Đại biểu Quốc hội: Thu nhập bằng 1/5, nhưng người Việt gánh gần gấp đôi nợ công tính theo tỷ trọng so với người Malaysia

31/05/2017 11:03 AM | Kinh tế vĩ mô

"Sử dụng nợ công để thực hiện các dự án đầu tư công kém hiệu quả, đội vốn các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đẩy gánh nặng lên ngân sách. Ngân sách chịu không nổi dẫn tới tăng nợ công", đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM thẳng thắn góp ý về những bất cập trong quản lý nhà nước dẫn tới nợ công liên tục tăng trong thời gian qua.

Thu nhập bình quân hơn 2.000 USD nhưng gánh tới 1.300 USD nợ công

"Liên quan tới quản lý nợ công có thể nhận thấy rằng vấn đề bội chi ngân sách kéo dài, cộng thêm không ai chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề bội chi trong thời gian dài dẫn tới tăng nợ công Chính phủ", ông Quốc mở đầu phần góp ý.

Ngoài ra đại biểu Quốc còn cho rằng hiện tồn tại một vấn đề là nợ chính quyền địa phương không thể hiện ảnh hưởng nợ công bởi trong báo cáo tài chính ngân sáchkhông thể hiện các khoản cho vay lại. Điều này dẫn tới rủi ro tăng nợ của chính quyền địa phương.

Vấn đề tiếp theo các khoản nợ đi vay lại của chính quyền địa phương, nợ của các định chế đi vay lại thông qua Bộ tài chính, vay thông qua bảo lãnh của Chính phủ làm gia tăng chi phí nợ công. Thêm 1 lớp bảo lãnh thì chi phí nợ công tăng lên.

Vấn đề thứ 4 được ông nhắc đến là sử dụng nợ công để thực hiện các dự án đầu tư công kém hiệu quả, đội vốn các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đẩy gánh nặng lên ngân sách.

Nợ công gia tăng dẫn tới hệ quả tất yếu được ông Quốc chỉ ra thông qua con số cụ thể được: Thu nhập bình quân người dân nước ta là hơn 2010 USD, mỗi người dân gánh 1 khoản nợ công 1.300 USD. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, 15-17 năm nữa dân số của chúng ta có thêm 20% dân số trên 60 tuổi. "Không khéo chúng ta chưa tận dụng được cơ hội dân số vàng thì đã nợ chồng chất", đại biểu này quan ngại.

Ông Quốc còn lấy ví dụ so sánh với Malaysia, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 1/5 nhưng người dân gánh tới 62% nợ công trên thu nhập mỗi người. Trong khi người Malaysia chỉ gánh 32%.


Đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM

Đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM

Dự toán toàn số chẵn hiếm khi thấy số lẻ

Thực trạng tiếp theo được đại biểu Quốc chỉ ra là con số giữa dự toán và quyết toán theo tính toán 10 năm qua rất khác biệt.

"Ví dụ quyết toán chi ngân sách luôn tính toán tăng bình quân hơn 11% so với dự toán và thu ngân sách luôn luôn tăng 20%. Điều này thể hiện cách đặt vấn đề nợ công dự toán thường là những con số chẵn, ít thấy những số lẻ.

Việc quyết toán luôn khác biệt với dự toán cho thấy chúng ta chưa thực sự sâu sát trong những con số liên quan tới nợ công. Thậm chí chúng ta vi phạm những luật liên quan, ví dụ luật ngân sách không cho phép nợ công vượt qua chi đầu tư phát triển nhưng năm 2014 bội chi ngân sách vượt gần 1.000 tỷ nhưng vẫn không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm. Chính những chuyện như vậy dẫn tới nợ công ngày càng tăng", ông Quốc phân tích.


Đường cao tốc Tp.HCM- Trung Lương.

Đường cao tốc Tp.HCM- Trung Lương.

Một loạt minh chứng về sự chênh lệch lớn giữa dự toán và quyết toán được đại biểu này chỉ ra từ những dự án đội vốn phát sinh chi phí nợ công một cách kinh khủng, không có sự kiểm soát: Dự án cải tạo quốc lộ 13 đoạn từ Bờ Đậu- Tà Lung ban đầu chi phí là 545 tỷ, sau quyết toán là 1.291 tỷ, tăng 137%. Cao tốc Tp.HCM- Trung Lương ban đầu là 6.500 tỷ, sau cùng là 9.900 tỷ, tăng 52%. Đường Nam Hà Nội 3.131 tỷ, sau cùng là 6.664 tỷ, tăng 113%. Bến Thành- Suối Tiên 17.400 tỷ, sau là 47.325 tỷ, tăng 172%. Cầu Phú Mỹ 1.800 tỷ, sau là 3250 tỷ, tăng 81%. Cát Linh-Hà Đông tính theo triệu đô la là 553 triệu, sau là 892 triệu, tăng 61%. Láng Hòa lạc- Đại lộ Thăng long 3.700 tỷ, sau là 7.500 tỷ, tăng 103%. Cầu Giẽ- Ninh Bình 3.734 tỷ sau là 8.974 tăng 140%. Bờ kè sông Cần Thơ 712 tỷ sau là 1.555 tỷ tăng 118%.

"Tôi thấy quản lý nợ công kiểu này dự toán 1 đường quyết toán 1 đường, đội lên như vậy ngân sách phải bù đắp. Cần có chỉ đạo chỉn chu về lập dự toán và quyết toán", ông Quốc nhấn mạnh.

Góp ý về điều 1 phạm vi điều chỉnh không bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế tự vay tự trả đại biểu này cho là đúng luật, DNNN không trở thành cánh tay nối dài của ngân sách. Nhưng nếu trong trường hợp DNNN tự vay tự trả nhưng nếu doanh nghiệp không trả được nợ, và thường là các vay của các định chế quốc tế thì chắc chắn các chỉ số tín nhiệm của quốc gia sẽ bị hạ thấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến Chính phủ khi đi vay các gói vay mới từ các định chế quốc tế.

Ông Quốc cho rằng bên cạnh việc DNNN được phép tự vay tự trả không thuộc phạm vi của nợ công hay không thuộc phạm vi tính vào nợ công nhưng phải có cơ chế để giám sát được việc DNNN khi vay thì nguồn nào trả và trả như thế nào, không gây ảnh hưởng tới tín nhiệm quốc gia.

Một vấn đề khác được đại biểu Quốc chỉ ra tiếp là cần làm rõ quy định về nợ công tiềm ẩn. Nợ công tiềm ẩn chưa thể hiện trong định nghĩa nợ công nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh nợ công. Cụ thể là các khoản nợ công Chính phủ bảo đảm từ nguồn ngân sách mà không trả được, rủi ro mất cân đối của quỹ bảo hiểm xã hội hoặc nợ công từ các dự án đầu tư công kém hiệu quả của DNNN, các ngân hàng thương mại khi đổ vỡ buộc ngân sách phải bù vào. Do đó cần phải có các điều khoản quy định kiểm soát các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn để phòng tránh rủi ro vượt trần nợ công dẫn tới bất ổn định của nền kinh tế.

Về điều 21 trong dự thảo về phân công trách nhiệm các bộ ngành liên quan liên quan đến vay trả nợ công: Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ kế hoạch và đầu tư. "Chúng tôi thiết nghĩ một bên quy định NHNN đi đàm phán với World Bank, ADB, các định chế quốc tế nhưng khi sử dụng tiền lại là Bộ Tài chính. Nên quy về 1 mối, ai là người đi trả nợ thì là người đi đàm phán vay, như vậy sẽ rõ ra các điều kiện vay như thế nào để sau này có điều kiện trả nợ đảm bảo uy tín.", ông Quốc góp ý.

Chính Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ chiều hôm qua: "Cái tồn tại lớn nhất của quản lý nhà nước về nợ công là gì? Đó là 3 cơ quan cùng làm việc quản lý nợ công. Một người đi đàm phán đi vay, một người về phân bổ số nợ vay, một người đi trả nợ. Một bất hợp lý mà chẳng có quốc gia nào giống chúng ta".

"Quốc hội lần này nếu sửa được sẽ tạo ra cuộc cách mạng về quản lý nhà nước về nợ công, may ra mới chấn chỉnh được", Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ hy vọng cải cách trong quản lý nhà nước về nợ công.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM