Chủ tịch Kinh Bắc Đặng Thành Tâm: Có thể tôi sẽ đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu KBC để tăng sở hữu trong thời gian tới

30/05/2022 15:47 PM | Kinh doanh

Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đánh giá rất cao triển vọng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian tới và cho biết: "Tôi đang suy nghĩ nhân cơ hội này mua vào để tăng sở hữu của mình. Nhưng tôi chỉ sợ khi chứng khoán lên cao mọi người lại nói tôi lợi dụng lúc thị trường xuống nên tôi chưa dám đăng ký mua vào mặc dù tôi rất muốn".

Talkshow "Chọn Danh mục" do Báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Theo dấu người khổng lồ” ngày 26/05 có sự tham gia của 2 diễn giả là doanh nhân Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích CTCK VNDirect. 

Đánh giá về triển vọng của lĩnh vực BĐS KCN trong thời gian tới, bà Hiền nhận định: Thị trường BĐS Khu công nghiệp trong năm 2022 - 2023 sẽ được định hình bởi 3 xu hướng chính:

Đầu tiên là làn sóng đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư FDI trên thế giới trong chiến lược Trung Quốc +1 muốn tìm kiếm 1 điểm đến khác bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam có thể được coi là điểm đến khá hấp dẫn nhờ chi phí nhân công, chi phí điện nước rẻ và chính sách về thuế ưu đãi hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân công được đánh giá là lành nghề hơn cùng cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình phát triển.

Những yếu tố trên thu hút dòng vốn FDI mới, ngoài ra còn có những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, họ cũng đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc mở rộng sản xuất như GE, Samsung, LG,.. 

Chủ tịch Kinh Bắc Đặng Thành Tâm: Có thể tôi sẽ đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu KBC để tăng sở hữu trong thời gian tới - Ảnh 1.

Bà Trần Khánh Hiền trong Talkshow Chọn Danh mục "Theo dấu chân người khổng lồ" do Báo đầu tư tổ chức

Xu hướng thứ hai là đầu tư công. 

Đầu tư công sẽ hỗ trợ rất lớn cho BĐS KCN. Theo định hướng của Bộ Giao thông vận tải, đến 2025, chúng ta sẽ có khoảng 3.000 km đường cao tốc. Hiện nay các mục tiêu của Chính phủ đang tập trung vào 13 thành phần của cao tốc Bắc Nam.

Khi hoàn thiện được cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối được các khu công nghiệp thành 1 vòng tròn khép kín : đường bộ, đường hàng không và cảng biển. Giúp các khu vực mới nổi lên về BĐS KCN trở nên "sáng" hơn như Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng,..

Trong thời gian qua, bất chấp khó khăn mang lại do Covid, mảng BĐS KCN vẫn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ lấp đầy theo ghi nhận có những khu vực lên đến gần 90%. Giá cho thuê trung bình 2021 tăng trên 10%, cá biệt có những khu vực tăng nóng hơn như Bà Rịa Vũng Tàu tăng đến 15%.

Năm 2022, khi việc giao thương giữa các nước trở lại, làn sóng FDI giải ngân vào Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào những tháng cuối năm.

Xu hướng thứ 3, phân khúc nhà kho và nhà xưởng xây dựng sẵn sẽ có sự tăng trưởng mạnh do nhu cầu logistic trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ.

Bà Hiền cũng nói thêm, những doanh nghiệp BĐS KCN sẽ được hưởng là những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất có khả năng chuyển đổi, những DN có sẵn tập khách hàng tên tuổi như Samsung, LG, Foxconn,.. hay những DN có quỹ đất ở các địa điểm có sự kết nối tốt về mặt hạ tầng giao thông.

Chủ tịch Kinh Bắc Đặng Thành Tâm: Có thể tôi sẽ đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu KBC để tăng sở hữu trong thời gian tới - Ảnh 2.

Ông Đặng Thành Tâm trong Talkshow Chọn Danh mục "Theo dấu chân người khổng lồ" do Báo đầu tư tổ chức

Từ Mỹ, ông Đặng Thành Tâm đã chia sẻ rất hào hứng về sự quan tâm, khả năng phát triển hợp tác kinh tế của doanh nghiệp Mỹ với Việt Nam. 

Khi được MC hỏi về kết quả thu hút dòng vốn FDI Hoa Kỳ vào Kinh Bắc, ông Đặng Thành Tâm đã trả lời đầy tự tin và phấn khởi.

