Tại sao khi so sánh việc sử dụng tiền của Hòa Phát với Thế giới di động lại bị khập khiễng?
So sánh việc dùng tiền của Hòa Phát với Thế giới di động giống như đang đặt 1 người phụ nữ tảo tần bên cạnh cô gái năng động. Đâu thể nói ai tốt hơn ai khi họ vốn không cùng hệ quy chiếu?
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát tổ chức sáng 24/5, nhiều nhà đầu tư quan tâm và thảo luận về khối tiền mặt hơn 46.000 tỷ đồng của công ty.
Có những ý kiến cho rằng giữ lượng tiền mặt nhiều như Hòa Phát đang làm là quá phí, nên chia thêm cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, hoặc chia ra thành từng phần để gửi ngân hàng theo các kỳ 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, …
Có nhà đầu tư còn gợi ý ban lãnh đạo Hòa Phát học hỏi cách CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) quản lý tiền "như một ngân hàng".
Trên thị trường hiện nay, số dư tiền của MWG (khoảng 14.900 tỷ đồng) chưa bằng 1/3 số tiền mặt của Hoà Phát (46.300 tỷ đồng), nhưng lãi từ tiền gửi của TGDĐ lại tương đương 1/2 lãi mà Hoà Phát nhận về.
Tại thời điểm cuối quý I/2022, MWG nắm giữ 14.900 tỷ đồng, và dành ra đến 78% lượng tiền đó để đem gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm, hưởng lãi suất từ 5% đến 8,65%/năm.
Ngoài ra, MWG còn tối ưu hóa tiền nhàn rỗi bằng hoạt động cho vay ngắn hạn 895 tỷ đồng đối với các công ty chứng khoán, với kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng, hưởng lãi suất từ 6% đến 6,96%/năm.
Về phía Hòa Phát, phần lớn tiền của tập đoàn đều được gửi ngắn hạn ở ngân hàng, khoản cho vay chỉ vỏn vẹn 194 tỷ đồng, khá nhỏ bé so với con số 46.000 tỷ đồng. Lãi thu được từ tiền gửi trong quý I/2022 của Hoà Phát là gần 417 tỷ đồng.
So sánh vậy nhưng hình như chúng ta đang quên đi nguyên tắc cơ bản của so sánh là phải cùng hệ quy chiếu.
Hòa Phát và TGDĐ - một bên là doanh nghiệp sản xuất, đáng nói hơn nữa là ngành sản xuất công nghiệp nặng, một bên là doanh nghiệp thương mại thuần túy. Nói nôm na, nếu ta đem 1 con hươu cao cổ so sánh với 1 con voi, bạn sẽ lấy tiêu chí đánh giá dựa trên cân nặng hay chiều cao?
Chúng ta hãy cùng xem lại quy trình luân chuyển vốn để thấy rõ sự khác biệt về việc sử dụng tiền trong 2 doanh nghiệp
Sự khác biệt về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh dẫn đến 2 đặc trưng nổi bật:
Thứ nhất, thời gian luân chuyển vốn lưu động, hay là vòng quay vốn lưu động của Hòa Phát sẽ dài hơn TGDĐ. Để đạt được cùng 1 mức doanh thu thì vốn lưu động của Hòa Phát cần sử dụng nhiều hơn TGDĐ, nhu cầu tiền "lỏng" để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng nhiều hơn.
Theo ông Trần Đình Long, với quy mô doanh thu tập đoàn hiện nay doanh thu 500 tỷ đồng/ngày thì phải yêu cầu 20.000 tỷ "tiền lỏng" để đảm bảo khả năng thanh toán, thậm chí giám đốc tài chính còn yêu cầu 30.000 tỷ đồng.
Ông Long tiết lộ, có nơi còn đề nghị Hoà Phát cho vay tiền và trả lãi suất từ 18 – 20% nhưng Hoà Phát từ chối. Rõ ràng, mặc dù đem tiền nhàn rỗi cho vay có lợi hơn về mặt tài chính nhưng sẽ kém chủ động hơn trong việc sử dụng vốn.
Thứ hai, trong cơ cấu tài sản của một doanh nghiệp sản xuất, tài sản cố định (TSCĐ) thường chiếm tỷ trọng lớn hơn DN thương mại.
Tỷ lệ tài sản dài hạn/Tổng tài sản của Hòa Phát cao hơn MWG rất nhiều. Tổng hợp từ số liệu trên BCTC của doanh nghiệp
Có thể thấy, trong 100 đồng vốn của TGDĐ, chỉ dao động từ 14 - 17 đồng dành cho tài sản dài hạn (TSDH) trong các năm, còn lại là tài sản ngắn hạn. Con số này ở Hòa Phát cao hơn rất nhiều khi thường xuyên từ 40% đến gần 50% tài sản là TSDH, trong đó chủ yếu là TSCĐ bao gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị,...
