Vì sao hàng loạt doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều lỡ hẹn với sàn chứng khoán quốc tế?
Cả Vietjet và VNG đều đang tỏ rõ tham vọng muốn trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa cổ phiếu niêm yết trên thị trường bên ngoài. Tuy vậy, cả Vietjet hay VNG đều không phải người đầu tiên nghĩ đến việc đưa cổ phiếu ra quốc tế.
Những doanh nghiệp từng lỡ hẹn
Đầu năm 2008, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chấp thuận về việc có thể mang toàn bộ lượng cổ phiếu phát hành thêm bằng 5% vốn điều lệ tại thời điểm đó (hơn 8,7 triệu cổ phần), tương đương 3% vốn điều lệ sau khi phát hành sang niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore. Đến tháng 10/2008, Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) cũng đã có văn bản chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu của Vinamilk tại thị trường nước này.
Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau đó Vinamilk thông báo hoãn kế hoạch niêm yết. Theo doanh nghiệp này, thị trường thế giới thời điểm đó có nhiều biến động khó dự đoán nên HĐQT đã quyết định tạm dừng việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên SGX-ST, dự kiến khi điều kiện thị trường thuận lợi công ty sẽ tiếp tục thực hiện. Đến giữa năm 2009, Vinamilk công bố tái khởi động lại kế hoạch, nhưng kết quả sau đó vẫn chỉ là dậm chân tại chỗ.
Cùng thời điểm với Vinamilk, CTCK Sài Gòn (SSI), PVDrilling hay Tập đoàn Kido (tên cũ là Kinh Đô) cũng đều đưa ra đề xuất đăng ký niêm yết cổ phiếu tại những trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hong Kong hay xa hơn Mỹ, nhưng hầu như các kế hoạch này chỉ xuất hiện một cách chớp nhoáng và nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Sau khi thị trường tài chính thế giới bắt đầu có sự phục hồi vào giai đoạn 2010 – 2012, nhiều tập đoàn lớn trong nước như Hoàng Anh Gia Lai, thậm chí cả một số doanh nghiệp có quy mô thuộc tầm trung cũng manh nha kế hoạch đưa cổ phiếu ra thị trường quốc tế nhằm tăng uy tín, cũng như khả năng huy động vốn từ nhà đầu tư ngoại. Nhưng cũng không khác những doanh nghiệp đi trước, đa phần các kế hoạch này đến nay vẫn chỉ dừng ở mức dự định hoặc đang trong quá trình thực hiện.
Một trong những trường hợp hiếm hoi doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (đăng ký kinh doanh tại Mỹ) thông qua phương pháp niêm yết cửa sau đã đưa được cổ phiếu lên thị trường quốc tế là Cavico Corporation.
Được thành lập ngày cuối tháng 2/2000, CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam - Cavico Việt Nam (theo đăng ký, công ty này lại là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) là một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực đầu tư – xây dựng cơ bản với các ngành nghề chính như xây dựng công trình ngầm, đập thuỷ điện, cầu, đường giao thông, nhà cao tầng... Hành trình lên sàn Nasdaq của Cavico được tiến hành bằng hình thức “niêm yết cửa sau” thông qua sát nhập với một công ty đã có cổ phiếu được giao dịch tại thị trường Pink Sheets (thị trường OTC của Mỹ) - Công ty Agent155 Media Group vào năm 2006.
Đến năm 2009, Cavico đã tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa cổ phiếu của công ty tiến lên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Nhưng chỉ sau đó 2 năm, với hàng loạt vi phạm về quy định công bố thông tin báo cáo tài chính năm, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về thanh khoản và thị giá cổ phiếu, Cavico đã phải chính thức chia tay sàn giao dịch lớn thứ 2 thế giới này.
Cuối năm 2015, trên trang FinanceAsia đã đăng tải bài viết về việc Huy Việt Nam – đơn vị vận hành chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng – chuẩn bị IPO trên sàn chứng khoán Hongkong (HKSE). Bài báo đưa ra thời điểm đó cũng đã đề cập đến vấn đề đang gây xôn xao hiện nay - “lần đầu tiên công ty Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài”.
Tuy vậy, cũng giống trường hợp của Cavico, Huy Việt Nam thực tế lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và việc niêm yết thực ra lại là một doanh nghiệp cũng mang tên Huy Việt Nam nhưng được đăng ký kinh doanh tại “thiên đường thuế” Cayman Island.
Nguyên nhân
Với những trường hợp như Vinamilk, SSI hay Kido, ý định niêm yết cổ phiếu tại thị trường nước ngoài từ năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý khi luật của Việt Nam thời điểm đó hoàn toàn chưa đề cập đến những nội dung này. Phải đến 4 năm sau với Nghị định 58 và đến năm 2015 với Nghị định 60, khung pháp lý cơ bản cho việc đưa cổ phiếu ra thị trường quốc tế với được hình thành.
Ngoài ra, như trường hợp Vinamilk – doanh nghiệp đã nhận được sự chấp thuận của cả Việt Nam và Singapore cho vấn đề niêm yết, quyết định dừng hoạt động này lại đến từ lo ngại nhiều biến động khó dự đoán từ thị trường quốc tế.
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, không phải điều kiện niêm yết mà những quy định khắt khe đối với cổ phiếu sau niêm yết mới là vấn đề đáng ngại, đặc biệt là các tiêu chuẩn quản trị, xây dựng báo cáo tài chính, công bố thông tin theo chuẩn mực quốc tế mới là điều từng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chùn chân khi nhắc bước.
Đơn cử như sự khác nhau giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) khiến BCTC phải xây dựng với một quy chuẩn khác, vấn đề chi trả cổ tức liên quan cổ đông nước ngoài bằng USD sẽ gây ra những khó khăn liên quan đến ngoại hối, các quy chuẩn về quản trị, hay doanh nghiệp phải có market maker riêng nhằm duy trì thanh khoản và thị giá cổ phiếu...
Đến hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp nào thành lập tại Việt Nam trực tiếp đưa cổ phiếu của mình niêm yết tại nước ngoài. Nếu Vietjet hay VNG có thể trở thành người tiên phong thì một kênh huy động vốn hấp dẫn mới có thể được mở ra.