Chồng kiến trúc sư, vợ giáo viên bỏ phố về rừng đồi Thạch Thất: Bị nói là "điên", sống không điện, không đường, 20 năm sau xây khu nghỉ dưỡng 3 hecta, từ chối tiếp "khách ồn ào"

14/06/2023 09:30 AM | Sống

Đồng hành bên chị Thu suốt những năm qua là người chồng, cũng là tri kỷ cuộc đời. Chị biết ơn anh vì đã luôn thấu hiểu và lắng nghe, hô biến những ý tưởng thô mộc thành kiệt tác có 1-0-2.

Chồng kiến trúc sư, vợ giáo viên bỏ phố về rừng đồi Thạch Thất: Bị nói là "điên", sống không điện, không đường, 20 năm sau xây khu nghỉ dưỡng 3 hecta, từ chối tiếp "khách ồn ào" - Ảnh 1.

Trên vùng đồi thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội có một cặp vợ chồng nổi tiếng được nhiều người biết tới bởi câu chuyện “bỏ phố về rừng” cách đây hơn 20 năm khi đã có trong tay mọi thứ: Công việc, sự nghiệp, tiền bạc, gia đình,…

Bị nói là điên vì “sướng không biết đường hưởng”

22 tuổi – độ tuổi đẹp nhất của đời con gái với sự nghiệp rộng mở nhưng chị Thu đã cùng chồng bỏ lại tất cả phía sau để “lên rừng” sống một cuộc sống không điện, không đường với bao thách thức. Khi ấy, nhiều người tưởng chị bị điên, đầu óc không bình thường. Còn bố mẹ chị thì không tán thành, ủng hộ trước quyết định của con gái.

Đó là câu chuyện của chị Vũ Thị Minh Thu (SN 1979), hiện đang sinh sống tại Thạch Thất, Hà Nội. Cách đây hơn 20 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, chị kết hôn với anh Đặng Triệu Thắng (SN 1967). Khi ấy, anh Thắng là kiến trúc sư có tiếng, còn chị Thu cũng đã mở được trung tâm dạy thêm tạo ra nguồn thu nhập khá tốt. Nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm về vùng đồi núi Thạch Thất bám rừng bám núi.

Chồng kiến trúc sư, vợ giáo viên bỏ phố về rừng đồi Thạch Thất: Bị nói là "điên", sống không điện, không đường, 20 năm sau xây khu nghỉ dưỡng 3 hecta, từ chối tiếp "khách ồn ào" - Ảnh 2.

Trong 5 năm đầu, chị đi đi về về giữa vùng đồi núi với thành phố. Nhưng đến khi chị 27 tuổi, vợ chồng chị quyết định từ bỏ hẳn công việc, về vùng Thạch Thất làm bạn với cỏ cây, chim muông.

Về quyết định táo bạo này, chị Thu chia sẻ lý do đơn thuần là bởi niềm đam mê, tình yêu thiên nhiên. Khi còn là cô sinh viên, trong một lần làm bài nghiên cứu khoa học bậc đại học, chị Thu đã dày công nghiên cứu về vẻ đẹp hoang sơ, nét huyền bí, kỳ vĩ của thiên nhiên thế giới. Bài nghiên cứu bằng tiếng Anh, đầy đủ luận chứng, luận điểm cùng ví dụ thực tiễn được thầy cô giáo đánh giá cao. Về vùng Thạch Thất tham quan, chị càng bị thu hút bởi vẻ đẹp sinh động, ấn tượng tại vùng núi này. Đây chính là lý do hàng đầu khiến chị Thu quyết định khai hoang lập nghiệp.

Thứ nữa, chị Thu sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ làm công nhân viên chức, sống tại khu tập thể cũ. Chị cảm thấy cuộc sống sinh hoạt tù túng, chật hẹp. Chị luôn ao ước có một không gian để thỏa sức vẫy vùng, tự do làm những điều mình yêu thích. Bên cạnh đó, chị cũng có tuổi thơ tươi đẹp được đi bắt châu chấu, cào cào, chạy nhảy khắp các cánh đồng với chúng bạn. Chính những điều này đã gieo trong chị hạt mầm của khát khao khám phá thiên nhiên.

Chị Minh Thu tâm sự: “Tôi không “mắm môi, mắm lợi” chịu đựng cuộc sống núi rừng vì lợi ích. Bởi thời điểm đó, chẳng có lợi ích nào đem lại. Đất cho cũng chẳng ai lấy. Đường mòn không có, điện không có, không một ai sinh sống. Tôi phải dùng đèn bão, nấu bếp củi ròng rã bao nhiêu năm trời. Mọi sinh hoạt dưới cả mức tiện nghi nếu tôi sống ở phố.

Thế nên, chỉ đơn giản vì đam mê, tình yêu với thiên nhiên. Lúc đầu, tôi cũng ngã nước vì không quen. Nhưng thời gian sau thì đã quen, mọi thứ từ nhận thức, tư tưởng, thể chất như được tái sinh, tiếp thêm năng lượng”.

Hàng ngày, chị Thu cuốc đất trồng cây, tỉ mẩn chăm từng nhành hoa, ngọn cỏ, dần biến nơi đây thành một vùng trù phú. Càng gắn bó, chị càng yêu da diết mảnh đất nơi đây. Thêm nữa, thiên nhiên cũng mang tới cho chị nhiều ưu đãi đặc biệt, đó là nguồn nước sạch được chảy ra từ những mạch đá ngầm đã có hàng trăm năm khiến chị cảm thấy khoẻ mạnh hơnn nhiều. Chị Thu sống một cuộc sống đơn giản với những thứ sẵn có như vậy, gần như chẳng cần dùng đến tiền bạc.

Chồng kiến trúc sư, vợ giáo viên bỏ phố về rừng đồi Thạch Thất: Bị nói là "điên", sống không điện, không đường, 20 năm sau xây khu nghỉ dưỡng 3 hecta, từ chối tiếp "khách ồn ào" - Ảnh 3.

Sống trên núi nhưng nhất định không để bản thân tụt hậu

Hai vợ chồng chị Thu “bỏ phố lên rừng” sinh sống cũng hơn 20 năm. Nhiều người biết chuyện tẩn ngẩn hỏi anh chị có buồn không? Họ thấy anh chị chịu được cuộc sống thấp hơn cả mức tiện nghi cơ bản là điều quá khủng khiếp. Với chị Thu, chị sống với nỗi buồn và đó là ý nghĩa cuộc sống.

Cuộc sống 2 vợ chồng đôi lúc cũng xảy ra bất đồng quan điểm nhưng chỉ nói qua nói lại một chút rồi thôi. Chị Thu cảm thấy vì khung cảnh yên bình nơi đây khiến con người cũng trở nên an nhiên hơn, bớt cay cú, dằn vặt nhau.

Chỉ đơn giản làm công việc trồng cây tưới tiêu, xây dựng vườn chòi nhưng chị Thu luôn đặt ra cho mình kỷ luật. Chị tự nhận mình là người hà khắc, nề nếp và theo chị, đó là bí quyết chạm tới thành công. Đây cũng là cách mà chị giáo dục cô con gái Sim của mình. Dù sau này cuộc sống đủ đầy hơn nhưng con gái chị không được phép phá bỏ những nguyên tắc đã đặt ra. Cô bé xông xáo mọi việc, lễ phép, quảng giao và thành tích học tập luôn đứng top đầu.

Chồng kiến trúc sư, vợ giáo viên bỏ phố về rừng đồi Thạch Thất: Bị nói là "điên", sống không điện, không đường, 20 năm sau xây khu nghỉ dưỡng 3 hecta, từ chối tiếp "khách ồn ào" - Ảnh 4.

Sống với núi rừng nhiều năm nhưng chưa bao giờ chị Thu cho phép mình bị tụt hậu về mặt kiến thức. Chị thích nghi với hoàn cảnh hiện tại khó khăn nhưng không có nghĩa chị ngừng tư duy. Chị có thể làm việc như người nông dân thực thụ, sống cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng dứt khoát không tụt lùi về kiến thức. Tất cả mọi thứ đều được chị lên kế hoạch chi tiết, có chiến lược rõ ràng và thực hiện trong từng giai đoạn nhất định.

“Tôi học hỏi, nghiên cứu mỗi ngày qua cuộc sống thực tiễn. Những khi cần tiếp nạp kiến thức mới, tôi sẽ lên phố, dùng điện, dùng công nghệ. Thời ấy, mỗi lần lên phố của tôi giống như đi học bài vậy” , chị Thu trải lòng.

Công trình đi đến đâu, cây cối đi tới đó

Lên vùng đồi hơn 20 năm nhưng mãi đến năm 2019, vợ chồng chị Thu mới quyết định xây khu nghỉ dưỡng nhằm khai thác du lịch. Và chỉ khoảng 2 tháng trở lại đây, khu nghỉ dưỡng mới chính thức đi vào hoạt động.

Theo quan điểm của chị Thu, công trình đi đến đâu, cây cối đi tới đó. Chị lên án những hành động phá hoại thiên nhiên, chặt cây đốn rừng. Chính vì vậy, công trình xây dựng của chị cũng khác biệt, độc đáo, “nương vào tự nhiên để hình thành và phát triển”.

Về vật liệu, vợ chồng chị sưu tầm, nhặt nhạnh muôn nơi trong suốt nhiều năm qua. Chẳng hạn như phiến gỗ nằm sâu dưới lòng đất được lấy lên sau rất nhiều năm, mối mọt không thể xâm nhập. Những khúc gỗ như vậy còn chắc khoẻ hơn cả sắt bởi nó không bị han gỉ. Hay những khúc củi đã bị than hoá, không thể đốt làm củi, cho cũng chẳng ai lấy, chị Thu lại nhặt về để chế tác nên những vật dụng. Hay những mái nhà của người dân tộc bỏ đi, chị cũng lấy về tái sử dụng.

Vậy nên công trình xây dựng của vợ chồng chị Thu không phải các khối bê tông cốt thép, không phải những bức tường vôi trắng nhức mắt, mà là những khu vực xinh xắn và nên thơ. Mọi thứ đều nhuốm màu thời gian, đều có cái hồn của đất của rừng và phảng phất hương thơm của các loại gỗ. Chị Thu gọi đó là câu chuyện riêng của sự vật, sẽ tồn tại theo năm tháng.

Khai thác du lịch tại nơi đây, chị không đặt nặng vấn đề thu nhập, tiền bạc. Với chị, điều quan trọng nhất là mọi thứ không xô bồ, giữ nguyên được đúng câu chuyện ban đầu. Vì thế, nếu khách du lịch ngỏ ý muốn mang loa đài tới hay tổ chức team building, chị đều từ chối. Chính bởi điều này, nhiều người thường nói chị khó tính và hay “đuổi khách”.

Với chị Thu, giờ điều đáng sợ nhất là khi mà tất cả mọi người nghĩ chị đã có tất cả thì chị lại thấy chông chênh vô cùng. Chị sợ xô bồ, ồn ã đông người, sợ lời ra tiếng vào. “Mọi người không có trải nghiệm giống tôi nên đôi khi họ đốt cháy giai đoạn, đòi hỏi lẫn nhau khiến mọi thứ vô cùng phức tạp và xáo trộn” , chị chia sẻ.

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM