Chủ tịch GP.Invest: Một số công ty xây dựng top 10 Việt Nam đứng trước nguy cơ về tài chính, không được chủ đầu tư thanh toán, bị gán nợ bằng BĐS chưa đủ pháp lý

18/02/2023 09:34 AM | Kinh doanh

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, có một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu để "ôm dự án" nên đã gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản.

Chủ tịch GP.Invest: Một số công ty xây dựng top 10 Việt Nam đứng trước nguy cơ về tài chính, không được chủ đầu tư thanh toán, bị gán nợ bằng BĐS chưa đủ pháp lý - Ảnh 1.

Trái phiếu là một trong những vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hiện nay. Trình bày ý kiến trong Hội nghị "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sáng 17/2, Chủ tịch GP.Invest - ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội nhưng trước hết cũng phải nhận thấy, có một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu để "ôm dự án" nên đã gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản. Bởi tuy là trái phiếu riêng lẻ nhưng vẫn có giao dịch qua lại như trái phiếu chào bán ra công chúng nên ảnh hưởng của trái phiếu riêng lẻ tới thị trường bất động sản và xây dựng là rất lớn.

Không chỉ không thanh toán được cho trái chủ khi đến hạn, một số chủ đầu tư không có dòng tiền để thanh toán cho nhà thầu mà gán nợ bằng sản phẩm bất động sản chưa đủ pháp lý, khiến thị trường càng rối rắm và gây ra nhiều phức tạp. Ông Hiệp nhận định một loạt công ty xây dựng trong top 10 của Việt Nam đứng trước nguy cơ về tài chính.

Chủ tịch GP.Invest: Một số công ty xây dựng top 10 Việt Nam đứng trước nguy cơ về tài chính, không được chủ đầu tư thanh toán, bị gán nợ bằng BĐS chưa đủ pháp lý - Ảnh 2.

Chủ tịch GP.invest - ông Nguyễn Quốc Hiệp

"Vì vậy để giải quyết tháo gỡ, trước hết, theo chúng tôi cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Sau đó, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Đối với một số trường hợp cụ thể các dự án của các doanh nghiệp này nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty mua bán nợ DATC hoặc VAMC tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu để có thể xử lý triệt để giúp làm hạ nhiệt thị trườn g", ông Hiệp nói.

Bên cạnh đó, Đối với nghị định 65 chuẩn bị trình Chính phủ ban hành về trái phiếu doanh nghiệp, ông Hiệp cho rằng đây là một công cụ để các doanh nghiệp có thể huy động vốn nhàn rỗi từ thị trường nên chắc chắn sẽ là một công cụ tốt cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo dự thảo của Nghị định, việc không quy định lượng trái phiếu được phép phát hành so sánh với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản hiện có của doanh nghiệp có thể là một điều cần cân nhắc thêm. Đồng thời cần phải xem xét đến trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới gắn với các công ty phát hành để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính như thời gian vừa qua.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM