Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Thất bại cay đắng luôn xuất phát từ lòng tham

02/06/2017 13:44 PM | Kinh doanh

Trong chương trình Cafe 8 số thứ 4 trên fanpage CafeBiz, lãnh đạo cấp cao của FPT Software thẳng thắn thừa nhận thất bại ai cũng có, nhưng thất bại nhiều lần thì không ổn.

Ông Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai của FPT. Ngay sau khi ra trường, ông vào đầu quân cho FPT và bắt đầu bằng những việc đơn giản như đi lau máy tính, bê máy tính, máy in, bán hàng…

Thời điểm những năm 90, Việt Nam còn nghèo, cái máy tính còn là một món đồ xa xỉ nên ông Tiến cùng cộng sự quyết định đi bán máy tính. Với tư duy “đã không làm thì thôi, đã làm phải dẫn đầu”, phó giám đốc Trung tâm Phân phối máy tính FDC ngày ấy, cùng với ban lãnh đạo quyết định trở thành nhà phân phối cho các tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới như IMB, Compact, HP…, để không chỉ bán vài chiếc lẻ tẻ mà phải bán hàng nghìn chiếc.

Về sau nhận thấy bán máy tính không khác nhiều so với bán điện thoại, công ty mở rộng sang cả mảng kinh doanh di động. Thời kỳ hoàng kim, cứ 10 cái máy tính bán trên thị trường Việt Nam thì có 7 cái dán tem FPT, 10 cái điện thoại có 5 cái của FPT phân phối.

“Mãi sau này khi học hành tử tế về nghệ thuật bán hàng, tâm lý khách hàng…chúng tôi mới nhận ra ngày ấy mình hành động tự nhiên nhưng lại đúng. Bán cái gì cũng dc, quan trọng nhất là đặt mình vào vị trí người mua hàng, xem người mua muốn gì để hiểu nên hành xử thế nào. Sau này khi chuyển sang làm phần mềm tôi vẫn hành xử như vậy”, ông Tiến tâm sự.

Tuy nhiên trong quá trình thành công, cũng có những lần thất bại mà lãnh đạo FPT vẫn còn thấy “đau lòng” mỗi khi nhớ lại.

Ông Tiến cho biết khoảng hơn 20 năm trước đây , công ty ông từng có cơ hội bán được rất nhiều máy tính vào các trường phổ thông, nhưng vì “tham vài ba đồng tiền lẻ” mà bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đến giờ mỗi khi nhắc lại, ông vẫn coi đó là thất bại cay đắng trong cuộc đời mình.

“Mọi người hay nói thất bại là mẹ thành công nhưng tôi thấy đây chỉ là sáo ngữ”.

Chủ tịch FPT Software lý giải trong cuộc đời ai cũng có sai lầm, vấn đề là sai lầm đó sẽ dìm chúng ta xuống chỗ chết hay nâng đỡ chúng ta tiến lên. Nếu có thể, nên hạn chế thất bại ở mức tối thiểu nhất.

“Với vị trí nhân viên, thất bại một lần thì được chứ thất bại nhiều sẽ bị đuổi ra khỏi công ty. Thậm chí với vị trí lãnh đạo, giậu đổ bìm leo, nếu lỡ làm giậu rồi thì đừng bao giờ đổ”, ông Tiến hài hước chia sẻ.

"Thất bại cay đắng luôn xuất phát từ lòng tham. Hồi đó chúng tôi tham quá, tới giờ nhắc lại vẫn đau lòng. Khi đó chúng tôi có một cơ hội ngàn vàng để bán được rất nhiều máy tính vào các trường phổ thông. Nhưng chỉ vì tham vài ba đồng tiền lẻ, mà chúng tôi bị loại ra khỏi cuộc chơi".

"Thông thường, nhờ lòng tham chúng ta có thể làm nên thành công. Nhưng cũng do lòng tham mà chúng ta sẽ phải hứng chịu thất bại", ông Tiến kết luận.

Sau khi đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như trưởng phòng Kinh doanh FPT Hà Nội, phó giám đốc chi nhánh FPT trong thành phố Hồ Chí Minh, tổng giám đốc FPT Trading…ông Tiến chuyển về giữ chức chủ tịch FPT Software từ năm 201 đến nay.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của chủ tịch Hoàng Nam Tiến, FPT Soft từ chỗ chỉ có 3.000 nhân viên đến nay đã tăng lên hơn 10.000. Tốc độ tăng trưởng doanh thu duy trì ở ngưỡng 30%/năm và đạt mức kỷ lục 260 triệu USD vào năm ngoái.

Ông Tiến cho biết năm 2020, FPT Software đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD, con số khiến nhiều người nghi ngờ hay cho rằng “chỉ là chém gió”. Thử hình dung đất nước mạnh về công nghệ thông tin như Ấn Độ cũng chỉ có 7 trong hàng ngàn công ty đạt doanh thu tỷ đô, trong khi Ấn Độ đi trước Việt Nam 20 đến 30 năm.

“Tôi nghĩ đã là lãnh đạo không đặt mục tiêu thách thức thì khó làm được việc lớn, còn thực hiện được hay không thì phải nhờ may mắn nữa”.

Với mục tiêu tỷ USD, lãnh đạo FPT Software tiết lộ sẽ cố gắng hiện thực hóa bằng cách duy trì mức tăng trưởng gần 40% một năm. Trong đó 30% là tăng trưởng tự nhiên, 10% còn lại thông qua các hoạt động mua bán, sát nhập (M&A) để có thêm kinh nghiệm, công nghệ và thêm nhiều nhân lực mới.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM