Chồng sắp cưới Hoa hậu Thu Thảo: Công ty là “baby” của bố mẹ, khi giao công ty cho “vú em” thì bố mẹ ắt phải lo lắng, quan sát

15/09/2017 10:29 AM | Kinh doanh

Nguyễn Trung Tín, CEO Tập đoàn bất động sản Trung Thủy, chồng sắp cưới của Hoa hậu Thu Thảo, đã nói như vậy tại sự kiện do Forbes tổ chức ngày 14/9.

Trung Thủy Group là tập đoàn sở hữu thương hiệu Miss Áo Dài, nhiều dự án bất động sản lớn tại Sài Gòn, Hà Nội, trạm dừng chân, khu du lịch.

Nguyễn Trung Tín, CEO Trung Thủy Group, được biết đến như một thiếu gia với hình ảnh của người thừa kế một gia đình giàu có, gương mặt trẻ Forbes Việt Nam “30 Under 30” năm 2015, người từng được trực tiếp trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại mô hình Dreamplex do mình sáng lập. Gần đây, truyền thông nhắc đến anh nhiều hơn, với mối lương duyên với Hoa hậu Thu Thảo. Trung Tín và hoa hậu Thu Thảo sẽ kết hôn vào tháng 10.

Ở tuổi 30, Trung Tín đã có gần 4 năm rèn luyện và khẳng định bản thân ở vị trí CEO của tập đoàn Trung Thủy.

Mặc dù là con cả của vợ chồng nhà sáng lập Dương Thanh Thủy nhưng Trung Tín không nghiễm nhiên ngồi vào ghế CEO TTG. Sau khi tốt nghiệp đại học Melbourne, Úc và về nước vào năm 2011, vị CEO 29 tuổi này bắt đầu làm việc từ vị trí nhân viên marketing tập sự tại tập đoàn của gia đình rồi tự khởi nghiệp riêng... Nhờ chứng minh được năng lực thực sự nên Tín được cử vào vị trí CEO thay cho bố từ đầu năm 2014.

Đó là một hành trình “vượt sướng” của chính mình, dám dấn thân vào những “giả thuyết” và trải nghiệm để ghi dấu trên thị trường bằng những sản phẩm và dự án “bẻ khóa” mọi giới hạn, không gian.

Tại Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đón nhận thế giới đang đổi thay tổ chức chiều 14/9 do Forbes Việt Nam tổ chức, Nguyễn Trung Tín, CEO Tập đoàn bất động sản Trung Thủy đã có những chia sẻ về thế hệ chuyển giao và thế hệ kế thừa.

"Nền văn hóa của thế hệ thành lập được in dấu rất mạnh trong doanh nghiệp trong khi thế giới thay đổi. Vị trí lãnh đạo thường hay mắc phải là khác biệt trong văn hóa, sự tiếp nối chưa được toàn bộ. Thỉnh thoảng, thế hệ trước “buông rèm nhiếp chính”. Các bạn ứng xử như thế nào?", người điều phối sự kiện đặt vấn đề.

"Tôi rất thích từ legacy (di sản). Tôi may mắn được giao trọng trách tiếp triển một di sản của bố mẹ xây dựng lên. Tôi rất trân trọng nó. Nó là 'baby' của bố mẹ mình. Bố mẹ mình đã từng dành một ngày 10 tiếng, 12 tiếng để phát triển 'em bé' này. Tất nhiên, họ cũng sẽ yêu thương, lo lắng cho nó như mình và em trai của mình.

Rồi một ngày, có 'vú em' đến nuôi dạy và chăm sóc 'em bé' này nên họ vẫn rất lo lắng. Họ sẽ quan sát cẩn trọng xem 'vú em' này nuôi nấng 'em bé' này như thế nào. Đặt vào vị trí của bố mẹ thì mình sẽ thông cảm và chịu khó lắng nghe hơn. Từ đó mình không có những mâu thuẫn, khó khăn quá kịch liệt", Trung Tín tự tin chia sẻ.

Sau 4 năm tiếp quản cơ nghiệp gia đình, từ những trải nghiệm của bản thân, CEO trẻ tuổi này (hài hước) chia sẻ 3 điều ước để “tư vấn ngược” cho thế hệ đi trước.

Thứ nhất, vì sao thế hệ F1 lại chuyển giao?

Chuyển giao vì thế hệ F1 thấy F2 có thể phát triển công ty lớn mạnh hơn hay vì muốn về hưu? Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Rồi câu hỏi: Chuyển giao cho người bên trong hay người bên ngoài? Nếu là người bên trong thì con cháu có tiềm năng gì? Họ có đam mê không và liệu đam mê có phù hợp với tổ chức không?

Đam mê đó không phù hợp với tổ chức thì dù có giỏi tới chừng nào thì việc chuyển giao đó chưa chắc phù hợp.

Thứ hai là chuyển giao từng phần như thế nào? Từng giai đoạn ra sao?

Khi đã chuyển giao rồi thì hãy cho họ cơ hội thử thách chính mình, phạm sai lầm trong công việc của mình. Và được bảo vệ những sai lầm đó trước hội đồng quản trị và cơ hội sửa sai.

Thứ nữa là, nếu việc chuyển giao từng phần đang diễn ra ổn và tốt đẹp thì hãy cân nhắc và tổng kết lại xem cái gì tốt, cái gì chưa tốt. Từ đó tiếp tục chuyển giao thêm.

Nếu chuyển giao không tốt mà có những mâu thuẫn thì phải cân nhắc về việc chuyển giao này có phù hợp hay không.

Trong một bài phỏng vấn năm 2016 với chúng tôi, Nguyễn Trung Tín cũng từng thừa nhận, khi nhận vai trò CEO Trung Thủy Group vào năm 2014, anh cũng đã từng "lo lắng và mất ngủ rất nhiều đêm vì sợ rằng mình không đủ khả năng".

Sau thời gian đảm nhiệm trọng trách, Tín biết mình vẫn còn rất thiếu kinh nghiệm, quan hệ xã hội và sự quyết đoán. Tuy nhiên anh cho rằng các CEO trẻ có thể tìm kiếm những cộng sự để giúp đỡ mình trong điều hành công ty.

"Hiện nay tôi đang xây dựng chiến lược thu hút nhân tài, tìm những người có cùng suy nghĩ về kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận bằng chính năng lực chứ không phải manh mún để cùng phát triển Trung Thủy Group. Giúp công ty ngày càng tốt hơn, thay đổi mô hình từ công ty gia đình thành một doanh nghiệp được quản trị tốt.

Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp nhận việc điều hành công ty gia đình ngay từ khi còn trẻ là đừng ngần ngại vì khi bạn còn trẻ là lúc có nhiều cơ hội để thất bại", Tín kết luận.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM