Chốt deal gần 50 tỷ đồng với Aplus Home, Shark Hưng bác nhận định "qua thời hoàng kim" của Shark Bình: Lúc thóc cao gạo kém, nhà ở giá rẻ sẽ lên ngôi
Không chỉ vậy, Shark Hưng cho rằng mô hình của Aplus đang chữa được "nỗi đau" của thị trường bất động sản, tạo dòng tiền cho nhà đầu tư.
Aplus Home là một trong những thương vụ có giá trị lớn nhất của Shark Hưng tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 với tổng giá trị 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng). Theo giới thiệu, tỷ lệ lấp đầy phòng của mô hình này luôn luôn trên 95% và chỉ tốn 5-10 ngày để lấp đầy. Startup Aplus Home đang có hơn 40 "location" (địa điểm cho thuê), mỗi location là một tòa nhà 4-5 tầng. Trong khi giá thuê ngang thị trường, mô hình này nổi trội hơn nhờ có concept đẹp, chất lượng quản lý vận hành đã được minh chứng. Theo nhà đồng sáng lập Đào Quý Phi, khách hàng ban đầu chỉ ký hợp đồng thuê trong 6 tháng. Tuy nhiên sau 6 tháng, họ tiếp tục gia hạn và tỷ lệ này rất cao.
Ra đời vào năm 2021 giữa thời kỳ Covid-19, Aplus đã dành năm đầu tiên này để tập trung phát triển công nghệ và tối ưu hóa mô hình, nên doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu đồng. Sang năm 2022, Aplus thu về 7 tỷ đồng nhờ tập trung triển khai những location đầu tiên.
"6 tháng đầu năm 2023, Aplus đạt doanh thu 12 tỷ đồng và theo kế hoạch dự kiến chúng tôi sẽ đạt 35 tỷ trong năm nay", nhà đồng sáng lập Aplus Home Đào Quý Phi trình bày.
Đáng chú ý, anh Phi tuyên bố với kinh nghiệm 3 năm quản lý nhiều tòa nhà, lợi nhuận trung bình mà Aplus Home thu về lên tới 35-40% một tòa nhà.
Trên sóng truyền hình, Shark Hưng đã chốt deal đầu tư 2 triệu USD, trong đó 500.000 USD đổi lấy 4% cổ phần và 1,5 triệu USD đầu tư với điều kiện hoàn vốn trong 24 tháng. Nếu đạt được cam kết, 1,5 triệu USD này sẽ chuyển thành cổ phần với mức định giá mới tối đa 20 triệu USD.
Tuy được đồng ý đầu tư, mô hình của Aplus cũng khiến các "cá mập" có quan điểm trái ngược.
Trên sóng truyền hình, Shark Bình cho rằng mô hình của Aplus đã qua thời hoàng kim. Rủi ro lớn đến từ việc startup sẽ bị phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô. Sinh viên không thuê nhà nữa, hoặc công nhân bỏ về quê thì phòng trống sẽ tăng lên rất nhiều.
"Rất xin lỗi các nhà đầu tư vòng trước là 10 triệu USD. Nhưng cũng phải thông cảm thôi vì chúng ta mua ở đỉnh, bây giờ thị trường đang đáy thì phải chấp nhận xuống giá một chút. Tôi xin đảm bảo 90% số startup trong giai đoạn hiện nay phải đối mặt với down round khi đi gọi vốn", Shark Bình nêu ý kiến.
Tuy nhiên, tại chương trình Sau bể cá mập, Shark Hưng cho rằng thời điểm thóc cao gạo kém, khó khăn mới là cơ hội cho những sản phẩm bất động sản ở phân khúc giá thấp vì người dân quay về những nhu cầu cơ bản. Khi đó, nhà giá rẻ, nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ lên ngôi, đi theo chu kỳ mới.
Trong khi đó, vị co-founder khẳng định mô hình của Aplus phục vụ những nhu cầu rất thiết yếu nên không có chuyện có hoàng kim hay không.
"Mô hình này được coi là "proven model" tức mô hình đã được chứng minh là thành công. Nó không có gì mới nhưng cái ăn thua ở đây là sự nhận diện của khách hàng với hệ thống tốt thì đỡ rất nhiều chi phí tìm kiếm khách hàng, mức đầu tư thấp. Các bạn đã đưa ra được mô hình hợp tác đầu tư. Các nhà đầu tư bất động sản rất trông chờ vào lãi vốn chứ không chú trọng vào dòng tiền. Đây là một điểm bất cập ở Việt Nam. Bây giờ lãi vốn không có vì thị trường đang trầm lắng, không biết bao giờ quay trở lại thì việc có dòng tiền rất quan trọng. Mô hình của Aplus đang chữa được nỗi đau của thị trường", Shark Hưng phân tích thêm.
Còn theo nhà đồng sáng lập, đôi khi trong một "đại dương đỏ" thì sự khác biệt không cần quá lớn, chỉ cần làm tốt hơn những người không chuyên nghiệp là đã có một thị phần nhất định.
Nói về nghi vấn lên Shark Tank chỉ để quảng cáo vì Aplus vốn nằm trong hệ sinh thái của Shark Minh Beta, anh Phi cho biết Beta Group có quỹ đầu tư nội bộ, tuy nhiên Shark Minh Beta còn rất nhiều startup, mô hình kinh doanh khác cần tập trung. Trong buổi trò chuyện sau bể "cá mập", Shark Hưng cũng tỏ ra lạc quan về khả năng thành công thực tế của thương vụ này.