Chủ tịch PeaceSoft Nguyễn Hòa Bình: Uber là "kẻ phá bĩnh"
Chủ tịch Hội đồng quản trị PeaceSoft (nay là NextTech-group) Nguyễn Hòa Bình gọi Uber là "kẻ phá bĩnh" và nêu giải pháp để doanh nghiệp truyền thống cạnh tranh với "kẻ phá bĩnh".
Cuối tháng 8 2016, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech-group (tiền thân là PeaceSoft-group) đã có bài trình bày về con đường 10 năm chuyển dịch từ "Thương mại Điện tử" lên "Điện tử hoá Thương mại" tại cuộc đối thoại về "Chính sách thương mại số" trong khuôn khổ hội nghị lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC năm nay tổ chức tại thủ đô Lima của Peru. Cùng trình bày còn có các kinh nghiệm từ tập đoàn PayPal, Walmart và các nhà làm chính sách từ nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC như Nga, Philippines, Singapore, Mỹ...
Cuộc cách mạng lần thứ hai vào cuối thế kỷ 19 với động cơ hơi nước đã gia tăng năng suất lao động đột biến cho các quốc gia phương Tây và góp phần đưa đến giai đoạn thực dân đô hộ cho các quốc gia phương Đông yếu kém hơn. Cuối thế kỷ 19, động lực của cách mạng công nghiệp là động cơ đốt trong và điện khí hoá đã đẩy nhanh tốc độ văn minh hoá của loài người, một số cường quốc về công nghiệp hoá đã phát động thế chiến.
Hiện nay loài người đang ở cuộc cách mạng lần thứ tư khi công nghệ thông tin và Internet đã trở thành yếu tố hạ tầng thứ Năm bên cạnh Điện, Đường, Trường, Trạm lan toả sâu rộng vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội tới mức khó có thể tìm thấy một lĩnh vực nào chưa có bóng dáng của ứng dụng CNTT.
Có 3 phát hiện quan trọng về 4 giai đoạn cách mạng công nghiệp này. Một là nếu thời gian đầu phải mất hàng trăm đến hàng chục năm để một ứng dụng công nghệ được đại chúng hoá trong đời sống hàng ngày thì ngày nay chỉ cần 3 đến 5 năm để một phát minh mới có thể lan toả đến khắp thế giới.
Hai là sau 200 năm đã xuất hiện lại hiện tượng con người đập phá máy móc do mất việc làm, lần đầu tiên là năm 1811-1812 tại Anh với phong trào công nhân đập phá máy dệt và lần thứ hai là giữa năm 2015 tại Pháp khi các tài xế taxi đập phá xe hơi Uber.
Ba là chỉ trong 10 năm từ 2006 đến 2016, danh sách 5 công ty có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán vốn bị thống trị bởi ngành khai khoáng và tài chính ngân hàng đã bị thay thế hoàn toàn bởi các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Ba phát hiện này cùng với bài học lịch sử về những tác động to lớn của các giai đoạn cách mạng công nghiệp lần trước đưa đến một nhận định là trong giai đoạn thứ Tư này (cách mạng CNTT) nếu quốc gia nào, dân tộc nào, ngành kinh tế nào, doanh nghiệp nào không lướt được trên cơn sóng này thì cũng sẽ nhanh chóng mất cạnh tranh và chìm lấp dưới bánh xe lịch sử.
Thật vậy những "kẻ phá bĩnh" (Disrupter) là những công ty CNTT đang nhảy vào tranh phần trong những ngành công nghiệp truyền thống đã có hàng trăm năm lịch sử. Hai ví dụ nổi tiếng nhất là Uber và AirBnB hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ với chi phí cực thấp do không phải đầu tư và sở hữu tư liệu sản xuất, chỉ sau 4 năm khởi nghiệp đã đẩy các ngành taxi và khách sạn toàn cầu vốn hoạt động trên mô hình kinh tế thị trường truyền thống vào thế khó xử.
Thậm chí ngành tài chính ngân hàng cũng đang lúng túng trước những ngân hàng ảo Alibaba tại Trung Quốc hay LendingClub tại Mỹ cho phép người tiêu dung vay vốn trực tiếp lẫn nhau bỏ qua ngân hàng v.v… Những thách thức như thế là chưa từng có trong lịch sử mà trước đây khó ai có thể tưởng tượng nổi, vậy đã thành hiện thực chỉ trong vài năm trở lại đây.
Như vậy nếu coi các doanh nghiệp truyền thống là "người đẹp" thì ai sẽ cứu họ khỏi "quái thú" là các công ty CNTT đang ngày đêm nghĩ ra những ý tưởng mới để phá bĩnh miếng bánh của họ? Trong khi đa số khá yếu thế về năng lực đổi mới sáng tạo bằng CNTT mà chỉ quen với việc "thuê ngoài" thông qua các hợp đồng phần ngắn hạn với các công ty phần mềm vốn không có hiểu biết và gắn bó lâu dài với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề, ông Bình khuyến nghị các doanh nghiệp APEC cần nhận thức rõ thách thức nghiêm trọng đến từ các mô hình điện tử hoá có thể nhanh chóng đặt các mô hình kinh doanh truyền thống với bề dày hàng trăm năm ra ngoài cuộc chơi, từ đó mà xác lập những chiến lược thích hợp để thích nghi và tồn tại.
Ông Bình đề xuất một mô hình là doanh nghiệp truyền thống nên liên kết với các doanh nghiệp CNTT để cùng nhau điện tử hoá truyền thống trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, chứ mô hình thuê ngoài dịch vụ CNTT truyền thống cũng đang dần trở nên lạc hậu.
Đối với nhà làm chính sách các nền kinh tế APEC, ông Bình cho rằng giống như các giai đoạn trước của cách mạng công nghiệp, giai đoạn này đang định hình một thế giới điện tử hoá thay đổi tận gốc rễ các mô hình kinh doanh truyền thống (với Uber như một ví dụ điển hình) sẽ là một quy luật không thể đảo ngược trong dòng chảy tiến hoá của xã hội loài người.
Thay vì xây dựng môi trường pháp lý theo hướng kìm kẹp “không quản được thì cấm” với tư duy ngăn sông cấm chợ mà nhiều quốc gia Châu Á đã từng sai lầm và phải gánh chịu hậu quả trong lịch sử, thì cần cởi mở khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và để cho các mô hình kinh doanh truyền thuống buộc phải tự thay đổi để tồn tại. Như vậy mới thực sự là tư duy vì lợi ích chung của xã hội và tiến bộ của từng dân tộc.