"Trong chuyến vừa rồi chúng tôi ký đc 8 tỷ USD, gần bằng tổng đầu tư của Mỹ vào VN hiện nay. Họ đều cam kết đầu tư trong 2 năm. Chúng tôi sẽ phải xin phép cấp phép đầu tư một số lĩnh vực như KCN, lĩnh vực công nghệ cao khoảng 2,2 tỷ đô sẽ xin cấp phép từ giờ đến cuối năm. Còn BĐS hoặc các lĩnh vực khác hơn 5 tỷ USD.

Trong 3 năm tới đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tạo bước đột biến rất lớn. Đối với thị trường Việt Nam chúng ta vài tỷ USD là rất lớn nhưng với các quỹ đầu tư tại đây là không có gì vì họ có hàng nghìn tỷ USD. Tại sao những tín hiệu vô cùng tích cực như vậy mà không tạo được hiệu ứng của thị trường trong nước? Vì sự dao động của các nhà đầu tư.

"Tôi đang suy nghĩ nhân cơ hội này mua vào để tăng sở hữu của mình. Nhưng tôi chỉ sợ khi chứng khoán lên cao mọi người lại nói tôi lợi dụng lúc thị trường xuống nên tôi chưa dám đăng ký mua vào mặc dù tôi rất muốn. Chắc từ 7-10 ngày nữa nếu thị trường không có chuyển biến tích cực thì bản thân tôi sẽ đăng ký mua vào một số lượng rất lớn", ông Tâm nói

Theo vị chủ tịch này, suốt thời gian qua đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam mới chỉ có 10 tỷ USD nhưng trong vòng 3 năm tới dòng vốn Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam gấp nhiều lần.

Ông chủ Kinh Bắc cho biết lòng tin của nhà đầu tư Mỹ vào sự cam kết của Chính Phủ cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng lớn. Ông dẫn chứng, ngày trước nếu 1 doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở Việt Nam phải mua bảo hiểm đầu tư 10 đồng thì nay chỉ mua 1 đồng. Hoạt động đầu tư ở Việt Nam hiện đã tạo được lòng tin cao hơn với hệ số rủi ro được đánh giá thấp hơn.

Chủ tịch KBC cũng chia sẻ lời khuyên đối với các nhà đầu tư thời điểm này nên mua vào cổ phiếu: "Vì thị trường đang bị dao động bởi các yếu tố tiêu cực và nó không phản ánh thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Qua chuyến đi Hoa Kỳ tôi thấy Hoa Kỳ rất quan tâm đến Việt Nam và sắp tới Mỹ sẽ đầu tư rất lớn vào Việt Nam."

Lâu nay, KBC vẫn được biết đến là doanh nghiệp có Ban lãnh đạo rất "chịu khó" tham dự các hội nghị trực tuyến, trực tiếp để thu hút FDI vào Việt Nam. Đây là doanh nghiệp nổi tiếng với những KCN có các tên tuổi doanh nghiệp lớn như Foxconn, Canon... và mạng lưới KCN trải rộng từ Bắc vào Nam

Chủ tịch Kinh Bắc Đặng Thành Tâm: Có thể tôi sẽ đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu KBC để tăng sở hữu trong thời gian tới - Ảnh 3.

Trích báo cáo thường niên của DN năm 2021

KBC cũng có 4 KCN đầu tiên kể từ khi thành lập công ty có tổng diện tích là 1.013 ha, đã được lấp đầy 100 ha vào năm 2019 đó là Khu Công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh (hiện hữu và mở rộng), Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng (1 và 2).

Với KCN đầu tiên KBC đã mất khoảng 12 năm để lấp đầy trên 90%, đối với các KCN tiếp theo để lấp đầy trên 90% thì chỉ mất trung bình khoảng 6 năm. Thông thường, 10% diện tích của các KCN còn lại việc lấp đầy có thể kéo dài 1 - 5 năm, do Công ty dành để dự trữ quỹ đất xây dựng nhà xưởng cho thuê đáp ứng các nhà đầu tư có quy mô nhỏ, hoặc dành cho nhu cầu mở rộng nhà máy của các Tập đoàn đã đầu tư trong KCN.

Chủ tịch KBC cũng chia sẻ thêm vừa rồi đã được cấp phép đầu tư 3 KCN với tổng diện tích hơn 2000 ha. "Chúng tôi đã đền bù giải toả và tạo quỹ đất sẵn sàng", ông Tâm nói.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM