Chủ thương hiệu thời trang Topshop phá sản

01/12/2020 10:37 AM | Kinh doanh

Công ty mẹ thương hiệu thời trang Topshop đã không thể trụ vững trước dịch Covid-19.

Nhà bán lẻ của Anh là Arcadia vừa nộp hồ sơ xin phá sản sau khi nỗ lực duy trì 13.000 việc làm và những thương hiệu thời trang như Topshop sau khi doanh thu bán quần áo sụt giảm mạnh vì đại dịch.

Công ty này cũng là chủ sở hữu của các thương hiệu như Miss Selfridge và Dorothy Perkisn. Deloitte - công ty phụ trách quy trình xin phá sản của Arcadia nói rằng sẽ không có bất kỳ thông báo sa thải nhân viên nào được tuyên bố vào ngày thứ 2 và các cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

"Đây là một ngày buồn bã khủng khiếp đối với tất cả những đồng nghiệp của chúng tôi cũng như những nhà cung cấp và nhiều cổ đông khác. Tác động của dịch Covid-19 khiến các cửa hàng đóng cửa dài hạn đã gây ra ảnh hưởng tới việc giao dịch trên tất cả các thương hiệu của chúng tôi", CEO của Arcadia nói trong tuyên bố.

Hồ sơ xin phá sản được Arcadia nộp vào lúc nền kinh tế của nước Anh đang phải trải qua giai đoạn khủng hoảng thất nghiệp tăng cao và suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 300 năm.

Những nhà bán lẻ quần áo lớn gồm cả Marks & Spencer và Selfridges cũng đã tuyên bố cắt giảm nhiều việc làm do ảnh hưởng của đại dịch, khiến các cửa hàng đóng cửa trong nhiều tháng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm online.

Arcadia đã cắt giảm 500 việc làm ở trụ sở chính vào đầu năm nay. Trên thực tế, trước khi dịch bệnh xảy ra, công ty này đã gặp khó khăn. Tập đoàn này đã tránh được việc tuyên bố phá sản vào tháng 6/2019 sau khi họ đạt được thỏa thuận về các khoản nợ và tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Trên khắp nước Anh và Ireland công ty này đã phải đóng 50 cửa hàng. Ngoài ra cả 11 cửa hàng Topshop và Topman của họ ở Mỹ cũng đã phải đóng cửa.

Rắc rối của Arcadia sẽ gây tổn hại thêm tới danh tiếng của ông trùm Phillip Green – từng là một trong những doanh nhân bán lẻ thành công nhất ở Anh. Loạt tranh cãi đã nổi lên quanh Green trong những năm gần đây sau khi cửa hàng BHS sụp đổ, phải bán lại với giá 1 bảng Anh vào năm 2015.

Sau khi BHS phá sản, các nhà lập pháp ở Anh nói trong một báo cáo rằng Green đã làm hại công ty bằng cách lấy hàng trăm triệu bảng vì lợi ích của gia đình và biểu quyết loại bỏ vị doanh nhân này. Dưới áp lực của các nhà quản lý, Green cuối cùng phải chi ra 363 triệu bảng để đền bù cho các nhân viên cũ.

Frasers Group – công ty được dẫn dắt bởi tỷ phú bán lẻ Anh là Mike Ashley sở hữu nhiều thương hiệu như Sports Direct và Slazenger nói vào thứ 2 rằng Arcadia đã từ chối một khoản vay tới 50 triệu bảng từ công ty này. "Frasers không đưa ra bất kỳ lý do nào cho sự từ chối kể trên cũng như không nói về bất kỳ sự kết nối nào với Arcadia trước khi khoản vay bị từ chối".

Theo chuyên gia phân tích thời trang cao cấp GlobalData Chloe Collins, Arcadia "đã đánh mất bản chất trong nhiều năm", đầu tư quá ít vào những chuyển đổi kỹ thuật số và mất thị phần vào tay các đối thủ trực tuyến như Boohoo và Asos. "Cơ hội tốt nhất cho cho bất kỳ thương hiệu nào trong trường hợp này là chia tách". Boohoo, Next và Marks & Spencer có thể là một trong những người mua tiềm năng.

Arcadia nói vào ngày thứ 6 rằng họ đang lên kế hoạch mở cửa lại các cửa hàng ở Anh và cộng hòa Ireland khi các lệnh phong tỏa được xóa bỏ vào ngày thứ 4 tới. Công ty đang điều hành 500 cửa hàng ở Anh và châu Âu.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM