Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không thể chấp nhận cán bộ 0.4 thời 4.0!
"Hiện nay, tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam hầu như không ký "tươi" trên văn bản giấy nữa. Khi lãnh đạo không ký thì cấp dưới đương nhiên phải sử dụng hình thức điện tử", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại chuyên đề GovTech thuộc Hội nghị "Spring Meetings 2019" do World Bank tổ chức.
Phiên mở đầu của GovTech trong Hội nghị "Spring Meetings 2019" do WB tổ chức có chủ đề: "Đặt người dân lên trên hết với một Chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch", nhằm mục tiêu phản ánh và trao đổi về những thách thức và cơ hội liên quan đến việc thiết kế và triển khai GovTech với đại diện các Chính phủ, các nhà đổi mới công nghệ, đối tác phát triển và đại diện xã hội.
Trả lời câu hỏi tại hội nghị về việc Việt Nam đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số như thế nào và những trăn trở của người tham gia vào quá trình này, Bộ trưởng, Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2000 và đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo báo cáo của Liên Hợp quốc năm 2018 đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trong khu vực và trên thế giới, kết quả này là rất khiêm tốn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Ông Dũng cho biết bản thân luôn trăn trở với 2 câu hỏi lớn: Thứ nhất rào cản phát triển Chính phủ điện tử là gì, tại sao Việt Nam triển khai xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tương đối dài như vậy mà kết quả không tương xứng? Thứ hai, làm thế nào để vượt qua các rào cản đó, triển khai nhanh, có hiệu quả?
Sau thời gian tìm hiểu, ông cho biết rào cản trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là thiếu các nền tảng pháp lý quan trọng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Về hạ tầng công nghệ, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam chưa phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, chưa có các hệ thống nền tảng dùng chung gồm: Nền tảng hạ tầng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống xác thực tập trung, Cổng dịch vụ công quốc gia…
Trong vấn đề nguồn nhân lực, việc tổ chức thực hiện chưa phát huy vai trò người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó là thói quen sử dụng văn bản giấy tờ của cán bộ, công chức cũng như chưa tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân.
Từ hạn chế đã xác định, ông Dũng cho biết những cách làm mà Việt Nam đề xuất và triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua là "Đặt người dân lên trên hết với Chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch".
"Chúng tôi cho rằng bài học lớn nhất là phải triển khai đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ (BPR) và ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", ông nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng người đứng đầu các Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, đây là yếu tố quyết định thành công. Đồng thời cần phải có chiến lược quản lý để thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử.
"Hiện nay, tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam hầu như không ký "tươi" trên văn bản giấy nữa. Khi lãnh đạo không ký thì cấp dưới đương nhiên phải sử dụng hình thức điện tử. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, không thể chấp nhận cán bộ 0.4", Bộ trưởng Dũng nói.
Mặt khác, ông cho biết để bảo đảm rằng các chính phủ không bị bỏ lại phía sau, các nước có thể đồng hành cùng phát triển bền vững về quản trị số ở một số khía cạnh.
Cụ thể, các quốc gia phát triển và các tổ chức, định chế lớn như World Bank cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt cho các nước đang phát triển. Chính phủ các nước và khu vực tư nhân cùng hợp tác xây dựng các nền tảng mở, tiêu chuẩn kỹ thuật mở phục vụ quản trị số.