Chủ tịch Intimex bật mí cách giải quyết khi bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu, bịa chuyện kinh doanh thua lỗ

01/10/2016 09:32 AM | Kinh doanh

Tại sự kiện CEO Forum 2016 diễn ra ở TPHCM chiều 30/9/2016, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group, chia sẻ những lần bị đối thủ nói xấu, bịa chuyện làm ăn không hiệu quả.

Trong hội thảo chuyên đề Liên kết đối thủ cạnh tranh trong khuôn khổ CEO Forum 2016, ông Nam kể câu chuyện các đối thủ cạnh tranh từng tố công ty của ông Nam (Intimex) làm ăn thua lỗ, mất hết tiền và không có khả năng giao hàng. Họ còn gửi thông tin cho các cở sở bán hàng ra nước ngoài.

Intimex là đơn vị kinh doanh nhiều mặt hàng như chế biến, xuất khẩu cafe, gạo, tiêu và điều, nhập khẩu hàng đông lạnh, thép.... Khi gặp phải những trường hợp như vậy, ông Nam cho biết, nếu doanh nghiệp không thực sự tìm được lối ra, không có bản lĩnh thì sẽ chết. Tỉ lệ chết đó rất cao.

"Có lần, tôi sinh hoạt chung một đảng bộ với một doanh nghiệp cùng kinh doanh thép với tôi. Doanh nghiệp này hỏi trước đảng bộ mà tôi cũng là ủy viên ban chấp hành đảng bộ đó, rằng tôi vừa nhận một lô thép, lỗ tối thiểu 1 triệu đô có đúng không? Lần khác thì đối thủ ngoại từng nói rằng: Công ty ông Nam bị ngân hàng siết nợ nên không có khả năng giao hàng", ông Nam kể.

"Tôi hầu như chỉ cười và không trả lời lại. Tại sao làm điều đó? Vì tôi nhận ra rằng cái quan trọng nhất là nếu muốn tồn tại thì phải tạo cho mình một chỗ đứng để khách hàng không thể lung lay trước hành vi và những thông tin xấu", Chủ tịch HĐQT Intimex TP HCM nói.

"Diễn biến tiếp theo là thông tin về tôi được đưa lên mặt báo và một số doanh nghiệp Việt Nam gửi thông tin này đến các ông chủ lớn ở nước ngoài. Một ông chủ lớn gọi điện hỏi tôi rằng: Điều đó có đúng hay không?", Tổng giám đốc Intimex TP HCM kể tiếp.

Câu đáp lại với đối tác nước ngoài của ông Nam là: "Nếu tôi bị ngân hàng siết thì chắc chắn tôi sẽ không giao hàng đúng hạn. Vậy ông tin hay ông tin? Ở nước ông có chuyện đó không? Thì họ trả lời là cũng có. Tôi nói tiếp rằng ngày nào tiền của tôi cũng vào tài khoản của các ông thì nếu như tôi mất tiền thì làm sao trả được tiền cho ông. Đó chính là câu trả lời".

Kể lại câu chuyện tại buổi sinh hoạt đảng bộ, ông Nam trả lời rằng: "Xin lỗi anh nhầm rồi. Sản phẩm thép của tôi nhập vào tôi đảm bảo có lợi và tôi cam kết trước mọi người". Sau đó, đối thủ cạnh tranh nhận ra cái sai và bắt tay xin lỗi.

"Tôi hiểu nếu các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh đi nữa thì cũng nên chọn cạnh tranh để đẩy mạnh phát triển chứ không phải tiêu diệt lẫn nhau. Khi các doanh nghiệp không đồng lòng họ sẵn sàng cạnh tranh về giá, tạo ra sự bất lợi. Không những thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn thiệt hại cho cả ngành. Nếu liên kết lại và các bên cùng có lợi, lợi nhuận tăng hơn thì các đối thủ tự động bắt tay. Để làm được điều đó thì vai trò của hiệp hội rất quan trọng", ông Nam bình luận.

Trả lời câu hỏi của người điều phối buổi tọa đàm là làm thế nào để đối thủ liên kết với mình. Ông Nam nói: "Đối thủ có 2 dạng: Một là cạnh tranh để tiêu diệt nhau, hai là cạnh tranh để cùng phát triển".

Tuy nhiên, trong cạnh tranh không phải lúc nào cũng đó yếu tố đó. Trong mọi trường hợp, vẫn có cạnh tranh để cùng phát triển. Nếu chúng ta biết cạnh tranh để cùng phát triển thì lợi hơn là đối đầu với nhau.

"Khi tôi mới làm cà phê lần đầu, cái khó nhất là làm thế nào bán hàng cho người nước ngoài. Tôi may mắn ngồi với ông lớn, ông nói: 'Cậu biết gì về cafe, 3-4 nữa là ra đi thôi'. Tôi là may mắn sót lại. Tôi thấy rằng không phải như lời ông lớn kia nói. Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì cần liên kết với đối thủ lớn. Nên tránh điểm mạnh của họ và tập trung vào điểm mạnh của mình. Dần dần doanh nghiệp nhỏ sẽ lớn. Và khi này, vai trò của hiệp hội rất quan trọng", ông Nam nhấn mạnh.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM