Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: 'Việt Nam đang đứng trước một cuộc cách mạng, nếu chúng ta không làm gì thì có nghĩa là người Việt Nam sẽ già mà vẫn nghèo'

08/04/2017 21:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Đồng thời, Giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam cũng nói "nếu vẫn muốn một bước nhảy vọt mang tính dân tộc thì đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta".. Đó là hai trong số nhiều chia sẻ nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trước mắt nền kinh tế Việt Nam.

Hôm qua ngày 7/4, buổi Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” được tổ chức bởi Thởi báo kinh tế Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Buổi hội thảo này đã quy tụ nhiều vị diễn giả, chuyên gia và nhiều doanh nhân nổi bật trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong những cuộc trò chuyện hay những cuộc phỏng vấn bên lề, tất cả các tên tuổi này đều đồng thuận chung một quan điểm rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên thế giới sẽ là một cơ hội lớn cho Việt Nam để vươn lên nếu chúng ta có thể đón đầu; hoặc sẽ là một dấu mốc đánh dấu sự tụt hậu xa hơn nếu chúng ta bỏ lỡ. Hơn lúc nào hết, Việt Nam và cả nền thống kinh tế đang đứng trước một trong số những thời điểm trọng đại nhất trong lịch sử.

Chia sẻ với chúng tôi ở cuộc phỏng vấn bên lề, ông Đặng Việt Dũng (Dũng Đặng) - Giám đốc điều hình của Uber tại Việt Nam - cho rằng trong cuộc cách mạng trọng đại này, công nghệ chính là cốt lõi của mọi chiến lược, mọi doanh nghiệp.

"Bây giờ ở mọi điểm tiếp xúc với khách hàng chúng ta đều có dữ liệu và cần xử lý nó. Có những công ty làm rất là tốt, ví dụ như một công ty thời trang ở Anh đã rút ngắn thời gian từ lúc thiết kế sản phẩm cho đến khi ra kệ là chỉ có 30 ngày, trong khi các công ty lớn khác như Zara hay H&M mất 3 – 6 tháng" - Giám đốc điều hành Uber tại Việt Nam nói.

Ông Dũng Đặng kết luận: "công nghệ được tận dụng qua từng điểm bán hàng. Công nghệ trở thành cốt lõi của chiến lược chứ không còn là một phần chiến lược nữa".

Đồng thời, xóa tan những lo ngại rằng cuộc cách mạng này chỉ là cuộc chơi của những ông lớn, ông cũng cho rằng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cơ hội cho tất cả các nhóm doanh nghiệp không kể quy mô, bởi lẽ bản chất của cuộc cách mạng này là các doanh nghiệp sẽ trở nên có tính chuyên môn hóa và phân cực hóa lẫn nhau.

Một ví dụ chính là như Uber - đại diện tiêu biểu của công nghiệp 4.0 - nơi một hình thức kinh tế mới là kinh tế chia sẻ được áp dụng. Đồng thời, trong tương lai, người ta cũng sẽ thấy sự tồn tại song hành của cả những doanh nghiệp rất lớn, có chuyên môn sâu như Facebook và cả những doanh nghiệp nhỏ như các shop bán hàng online trên Facebook chẳng hạn.

Nói tóm lại, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ là một cơ hội cho mọi cá thể trong nền kinh tế, nếu cá thể đó biết đón đầu xu thế công nghệ trên thế giới. Cũng vì thế, nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam.

"Nếu vẫn muốn một bước nhảy vọt mang tính dân tộc thì đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta" - ông Đặng Việt Dũng kết thúc bài phỏng vấn.

Cùng chung quan điểm về tính quan trọng của cuộc cách mạng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT cũng nhấn mạnh:

"Việt Nam đang đứng trước một cuộc cách mạng, nếu chúng ta không làm gì thì có nghĩa là người Việt Nam sẽ già mà vẫn nghèo".

Một cuộc cách mạng như thế này, theo lịch sử chứng minh sẽ chỉ làm 4,5 đất nước hóa rồng. Chọn con đường bước vào cuộc cách mạng này nghĩa là Việt Nam đã chọn thách thức, tuy nhiên đó cũng sự phồn vinh, được cơ hội phát triển cùng với những nước tiên tiến trên thế giới.

Ông Bình chia sẻ thêm với Việt Nam, nếu các doanh nghiệp không thay đổi thì sẽ chết và vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Như vậy, chìa khóa sẽ là các doanh nghiệp phải biết sử dụng công nghệ thông tin để tạo năng lực cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác.

"Tuy nhiên, trong tương lai thì chỉ tin học thôi không đủ mà phải doanh nghiệp real-time, doanh nghiệp số. Những loại hình doanh nghiệp này sẽ có đẳng cấp và sức cạnh tranh vượt trội. Mọi biến đổi từ ý kiến khách hàng tới nhu cầu của cá nhân đều được cung cấp bởi máy móc tính toán, chứ không phai con người" - lời vị Chủ tịch tập đoàn FPT nói.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM