Chủ tịch CMC: Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng xây dựng hạ tầng số, đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực
Tại sự kiện Industry 4.0 Summit 2019, khối doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về việc xây dựng nền kinh tế số 4.0 với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.
Ông Trần Thanh Hải - CEO Be Group chia sẻ: "Với tư cách là một doanh nghiệp khởi nghiệp đang đầu tư sâu vào công nghệ 4.0, chúng tôi rất vui mừng khi Đảng ra nghị quyết 52 và nhìn thấy sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước. Nhận biết rằng vai trò của chính phủ là cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy hiện thực hóa định hướng này, cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trong giai đoạn 4.0, chúng tôi xin kiến nghị như sau.
Thứ nhất, chính phủ cần có những chính sách kích thích đầu tư sâu rộng vào dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học. Chúng ta cần phải có đầy đủ nguồn lực nhân sự con người và nền tảng công nghệ. Cần có chính sách thuế thu nhập cá nhân cho nhân sự trong ngành, thuế khuyến khích đầu tư để tận dụng toàn bộ nguồn lực xã hội.
Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh ý tưởng sandbox của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Khi tiếp cận dịch vụ mới, chúng ta không nên cấm đoán, nên thử nghiệm. Tuy nhiên cũng cần khống chế không gian, thời gian, thị phần nhất định để tránh trường hợp các đơn vị trong môi trường thử nghiệm chiếm thị phần lớn tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh".
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch CMC nói: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy rằng doanh nghiệp tư nhân đã được xác định vai trò quan trọng trong nghị quyết của Đảng. Các doanh nghiệp tư nhân mà tôi vinh dự được đại diện xin bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng hạ tầng nền tảng số, đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực".
Ông Chính nhấn mạnh, nền tảng số không chỉ giúp doanh nghiệp lớn mà còn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận với kinh tế số một cách nhanh nhất. Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng cung cấp các giải pháp, dịch vụ nền tảng chuyển đổi số cho tất cả các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Chính thay mặt khối doanh nghiệp tư nhân cam kết đồng hành với Chính phủ trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh, chủ động tham gia vào cách mạng 4.0 với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045.
Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng phát biểu: "Để xây dựng nền kinh tế số, một xã hội thông minh thì phải tạo ra hàng trăm triệu kết nối vạn vật, trung tâm dữ liệu siêu lớn và siêu ứng dụng số. Những điều đó yêu cầu phải có hạ tầng viễn thông siêu băng rộng và độ tin cậy siêu cao. Mạng viễn thông này phải được xây dựng đi trước một bước. Không phải ngay bây giờ, chúng ta phải có đầy đủ điều kiện pháp lý để xây dựng mạng 4G, 5G.
Thời điểm này cấp phép nhanh là quan trọng nhất. Chúng ta nên chọn phương án cấp phép có thủ tục nhanh gọn nhất, không nên đặt quá nặng việc thu ngân sách hay phân vân quá việc cân đối giữa các doanh nghiệp. Tôi nghĩ là nên đi theo nguyên tắc mũi nhọn, tức là doanh nghiệp nào mạnh, đầy đủ nguồn lực thì đi trước, doanh nghiệp mới thì đi sau một chút".
Theo ông Dũng, cần phải có các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài nguyên, doanh nghiệp và chúng ta đang quá chậm trong vấn đề này. Cần phải nhanh chóng giao cho doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, con người, công nghệ để thực hiện ngay các dự án này.
Để tránh đầu tư lãng phí, ông Dũng đề xuất Bộ Thông tin Truyền thông phải giám sát, bắt buộc các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các công nghệ tiên tiến nhất, ví dụ như 5G, ảo hóa, cloud,... Ông Dũng cũng cho rằng Chính phủ phải nhanh chóng cấp phép mobile money.