Không riêng Hòa Phát hay MWG, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng luôn đặt mục tiêu tiến về phía trước. Nhưng đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp thương mại sẽ "nhẹ gánh" hơn khi các chi phí đầu tư sẽ chủ yếu đổ vào mặt bằng, cửa hàng và hàng hóa. Doanh nghiệp thương mại không phải đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, nhà xưởng,... giá trị lớn như doanh nghiệp sản xuất. Thách thức của các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn là buộc phải đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Đó là lý do vì sao lợi nhuận sau thuế đạt đỉnh trong năm 2021, nhưng Hòa Phát chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt chỉ có 5%.
Trả lời thắc mắc của cổ đông vì sao công ty có lượng tiền mặt hơn 40.000 tỷ đồng nhưng vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt thấp, ông Long cho biết Hòa Phát không thể chia cao hơn vì công ty đang cần rất nhiều vốn để đầu tư cho các dự án trong thời gian tới, đặc biệt là dự án Dung Quất 2. Dự án đã được 8 Ngân hàng đồng tài trợ tổng vốn lên đến 35.000 tỷ đồng trên tổng đầu tư 75.000 - 80.000 tỷ đồng.
Với quy mô dự án 75.000-80.000 tỷ đồng, vốn giải ngân từ các Tổ chức tín dụng lên tới 35.000 tỷ đồng, Hòa Phát cần có trong tay 40.000 - 45.000 tỷ đồng làm vốn đối ứng.
Cần phải nhớ rằng, ngân hàng sẽ không giải ngân một lần đẩy ra 35.000 tỷ đồng để doanh nghiệp tùy ý sử dụng, mà sẽ giải ngân từng phần theo tiến độ thực hiện dự án. Mỗi lần giải ngân, ngoài hóa đơn, chứng từ đầy đủ chứng minh đích đến của tiền còn phải có vốn đối ứng của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Hòa Phát giải ngân mua 1 cái máy trị giá 10 tỷ đồng, theo tỷ lệ tài trợ đã được phê duyệt của ngân hàng (giả sử là 45 %), thì Hòa Phát cần bỏ ra 55 đồng, Ngân hàng mới giải ngân ra 45 đồng còn lại.
Như vậy, để chuẩn bị cho việc thực hiện dự án Dung Quất 2 theo đúng tiến độ, lượng tiền Hòa Phát cần chuẩn bị để đối ứng để tài khoản ngân hàng sẽ an toàn và chủ động hơn thay vì đem đầu tư tài chính như cho vay... dù cho mức sinh lời có thể cao hơn.
Chủ tịch Trần Đình Long bộc bạch: "Rất nhiều người chê Hoà Phát về việc sử dụng tiền, tôi muốn nói là số tiền mặt 46.000 tỷ chúng tôi không thể phiêu lưu được. Rất nhiều tổ chức tín dụng góp ý 'tại sao anh để tiền phí thế, một năm kiếm được thêm 400-500 tỷ', nhưng vận mệnh để phát triển Dung Quất 2 là quan trọng."
Không chỉ dừng lại ở Dung Quất 2, cũng trong cuộc họp đại hội cổ đông, Chủ tịch Trần Đình Long thể hiện rõ tham vọng không ngừng tiến lên, vươn tầm khu vực khi nhắc đến dự án Dung Quất 3.
Sau Dung Quất 2, công ty đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm, có thể không đặt ở Dung Quất. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Hòa Phát sẽ sản xuất một phần HRC tại đây, ngoài ra còn thép U, thép Y. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025.
Để tập trung vào lợi ích dài hạn, nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn để vượt qua cám dỗ của những món lời ngắn hạn. Không phải ai cũng hiểu, rủi ro khi đầu tư với thái độ chủ quan có thể biến một doanh nghiệp đang từ khỏe thành yếu.
Nhiều bài học trong quá khứ và hiện tại khi các doanh nghiệp đầu tư dự án mở rộng hoặc dự án mới nhưng sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, không thu xếp được vốn kéo dài tiến độ, dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản. Khi làm dự án tầm cỡ như Hòa Phát Dung Quất 2, ông Long và các cộng sự đang thể hiện sự cẩn trọng tuyệt đối, đó là tín hiệu tốt với doanh nghiệp về lâu dài.
Tất nhiên, ý chí của nhà lãnh đạo là vậy, nhưng trong ngắn hạn quyết định này sẽ mâu thuẫn với lợi ích và mong muốn của nhiều cổ đông. Không ít cổ đông sẽ mong muốn được chia nhiều lợi nhuận hơn trong kỳ. Lúc này, nhà đầu tư cần nhớ rằng, sự chờ đợi của họ sẽ có kết quả, khi chi phí tài chính đã giảm kết hợp TSCĐ đầu tư khấu hao hết/giảm và doanh nghiệp vẫn sản xuất, kết quả là biên lợi nhuận ròng của DN sẽ phình to một cách đáng kể.
Câu chuyện đầu tư TSCĐ có thể ví như câu chuyện của người đi chân đất lội bùn chặng đầu, nhưng ngồi kiệu thưởng ngoạn cảnh đẹp đoạn đường sau.