái, nền tảng này vẫn nằm ở Top 2. Chỉ duy nhất Shopee vẫn tạm thời giữ vừng ngôi vị quán quân.

Ở một diễn biến khác, tháng 11 vừa qua, Sendo bất ngờ tuyên bố nhận khoản đầu tư lên tới 61 triệu USD trong vòng gọi vốn series C. Trong một sự kiện diễn ra vào tháng 6 trước đó, CEO Sendo còn bật mí họ đã có doanh thu đáng kể từ việc bán quảng cáo cho các doanh nghiệp đang kinh doanh trên sàn. Và nếu tính vận hành thuần túy, sàn Sen Đỏ đã có lãi.


Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM